Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông TP HCM năm 2012

07:00 | 31/12/2012

774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm 2012, giao thông TP HCM đã có bước chuyển mình khi khởi công tuyến Metro đầu tiên của Việt Nam, khánh thành cầu Rạch Chiếc, xây dựng cầu Sài Gòn 2, mở rộng một số tuyến đường để giảm tình trạng kẹt xe.

Khởi công tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam

Tuyến Metro có mức đầu tư trên 2 tỉ đồng đã được khởi công xây dựng vào 28/8 là tuyến số 1 trong hệ thống Metro của TP HCM. Tuyến Metro số 1 dài gần 20km, trong đó có khoảng 2,6km đi ngầm và hơn 17km trên cao. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017 và vận hành năm 2018.

Tuyến Metro số 1 sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của TP HCM. Việc triển khai xây dựng trước đoạn trên cao của tuyến metro này sẽ tác động mạnh đến sự phát triển đô thị dọc tuyến trên địa bàn các quận 2, 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An.

Lễ khởi công tuyến Metro số 1

Theo thiết kế, lưu lượng khách chuyên chở của Metro số 1 khoảng 162.000 lượt người mỗi ngày trong giai đoạn 2014-2020; sau đó nâng cấp lên khoảng 635.000 lượt vào năm 2030 và 800.000 lượt vào năm 2040. Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến khoảng 30 phút, dự kiến tàu sẽ hoạt động khoảng 20 giờ một ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 5-6 phút.

Làm sạch dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn

Công trình cải tạo, xây dựng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa được khánh thành ngày 18/8 đã giúp dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn được hồi sinh và sẽ trở thành tuyến kênh đẹp nhất Sài Gòn.

Công trình gồm 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3-2003 lắp tuyến cống bao dài 8,9km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao và chuyển về trạm xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường.

Kênh Thị Nghè đã được thay áo mới

Dự kiến giữa năm 2013 Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ hồi sinh thành dòng kênh xanh và sẽ chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2 km2 thuộc bảy quận, góp phần cải thiện cuộc sống 1,2 triệu dân.

Dự án cải tạo đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, thi công mở rộng mặt đường từ 7m lên 9m với tổng chiều dài 15km giúp xe cộ đi lại thông thoáng trên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Tổng vốn đầu tư 554 tỉ đồng.

Xây hai cầu vượt thép

Nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm, TP HCM đã cho xây dựng hai cầu vượt bằng thép tại Ngã tư Thủ Đức (quận 9, Thủ Đức) và Ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh). Dự kiến hai công trình này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên Đán

Cầu vượt thép tại Ngã tư Thủ Đức được thiết kế vĩnh cửu bằng thép liên hợp bản bêtông cốt thép, với quy mô dài 570m, nằm trên trục xa lộ Hà Nội, rộng 4 làn xe. Tổng mức đầu tư 277 tỉ đồng, do Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công.

Cầu vượt thép tại Ngã tư hàng xanh vừa được hợp long tối 26/12

Tại Ngã tư Hàng Xanh, Cầu vượt bằng thép được khởi công xây dựng vào ngày 10/10, có tổng chiều dài 390m (riêng phần cầu dài 220 m), rộng 16 mét, tổng vốn đầu tư 183 tỉ đồng. Với 4 làn xe chạy, cầu thép tại Ngã tư Hàng Xanh chỉ dành cho xe buýt, xe ô tô dưới 9 chỗ và xe 2 bánh lưu thông.

Khánh thành cầu Rạch Chiếc

Cầu Rạch chiếc đã được khánh thành vào ngày 10/7 với tổng số vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Cầu Rạch Chiếc với 10 làn xe góp phần kéo giảm ùn tắt trên xa lộ Hà Nội. Cầu Rạch Chiếc nằm trên tuyến đường huyết mạch của TP HCM không chỉ trong thời bình mà trong chiến tranh, cầu là điểm bắn phá dữ dội của địch. Việc hoàn thành cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhân dân TP HCM.

Cầu Rạch Chiếc ngày thông xe

Công trình cầu Rạch Chiếc dài 735m, rộng 48m. Cầu được cấu tạo bởi ba cầu riêng biệt, trong đó hai cầu biên mỗi cầu có hai làn xe gồm xe gắn máy và ôtô con. Cầu ở giữa có 6 làn xe dành cho ôtô các loại.

Xây dựng cầu Sài Gòn 2

Công trình xây dựng cầu Sài Gòn 2 đã được khởi công vào ngày 14/4 với mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Cầu được thiết kế cho phép các loại xe lưu thông với tốc độ 80 km/giờ, cầu chịu được động đất cấp 7 và có tải trọng cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông.

Phối cảnh cầu Sài Gòn 2

Cầu Sài Gòn 2 là cửa ngõ phía Đông Bắc TP HCM, lượng xe lưu thông rất lớn, sau khi hoàn thành, cầu Sài Gòn 2 sẽ góp phần làm giảm gần một nửa lượng xe lưu thông qua cầu Sài Gòn cũ, giúp thông thoáng cửa ngõ vào TP HCM từ các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung...

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc