Từ vụ 12 người ngạt khí trong quán karaoke ở Quảng Ninh:

Nhiều quán karaoke đang thiết kế theo kiểu “tự sát”

07:00 | 22/09/2014

1,429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, tai nạn ở các quán karaoke để lại những hậu quả nặng nề: Cháy quán bar tại Zone 9 khiến 6 người tử vong; hỏa hoạn tại quán hát karaoke Giảng Võ làm 5 người chết và gần đây nhất là vụ ngạt khí tại quán hát ở Quảng Ninh khiến 12 người thương vong. Điều khiến nhiều người lo lắng là nguy cơ cháy nổ, ngạt khí, tai nạn hiện hữu ở chính những địa điểm vui chơi hiện đại và tưởng như rất an toàn. Người dân thì hoang mang nhưng các kiến trúc sư thì đã nhìn nhận ra vấn đề…

8 người thiệt mạng sau đêm liên hoan

Trao đổi với phóng viên ngay sau sự cố 12 người ngạt khí trong quán karaoke ở Quảng Ninh, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy đã phải thốt lên: “Hiện tượng này đã báo động từ lâu lắm rồi! Nhưng do chưa xảy ra nên nhiều khi mọi người vẫn coi thường”.

Diễn biến mới về vụ việc ngạt khí tại quán hát ở Hải Hà, Quảng Ninh, sau những ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, biết không còn hy vọng chữa trị, nên khoảng 12 giờ trưa 10-9, gia đình đã viết đơn xin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để đưa nạn nhân Phạm Việt Chương (21 tuổi, trú tại xã Phú Hải, huyện Hải, Hà, tỉnh Quảng Ninh) về nhà. Anh Phạm Việt Chương đã tử vong trên đường về. Cũng trong ngày 10-9, anh Nguyễn Văn Kỷ, 23 tuổi, trú tại xã Phú Hải, huyện Hải Hà, nạn nhân vụ ngạt khí trong phòng hát karaoke Queen Club đã trút hơi thở cuối cùng. Đến ngày 11-9, tổng số người tử vong là 8 người.

Nhiều quán karaoke đang thiết kế theo kiểu “tự sát”

Do thiết kế của nhiều quán hát karaoke hình dạng ống, khó thoát khí độc nên khi xảy ra sự cố lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận

Gia đình anh Kỷ cho hay, theo kế hoạch, anh sẽ lên đường nhập ngũ vào sáng  9-9. Buổi tiệc đêm 7-9 tại phòng hát karaoke Queen Club là để anh và các bạn chia tay nhau, trước khi đi nghĩa vụ quân sự.

Về vụ 12 người chết và bị ngạt khí tại quán Karaoke Queen Club xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Trung tá Nguyễn Xuân Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hà cho biết: Vào thời điểm khoảng 21h ngày 7-9, do trời mưa to, gió lớn nên toàn bộ số nhân viên trong quán Queen Club không về được, phải ở lại quán. Trong số 12 nạn nhân thì có 7 nạn nhân là nhân viên của quán, 5 người là bạn của nhân viên đến chơi và ở lại. Vì vậy tại thời điểm xảy ra sự việc, ngoài nhân viên và bạn của nhân viên không có người khách nào còn trong quán. Cuối giờ chiều ngày 7-9, thời tiết ngoài khu vực Hải Hà, Móng Cái đã xảy ra mưa giông, nên đã ngắt điện nhiều khu vực, trong đó có quán karaoke Queen Club, nhân viên trong quán đã chạy máy phát điện.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thì toàn bộ các nạn nhân tử vong đều trên tư thế nằm, không có bất cứ sự xáo trộn gì tại các phòng hát. Đã có 5 người bị ngất tại phòng hát VIP 1, một người chết ngạt ngoài hành lang, 4 người nằm ở phòng VIP 2 và có 2 người nằm ở phòng VIP 3. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của 6 nạn nhân là do ngạt khí, khí xộc lên là từ 1 máy phát điện đặt ở trong quán, khi bật máy phát điện, hệ thống thông gió của quán karaoke này không hoạt động nên phòng bí khí và ngột ngạt do lượng khí CO2 từ máy phát điện thải quá nhiều.

Hiểm họa treo lơ lửng trên đầu

Theo thông tin từ lực lượng phòng cháy chữa cháy, những lỗi vi phạm qua đợt kiểm tra ở các quán hát vẫn chủ yếu là vi phạm an toàn về thoát nạn; lối thoát nạn của một số cơ sở chưa đảm bảo về  số lượng, chiều rộng lối thoát nạn hoặc có đủ lối thoát nạn nhưng chưa đảm bảo an toàn theo quy định trong tiêu chuẩn; việc trang bị các bình chữa cháy xách tay tại chỗ ở một số cơ sở chưa hợp lý và phù hợp; hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động kích hoạt chậm không đạt yêu cầu về thời gian và ngưỡng hoạt động và báo cháy sai địa chỉ...

Trao đổi với phóng viên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Về kiến trúc, cách bố trí trang thiết bị của các quán hát đều có quy chuẩn. Tuy nhiên, việc họ thực hiện có đúng không và việc giám sát của ngành chức năng đến đâu thì mới đáng phải bàn.

Nhiều quán karaoke đang thiết kế theo kiểu “tự sát”

TS Đào Ngọc Nghiêm

“Thiết kế nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đều có những cơ quan thẩm định và duyệt về mức độ an toàn PCCC. Những nơi này phải có hệ thống cảnh báo hỏa hoạn, tự động chữa cháy, tự động ngắt điện... Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Đại tá, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Những quán karaoke thường được thiết kế theo kiểu bịt kín với những vật liệu dễ bắt lửa như mút xốp, phông vải, ghế sofa… Những nguyên vật liệu này khi cháy thường sinh nhiệt độ rất cao và khí độc nên nhiều khi chưa tử vong vì cháy đã bị ngạt chết. Không những thế, chủ cơ sở thường xuyên thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa, trang trí nội thất nhằm thu hút khách hàng. Đây chính là nguyên nhân để hỏa hoạn bùng phát nếu không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, hút thuốc, bật lửa trong phòng karaoke. Khi xảy ra cháy sẽ khó có thể dập tắt và thoát hiểm do cả căn nhà gần như bị bịt kín hoàn toàn.

Theo lời PGS Hoàng Mạnh Hùng, ở thời điểm hiện tại, các quán karaoke trên toàn quốc đều có chung kiểu kiến trúc thiết kế nên tiềm ẩn khả năng cháy nổ rất cao. Do đó, cần thiết phải có những bộ phận tự động để báo cháy, tự động xả nước hoặc dập lửa. Khi xảy ra chập điện hoặc nhiệt độ cao bất thường có thể cảnh báo cho người sử dụng biết và ứng phó. Nhà quản lý cũng cần đưa ra những biện pháp cụ thể cho từng loại hình dịch vụ dễ gây cháy, đặc biệt là khu vực chợ búa, trung tâm thương mại hay những điểm vui chơi giải trí như quán bar, karaoke…

Nhiều quán karaoke đang thiết kế theo kiểu “tự sát”

PGS Hoàng Mạnh Hùng

Hiện tượng đáng báo động

Theo Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, trong công tác PCCC, điều đầu tiên phải kể đến là quản lý chất cháy và nguồn nhiệt. Chất cháy tại các quán karaoke đều vô cùng nguy hiểm, khi xảy ra cháy sẽ bị ngộ độc gây mất khả năng điều khiển và nguy cơ tử vong nhanh. Hơn nữa, do đám cháy âm ỉ nên tạo ra lượng khói rất lớn, tính độc càng cao. Nguồn nhiệt trong các quán karaoke cũng đủ loại từ thuốc lá, diêm, đến nhiệt phát sinh do tiêu thụ điện với công suất lớn. Khi có điều kiện sẽ nhanh chóng phát triển thành đám cháy lớn và lan tỏa nhanh.

“Tạm thời chưa bàn tới nguyên nhân, nhưng có thể thấy rõ hậu quả của vụ cháy đã khiến nhiều người chết là do ngạt khói, chen lấn, xô đẩy và dẫm đạp lên nhau khi quá hoảng loạn, thậm chí họ không thể tìm thấy lối thoát nạn hay thoát hiểm nào. Đến khi xảy ra hoả hoạn người ta mới đặt vấn đề về những thiếu sót của cơ sở này, thiếu sót quan trọng nhưng lại thường thấy là lối thoát nạn. Lối thoát nạn hay thoát hiểm tại các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ hay hộp đêm là một trong những yêu cầu thiết kế quan trọng nhất bởi những nơi này luôn luôn tập trung đông người đặc biệt là vào buổi tối, mọi điều kiện để quan sát lối thoát nạn không dễ như ban ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này luôn bị xem nhẹ”, Đại tá Xiêm nói

Còn ông Nguyễn Văn Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam phân tích, để xảy ra những vụ cháy, nổ là do các chủ cơ sở không tuân thủ quy định về PCCC.

Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ việc sử dụng điện bừa bãi dẫn đến hiện tượng quá tải. Từ một căn nhà 5 tầng với công năng sử dụng làm nhà ở hoặc văn phòng nhưng “biến” thành một quán karaoke thì hệ thống điện trên đã không còn phù hợp nữa. Đó là chưa kể các thiết bị điện đi kèm không đảm bảo, không thể chịu đựng được trước sức ép của hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ quán. Theo phân tích của ông Châu, những quán karaoke được thiết kế cách âm bằng vật liệu xốp, nhựa, đồng thời gắn thêm nhiều loại đèn, dàn âm thanh, tivi, điều hoà. Khi cháy thường phát sinh khói độc nên nhiều khi nạn nhân bị tử vong do ngạt trước khi bị bỏng.

Cũng theo ông Châu, việc quán hát cháy, ngạt khí dẫn đến chết người là hiện tượng đã được cảnh báo. Hầu hết các quán Karaoke đều thiết kế theo kiểu bịt hết cửa sổ, ban công để làm phòng kín, cách âm. Hậu quả là không có lối thoát hiểm. Vấn đề đặt ra là: Kiểu “thiết kế tự sát” tại các quán karaoke vẫn được các cơ quan quản lý cho hoạt động dù nguy cơ cháy nổ và rủi ro quá cao!

Thảo Phượng

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc