Những chú voi bị bóc lột đến chết

19:07 | 29/01/2015

1,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có mặt ở khu du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk) vào những ngày lễ lớn mới thấy lượng khách có nhu cầu cưỡi voi nhiều như thế nào. Hết đoàn khách này tới đoàn khách khác, voi chưa kịp nghỉ ngơi đã phải nai lưng cõng các “thượng đế” lội sông, trèo núi để ngắm cảnh.

Theo một người nài voi, trung bình lịch làm việc trong ngày của một con voi trong thời gian cao điểm sẽ bắt đầu từ sáng sớm sau khi nài voi dắt voi từ rừng về tắm táp, đóng bành và dẫn đến khu du lịch, sau đó xích voi vào gốc cây và chờ đến lúc khách có nhu cầu cưỡi voi.

Có bao nhiêu khách thì voi sẽ phải chở bấy nhiêu chuyến, trung bình một chuyến voi có thể chở từ bốn đến năm du khách. Khoảng 6 giờ chiều voi mới được đưa vào rừng, cột vào gốc cây bằng sợi dây xích dài khoảng 50m và tự kiếm ăn.

Những chú voi bị bóc lột đến chết

Với chi phí vài trăm ngàn đồng cho một giờ cưỡi voi, mỗi ngày một con voi có thể đem về số tiền hàng triệu đồng. Chính vì lợi nhuận quá lớn nên nhiều nài voi bất chấp tất cả, bắt voi phục vụ liên tiếp mà không có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Phục vụ khách quá tải, ăn uống lại kham khổ bởi trước đây có rất nhiều du khách thường bỏ tiền mua mía, chuối cho voi ăn, tuy nhiên sau đó họ phát hiện một số nài voi cấu kết với người bán thức ăn “móc” tiền của khách nên ít chịu bỏ tiền mua thức ăn cho voi như trước.

Vì vậy, sau giờ làm việc vất vả voi phải tự kiếm ăn trong rừng. Do thức ăn trong rừng cũng dần cạn kiệt lại bị xích trong phạm vi chật hẹp nên voi không thể đi xa tìm thêm nguồn thức ăn khác. Kết quả. voi nhà chết dần chết mòn, số lượng đàn voi giảm nhanh chóng từ con số hàng trăm giờ chỉ còn lại số ít, chủ yếu voi già và khó có khả năng sinh sản.

Do làm việc quá sức lại không được cung cấp thức ăn đầy đủ, nghỉ ngơi nên voi bắt đầu suy kiệt và gục ngã. Không chỉ voi già yếu bị bắt ép phục vụ du lịch đến chết mà ngay cả các voi trẻ sung sức cũng chết vì kiệt sức.

Năm 2013, liên tiếp trong hai tháng đã có hai con voi bị chết: voi Buôn Nhang, 63 tuổi, tử vong tại tiểu khu 485, thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn; voi cái 35 tuổi tên H’plo (thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Bản Đôn) cũng chết vào ngày 11-2-2013.

Mới đây nhất, ngày 20-1-2015, con voi 36 tuổi Book Khăm, thuộc sở hữu của gia đình Đ.V.L. (trú thôn 1, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) đã chết vì trượt ngã từ trên đỉnh đồi xuống trong lúc kiếm ăn.

Nhìn những chú voi già lê từng bước nặng nhọc chở khách du lịch mới thấy hết nỗi xót xa. Một người dân bức xúc chia sẻ: “Việc khai thác tận kiệt sức lao động của voi chẳng khác nào dồn chúng vào chỗ chết. Vì thế, nên có quy định, xử lý những trung tâm du lịch cấu kết với các nài voi để ép voi làm việc quá sức, nếu không thì chẳng mấy chốc Đắk Lắk không còn con voi nào”.

Vắt kiệt sức của voi phục vụ cho du lịch là một việc làm hết sức tàn nhẫn, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời chắc chắn trong tương lai những chú voi tại khu du lịch Bản Đôn sẽ tuyệt diệt. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các khu du lịch và cả những đơn vị có trách nhiệm bảo tồn động vật.

 

Theo CATPHCM

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc