Nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ tràn vào khu dân cư cắn người

19:00 | 25/11/2014

4,205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều là do những cánh rừng nơi chúng trú ngụ bị tàn phá khiến rắn phải dịch chuyển về phía các khu dân cư.

Rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà dân.

 

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều do môi trường sống bị thu hẹp

Liên quan đến hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung trong thời gian qua, ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) cho rằng, hiện tượng bùng phát rắn lục đuôi đỏ ở nhiều địa phương có thể do năm nay thời tiết ấm nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho rắn sinh sôi nảy nở. Đến lúc thời tiết lạnh, chúng sẽ rúc vào nơi sâu.

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cũng, cho biết không riêng gì Đà Nẵng mà rắn lục đuôi đỏ đã xuất hiện ở nhiều nơi. Bởi theo ông, loài này chỉ sống ở nơi ẩm thấp, bụi rậm và cắn người khi bị đe dọa theo kiểu tự vệ chứ hoàn toàn không chủ động tấn công. Việc rắn xuất hiện bất thường, bò tràn lan trong khu dân cư có thể là do môi trường sống ô nhiễm, bị phá vỡ hay có sự thay đổi địa chất bên trong lòng đất.

Ngoài ra, thời tiết đang ấm dần lên như năm nay cũng là điều kiện thuận lợi để chúng sinh sôi nhanh chóng.

Rừng bị tàn phá, rắn lục đuôi đỏ xuống đồng bằng cắn người

Một người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.

Cùng chung quan điểm, ThS Võ Đình Ba, giảng viên khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Huế cho hay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ấm lên so với mọi năm nên tạo điều kiện cho loài rắn lục đuôi đỏ sinh trưởng nhanh chóng. Ngoài ra, thời tiết năm nay không có lũ cũng khiến loài rắn sinh trưởng nhanh hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng), rắn lục đuôi đỏ tuy là loài rắn độc nhưng độc tố của nó chỉ gây hoại tử nếu không được chữa trị, rất khó gây tử vong. Bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng khi loài này xuất hiện càng nhiều, quan trrọng là phải chủ động phòng tránh, đặc biệt là biết cách xử lý khoa học khi bị rắn cắn, tránh những hậu quả không đáng có.

Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phân tích: Khi bị rắn cắn, độc tố sẽ theo hệ bạch huyết vào cơ thể nên việc nặn, hút máu ở vết rắn cắn là không mang lại hiệu quả. Không nên dùng vật sắc nhọn để rạch vết thương vì dễ gây nhiễm trùng, nếu gặp chứng rối loạn đông máu phổ biến ở nọc độc rắn thì rất dễ gây mất máu cấp. Tuyệt đối không ga-rô vết thương vì làm như vậy sẽ ngăn cản tuần hoàn, lưu thông máu.

Cách tốt nhất là sau khi bị rắn cắn, mọi người phải tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn; dùng dây, vải buộc gần nơi bị cắn, tránh để độc tố lan rộng, khẩn trương đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.

Người dân tìm đủ mọi cách đề phòng rắn cắn

Sau khi xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ xuống các khu dân cư ở miền Trung để cắn người, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm thành phố tiến hành kiểm tra sự việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại các khu dân cư.

Việc kiểm tra thực tế theo phản ánh của người dân nhằm nắm rõ vị trí loài rắn này xuất hiện cũng như hiểu thêm về nguyên nhân, đặc điểm, đặc tính của sự bất thường để có biện pháp xử lý hiệu quả.

“Hiện có nhiều thông tin đồn thổi xung quanh sự việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Đề nghị mọi người bình tĩnh, phản ánh thông tin chính xác, trung thực tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng”, ông Thơ nhấn mạnh.

ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, khuyến cáo người dân cần phát quang bụi rậm, giữ gìn vệ sinh khu vực mình sinh sống và mang các loại bảo hộ lao động cần thiết khi làm việc trong môi trường có nhiều cây, bụi…

 

Rừng bị tàn phá, rắn lục đuôi đỏ xuống đồng bằng cắn người

Một con rắn lục đuôi đỏ được người dân phát hiện và đánh chết.

Hoang mang trước việc rắn lục xuất hiện ngày càng nhiều, người dân Đà Nẵng đã đổ xô đi mua sả, nến và củ tỏi về để đề phòng rắn vào nhà theo kinh nghiệm dân gian. Chị Nguyễn Thị Duyên (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, sau khi rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người tại Đà Nẵng, chị đã đi mua sả về trồng xung quanh nhà để không bị rắn vào.

Tương tự, nhiều người khác cũng thi nhau mua củ nén và tỏi về  giã ra, rắc xung quanh nhà để khiến rắn sợ hãi, không dám đến gần. Theo lý giải của người dân, sở dĩ rắn lục sợ củ nén vì nó chứa nhiều tinh dầu, tiết ra loại mùi cay hơn cả so với hành và tỏi. Cho nên khi ngửi thấy mùi củ nén, rắn sẽ tìm cách lẩn tránh ra xa.

Do nhu cầu của người dân tăng cao nên ở các tỉnh miền Trung, các mặt hàng xua đuổi rắn như củ nén, tỏi và cây sả đang rơi vào tình trạng khan hiếm, bất chấp giá cao gấp 2-3 lần so với trước.

Một hộ tiểu thương bán hột nén ở chợ Cồn cho biết, từ cách đây 2 tháng, cả chợ không còn một hột nén vì đầu vườn bị thu mua với số lượng rất lớn, các chủ buôn để lại cho tiểu thương với giá quá cao. Nếu nhập hàng về thì phải bán lại với giá lên tới 40.000 đồng/lạng mới có lãi, nhưng người đi chợ này đều là dân quê nghèo lấy đâu ra tiền mà mua.

Mới đây, giá bán buôn hột nén có giảm, tiểu thương nhập về nhưng phải bán trên 30.000 đồng/lạng (0,1kg) mới có lãi. Tương tự, khi chúng tôi khảo sát sát một số chợ An Hải Bắc, An Hải Tây (quận Sơn Trà), Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê), Hòa Mỹ, Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), thì được biết giá hột nén được bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/lạng.

Đặc biệt, trong hai ngày qua, nhiều chợ không còn một hột nén, trong khi số người hỏi mua nhiều nên mặt hàng này được đẩy giá lên 50.000-60.000 đồng/lạng.

Hàn Giang