PGS Văn Như Cương đã vượt qua "tử thần ung thư" như thế nào?

07:00 | 01/02/2015

4,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều người, nhận kết quả xét nghiệm mang bệnh ung thư thì chẳng khác nào đã nhận “án tử” nhưng đối với PGS Văn Như Cương thì: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình mang bệnh”.

>> Ai chữa bệnh ung thư cho PGS Văn Như Cương?

>> Thầy lang tiết lộ bí quyết chữa khỏi ung thư cho PGS Văn Như Cương

>> Những người chiến thắng bệnh ung thư

 

Gặp vợ chồng PGS Văn Như Cương tại một căn phòng nhỏ ngay trong khuôn viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thầy bảo: Nhà chỉ còn có thầy và cô nên ở ngay trong trường cho tiện, có điều kiện gần học trò, sát sao với công việc hơn. Cử chỉ nhanh nhẹn, nói chuyện vui vẻ, đôi mắt rất tinh anh… Đặc biệt, trong câu chuyện với chúng tôi, thầy còn ngẫu hứng đọc thơ tặng vợ mình. Nhìn thầy như vậy không ai nghĩ rằng thầy lại vừa trải qua cơn bạo bệnh.

Kết quả xét nghiệm gần đây nhất (ngày 26/1/2015) của PGS Văn Như Cương cho thấy: “Các khối u vệ tinh và huyết khối tĩnh mạch đều biến mất, không còn hiện tượng hoại tử tế bào gan và chảy máu nội khối”. Thầy Cương nói: Như vậy là bây giờ coi như mình không có bệnh, các bác sĩ cũng vô cùng ngạc nhiên về kết quả này và cho rằng đó là trường hợp hy hữu.

PGS Văn Như Cương và vợ

Hỏi về quá trình hơn 6 tháng đối mặt với căn bệnh ung thư gan quái ác, thầy Cương nói: “Thực ra là gia đình lo lắng nhiều chứ bản thân mình thì chưa khi nào nghĩ mình có bệnh cả”.

Quả đúng như lời thầy nói, bởi dù hiện tại kết quả xét nghiệm đều cho thấy sức khỏe của thầy tiến triển tốt nhưng nhắc đến thời gian PGS Văn Như Cương phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, cô Đào Thị Kim Oanh, vợ của PGS Văn Như Cương vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cô tâm sự rằng: Có những lúc nhìn thầy nằm trong bệnh viện li bì, không ăn uống được tưởng chừng như bản thân cô cũng như… chết đi. Buồn nhiều là vậy nhưng trước mặt thầy, cô luôn cố gắng bởi vì thầy lạc quan lắm, cô không muốn làm thầy buồn thêm.

Thời gian đó, câu nói mà cô luôn nói với thầy là: “Em không thể nào xa anh được!”. Cô đã khóc rất nhiều, lúc ấy cũng không biết tâm sự cùng ai bởi bên ngoài thì cứng cỏi lắm, trước mặt thầy cô vẫn bình tĩnh, vui vẻ để rồi về nhà thì khóc thầm một mình. Cô gọi điện cho bạn cùng cảnh với cô và nói rằng: "Bây giờ mình mới hiểu được cảm giác của bạn, thực sự là giờ mình đang không biết phải làm sao…!".

Nói về bệnh tình của thầy, cô Oanh nói: Thầy phát hiện bệnh vào tháng 7/2014 vì thấy trong người không được khỏe, ăn không ngon miệng kèm hiện tượng đau ở hạ sườn nên gia đình đã đưa thầy đi khám. Tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) các bác sĩ phát hiện thầy bị u xơ tiền liệt tuyến và bệnh viện đã làm phẫu thuật mổ nội soi. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuận nội soi thầy vẫn bị các cơn đau hành hạ, trong lần khám thứ 2 này các bác sĩ chẩn đoán là thầy bị ung thư gan, giai đoạn muộn. Nguy hiểm ở chỗ các tĩnh mạch nối từ gan lên khối ung thư đã lớn bằng, tĩnh mạch cửa lại có huyết đọng nên cực kỳ nguy hiểm.

Cô Kim Oanh luôn chia sẻ với công việc của chồng

Ba phương án được đưa ra là: Cắt đi khối u, thực hiện phương pháp ghép gan hoặc nút động mạch gan. Hai phương án đầu khó khả thi vì cắt khối u sẽ gặp nhiều rủi ro, còn ghép gan cần đợi người hiến tạng nên gia đình chọn phương pháp “nút" tĩnh mạch cho thầy.

Trong lần thắt nút tĩnh mạch đầu tiên đó do thuốc tác động nhiều khiến tóc và râu rụng cả búi, xót xa quá cô đã không kìm được nên vào phòng bác sĩ hỏi: “Bác sĩ ơi, bao giờ chồng tôi chết…?”. Đó là điều làm cô nhớ nhất, nhắc đến cô vẫn không thể kìm nước mắt. Cô bảo thực sự là lúc đó sự tuyệt vọng đã lên đến đỉnh điểm rồi, cô không chịu được nữa.

Nhưng rồi sau câu hỏi đó, cô lại càng quyết tâm phải bằng mọi cách vực thầy qua cơn bạo bệnh này…!

Bằng nhiều thông tin khác nhau cô tìm hiểu cặn kẽ về căn bệnh rồi quyết định chữa trị song song Đông - Tây y và thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt cho thầy. Bản thân cô Oanh lại rất tin vào sự kỳ diệu của Đông y, bởi trước đó khi bị tai biến nhẹ, nhờ Đông y mà cô cũng qua khỏi. Từ đó cô quyết định mời thầy lang Nho đến xem bệnh cho PGS Văn Như Cương. Về chế độ ăn uống cho thầy, cô sắc nước nấm lim xanh thay trà, nấu nước yến, rồi tam thất… để thay đổi bữa.

Khẳng định cùng với sự tiên tiến của Khoa học kỹ thuật hiện đại thì Đông y cũng mang đến điều kỳ diệu. Từ chỗ mệt mỏi phải nằm li bì nhiều ngày liền nhưng sau khi uống thuốc do thầy Nho kê, bệnh tình của PSG Văn Như Cương đã thuyên giảm hơn hẳn, đến giờ thì coi như không bệnh. Bên cạnh đó, theo cô Kim Oanh thì với bệnh này tư tưởng cũng là yếu tố quan trọng. Vì thế trong thời gian thầy bị bệnh, các bác sĩ yêu cầu thầy phải nằm viện điều trị nhưng cô nói rằng:“Tôi hiểu chồng tôi hơn cả, nếu để chồng tôi làm việc thì ông ấy còn có thể sống…”. Vậy là thầy vừa làm việc, vừa điều trị bệnh.

Cũng rất may là, trong thời gian thầy phải điều trị bệnh, thầy cô luôn nhận được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh trong trường, đó đã là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Biết thầy cũng tham công tiếc việc nên thời gian sức khỏe thầy có tiến triển tốt, cô còn đưa thầy ra ngoại thành thăm thú phong cảnh, để thầy được nghỉ ngơi. Thời gian gần đây cô còn động viên thầy học phương pháp thiền. Vậy nên đến ngày hôm nay, nhìn thầy khỏe mạnh như vậy, cô là người hạnh phúc nhất.

Theo thầy Văn Như Cương thì: Hai phương pháp Đông - Tây y mà thầy áp dụng đều có tác động nhất định đến quá trình chữa bệnh của mình. Bên cạnh đó thì tinh thần cũng là yếu tố quyết định. Với nhiều người, nhận kết quả xét nghiệm mang bệnh ung thư thì chẳng khác nào đã nhận “án tử” nhưng mình thì lại chưa bao giờ nghĩ mình mang bệnh, cũng không bao giờ nghĩ đến tình huống xấu nhất. Mặc dù đây là bệnh nan y, có đến 70% không qua khỏi, thế nhưng điều mình muốn nói với những người cùng mắc căn bệnh như mình là dù chỉ 1% thì hãy cứ nên hy vọng.

Huyền Anh (tổng hợp)