Những quy định có hiệu lực từ hôm nay, 1/1/2015

12:25 | 01/01/2015

29,077 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày đầu tiên của năm mới 2015, nhiều quy định như: Cho phép mang thai hộ, bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới, tăng lương tối thiểu vùng… chính thức có hiệu lực.

>> Xúc động thư "Gửi một người" của Bộ trưởng Y tế

>>  [VIDEO] Á hậu Huyền My lần đầu lên tiếng về scandal trong quán bar

>> Vì sao các tàu ngầm Kilo của Việt Nam đều hạ thủy vào ngày 28?

Bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới

Từ năm 2015, hôn nhân đồng giới không bị cấm nhưng cũng chưa được thừa nhận.

Cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Trong đó ghi rõ bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới tính nhưng cũng quy định cụ thể: “Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8).

Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam.

Cho phép người thân thích mang thai hộ

Vì mục đích nhân đạo, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có một điểm mới là cho phép mang thai hộ. Tuy nhiên, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Hiện Bộ Y tế dự kiến sẽ cho phép 3 cơ sở đại diện 3 khu vực Bắc Trung Nam là bệnh viện Phụ sản TW, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, bệnh viện Đa khoa TW Huế thực hiện việc mang thai hộ.

Việt Nam miễn thị thực cho công dân 7 nước

Công dân đến từ 7 nước sau khi đến Việt Nam sẽ được miễn thị thực nhập cảnh gồm: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.

Tuy nhiên khi nhập cảnh vào Việt Nam thì thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh… mà trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250 - 400 nghìn đồng/tháng kể từ hôm nay 1/1/2015.

Cụ thể là Vùng I: 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 400 nghìn đồng), Vùng II: 2,75 triệu đồng/tháng (tăng 350 nghìn đồng), Vùng III: 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 300 nghìn đồng), Vùng IV: 2,15 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng)

Cũng theo nghị định, mức lương của những người lao động đã qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Thêm quyền lợi cho người đóng BHYT

Những nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT trong năm 2015.

Cụ thể, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng hoặc người có công nuôi dưỡng hay con của liệt sĩ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh

Các thân nhân khác của người có công với cách mạng được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%.

Nhóm tiếp theo là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ được nâng từ 95% lên 100%; nhóm thuộc hộ cận nghèo được nâng từ 80% lên 95%.

Ngoài ra, Luật BHYT còn bổ sung đối tượng tham gia BHYT được bảo hiểm xã hội đóng phí là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Tuy nhiên, BHYT cũng siết chặt mức phạt đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể phạt gấp đôi với cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng bảo hiểm không đầy đủ.

Những đối tượng này sẽ bị buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng.

Phạt chủ xe nếu chở quá tải

Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2015, người điều khiển ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô vận chuyển hàng hóa chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng (hiện tại cao nhất là 7 triệu). Người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.

Đặc biệt, chủ xe đã để cho người làm công, người đại diện chở hàng quá tải trên 100% tải trọng sẽ bị phạt tiền từ 32-36 triệu đồng (nếu là tổ chức) hoặc 16-18 triệu đồng (đối với cá nhân). Trước đây, không có quy định về xử phạt chủ xe này.

Trường hợp tổng trọng lượng xe vượt tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% cũng sẽ bị phạt với mức như trên, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Quy định xử phạt xe không sang tên đổi chủ

Theo Nghị định 171/2013, thay thế Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2015, chủ xe ôtô các loại khi mua, được tặng, thừa kế... mà không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức.

CSGT chỉ được xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ qua công tác đăng ký, giải quyết tai nạn giao thông chứ không được kiểm tra xử lý lỗi này với các chủ phương tiện đang lưu thông trên đường.

Tăng quyền hạn của Công chứng viên

Nếu như trước đây chỉ có UBND mới có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ thì theo Luật công chứng sửa đổi, hiệu lực từ 1/1/2015, công chứng viên ngoài quyền chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng thì phải có trách nhiệm công chứng bản dịch giấy tờ, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản

Công chứng viên cũng có quyền công chứng bản dịch giấy tờ, chứng thực bản sao từ bản chính. Như vậy trong thời gian tới, việc chứng thực sao y của người dân sẽ thuận tiện hơn khi có nhiều cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

>> Xúc động thư "Gửi một người" của Bộ trưởng Y tế

>>  [VIDEO] Á hậu Huyền My lần đầu lên tiếng về scandal trong quán bar

>> Vì sao các tàu ngầm Kilo của Việt Nam đều hạ thủy vào ngày 28?

Huyền Anh (Tổng hợp)