Nghề khắc tượng cạnh núi Trầm

09:00 | 01/01/2013

2,722 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nằm cạnh núi đá Trầm, thôn Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nổi tiếng với nghề điêu khắc tượng.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 20 km, thôn Trầm được biết đến không chỉ là một địa danh với thắng cảnh độc đáo và có lịch sử lâu đời mà còn được chú ý bởi nghề điêu khắc tượng được truyền lại nhiều đời nay.

Nghề điêu khắc tượng được có từ rất lâu đời, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác tại thôn Trầm. Trước đây, thôn Trầm nằm trong khu vực có nhiều đá vôi, với nguồn tài nguyên đá có sẵn, nghề tạc tượng đã xuất phát từ chính yếu tố địa lý của vùng.

Nghề hình thành và được truyền lại cho các thế hệ sau. Ngày nay tại vùng có khoảng hơn 30 hộ gia đình làm nghề khắc tượng và gần 10 xưởng điêu khắc lớn.

Điêu khắc tượng tại làng Trầm

Cụ Nguyễn Văn Nghị, một người nhiều tuổi trong làng đã từng làm nghề, cho biết: “Tôi cũng không rõ nghề tạc tượng của làng tôi chính xác có từ bao giờ. Nhưng từ thời của ông bà chúng tôi đã có, truyền lại cho thế hệ chúng tôi và tôi lại dạy cho con cháu tôi”.

Ngày trước, người dân nơi đây sử dụng ngay nguồn đá tại khu vực làm nguyên liệu để khắc tượng. Thế nhưng, từ khi chùa Trầm và núi Trầm trở thành di tích lịch sử văn hóa, người dân không được phép lấy đá tại địa phương nữa; bởi việc khai thác  sẽ vi phạm vào di tích lịch sử và do nguồn khai thác đã trở lên hạn chế. Nếu không biết khai thác sẽ gây ra nhiều tai nạn, hệ lụy.

Giờ đây nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Các xưởng nghề phải thuê ô tô xuống tận nơi đặt hàng, chọn đá mang về xưởng sản xuất.

Thợ điêu khắc sử dụng máy chế tác

Nghề khắc tượng là một nghề đòi hỏi nhiều yếu tố thì mới có thể hành nghề, bởi đây là một nghề lao động nặng, yêu cầu về yếu tố sức khỏe rất cao. Một phần khác âm thanh lớn, và bụi bẩn là đặc thù của nghề.

Bên cạnh đó, để làm được ra những bức tượng đẹp đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, sự kiên trì và sáng tạo. Cái quan trọng của người tạc tượng đó là sự tinh tế trong từng nét khắc, tạc. Làm sao để những bức tượng toát được cái hồn và thần thái.

Bác Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Mỗi bức tượng làm phải tốn rất nhiều thời gian. Thời gian làm tượng nhỏ mất năm đến bảy ngày, tượng lớn phải đến hàng tháng hoặc vài tháng. Công sức cũng như thời gian bỏ ra phụ thuộc vào thể loại và sự đòi hỏi của mỗi sản phẩm. Ngày nay làm nghề còn có máy móc nên tiến độ còn nhanh. Trước đây chủ yếu sử dụng tay và đục nên hiệu quả không được nhiều”.

Công việc tạc tượng đòi hỏi nhiều kỹ năng

Chú Nguyễn Văn Trường, chủ xưởng nghề điêu khắc tượng Trường Nguyệt, cho biết thu nhập của nghề trung bình là 200 nghìn đến 500 nghìn một ngày, phụ thuộc vào tay nghề và sản phẩm người thợ làm ra.

Có thể nói so với mức thu nhập chung ở địa phương đây là một mức thu nhập khá và là giải pháp cho nguồn lao động thất nghiệp tại vùng nông thôn nơi đây. Chính vì vậy mà việc hình thành các xưởng sản xuất của vùng rất được lãnh đạo địa phương ủng hộ.

Các khách hàng tìm đến chủ yếu là trong nội thành Hà Nội và các tình lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình. Rất nhiều vị khách nước ngoài tìm đến nơi đây và đặt hàng. Tuy nhiên việc bán hàng chủ yếu do người mua tự tìm hiểu hoặc nghe bạn bè giới thiệu chứ không qua một hình thức quảng bá sản phẩm nào.

Việc hỗ trợ và phát triển nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ xa, chi phí vận chuyển tốn kém và các khu chế xuất, điêu khắc chưa được tập trung.

Một xưởng nghề tại thôn Trầm

Chú Nguyên Văn Trường chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn có một tổ chức đứng lên lãnh đạo và tập hợp các hộ gia đình thành một hiệp hội để hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong công việc. Giá như địa phương có khu vực chế tác riêng cho các hộ gia đình hoạt động sản xuất. Một phần không làm ảnh hưởng tới môi trường địa phương”.

Những thợ điêu khắc chủ yếu là người dân địa phương và một phần nhỏ là người nơi khác đến đây học nghề. Tuy nhiên, những yêu cầu trong nghề khắc tượng ngày càng lớn, nhưng những người thợ nơi đây hầu như chưa qua trường lớp đào tạo. Vì vậy việc gìn giữ và truyền nghề càng dần càng gặp nhiều khó khăn.

Có thể nói, điêu khắc tượng đã trở thành một nghề đặc thù, một nét văn hóa riêng lâu đời tại vùng núi Trầm. Một vùng đất được coi là địa linh nhân kiệt, thôn Trầm đã thực sự thu hút không chỉ vẻ đẹp tự nhiên từ thiên nhiên ban tặng mà còn bởi âm vang của làng nghề điêu khắc tượng đem lại.

Hoàng Hương