Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam

15:46 | 18/08/2012

1,010 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với lượng điện tiêu thụ ngày càng tăng, trong khi nguồn điện mới bổ sung không đáng kể dẫn đến nguy cơ thiếu điện ở miền Nam trong những năm tiếp theo rất lớn. Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Năng lượng tại Hội thảo quy hoạch phát triển điện quốc gia tổ chức tại TP HCM.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, từ nay đến năm 2013, không có nguồn điện mới nào đáng kể bổ sung cho miền Nam. Đến năm 2014, khả năng chỉ có thêm 600MW của nhiệt điện Vĩnh Tân II; năm 2015 có thể thêm nhiệt điện Vĩnh Tân  II, nhiệt điện Duyên Hải I, nhiệt điện Long Phú I với tổng công suất khoảng 3000 MW.

Tổng công suất đặt của miền Nam khoảng 15.000MW, như vậy tỉ lệ dự phòng công suất miền Nam rất thấp: thiếu hụt hơn 1000MW năm 2014, hầu như không có công suất dự phòng năm 2015 và chỉ có khoảng 2000MW dự phòng vào năm 2016 (Nếu có khí cho nhiệt điện khí Ô Môn).

Hiện nay, các đường dây truyền tải và phân phối tuy được khẩn trương đầu tư nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nguy cơ thiếu điện ở miền Nam rất cao trong các năm 2014 – 2016.

 

Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam vì thiếu nguồn điện mới bổ sung.

 

Để tránh nguy cơ thiếu điện ở miền Nam, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng theo chương trình mục tiêu quốc gia 2011 - 2015; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện và đường dây truyền tải; đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, xúc tiến các dự án điện từ năng lượng tái tạo,…

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2011, toàn quốc đã đưa hơn 2.900MW từ các nhà máy điện vào vận hành, trong đó niềm Nam đóng góp 650MW từ nhiệt điện khí Nhơn Trạch và nhiệt điện than Formosa.

Hiện nay, chúng ta phải nhập khẩu điện để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Năm 2011, số lượng điện nhập khẩu chiếm khoảng 4,7% lượng điện tiêu thụ của cả nước, trong đó lượng nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc với số lượng khoảng 5 tỉ kWh/năm, chiếm từ 3 – 4%.

Theo chủ trương của Nhà nước về nhập khẩu điện thì thứ tự ưu tiên là nhập của Lào, Campuchia, sau đó mới đến Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với nhập khẩu điện từ Lào, Campuchia, chúng ta phải sang đó đầu tư xây dựng nhà máy vì họ không có dư điện để bán cho ta nhưng việc thực hiện còn gặp một số vướng mắc nên nhiều dự án chưa thể triển khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã cho phép EVN hiệu chỉnh dự báo nhu cầu xuống 13% (theo quy hoạch điện VII là 14%). Điều này làm giảm áp lực đầu tư các dự án điện, tránh sơ sẩy khi triển khai gấp các dự án.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc