Năng lượng và sự sống

08:58 | 26/03/2012

1,488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế giới hữu hình của vật chất được vận hành nhờ sự tổ chức vô hình của năng lượng.

Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường

Bản chất sự sống là gì? Thế giới hữu sinh được cấu trúc từ các loại vật chất và năng lượng giống hay khác loại vật chất – năng lượng tạo nên thế giới vô sinh? Năng lượng tinh thần là gì? Nhà ngoại cảm có thể “nói chuyện với người chết” hoặc dùng ý nghĩ “bẻ cong thìa” hay không? Loại bài viết “Năng lượng và sự sống” của Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, một chuyên gia về ứng dụng vật lý trong các khoa học sự sống, sẽ cung cấp nhiều thông tin đa chiều về những câu hỏi ngàn đời nói trên. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Nguồn gốc và bản chất của sinh lực luận

Nhà khoa học Lê Quý Đôn cho rằng, bản thể của vũ trụ là khí hoặc vật chất

Sinh lực luận hoặc thuyết sức sống (vitalism) có lịch sử lâu đời và sức sống bền bỉ trong triết học và sinh học. Nó cho rằng chức năng trong các cơ thể sống không tuân theo các quy luật vật lý và hóa học, mà tuân theo một “sức sống” khác biệt với các tương tác trong thế giới không sống. Ở hình thức nhẹ hơn, nó quan niệm các quá trình sống không chỉ giải thích bằng các nguyên lý vật lý và hóa học, mà còn bằng một “nguyên lý sống” tự thân nào đó. Nguyên lý sống đó được diễn tả dưới nhiều hình thức khác nhau, như “hào quang sống”, “năng lượng sống” hoặc “linh hồn”.

Sinh lực luận bắt rễ lâu đời trong triết học sự sống, sinh học và y học. Các nhà trị liệu truyền thống thường quan niệm bệnh tật là do sự mất cần bằng của năng lượng sống; và điều trị chính là khôi phục sự cân bằng lành mạnh. Tại phương Tây, truyền thống bắt nguồn từ Hippocrate, ông tổ của y học hiện đại, khi ông gắn lực sống với bốn dạng khí chất và bốn loại dịch trong cơ thể. Còn tại phương Đông, nguyên lý sống được gắn với các khái niệm khí (Trung Quốc) hoặc prana (Ấn Độ). Quan niệm sinh lực luận thường đối kháng với các quan niệm phân tích, một trong hai xu hướng cơ bản của nhận thức luận hiện đại (phân tích và tổng hợp).

Sinh lực luận phương Đông

Điển hình cho sinh lực luận phương Đông là quan niệm khí của triết học Trung Hoa. Tại Việt Nam, chính Lê Quý Đôn là người có học thuyết Lý Khí rất độc đáo trong bộ “Vân đài loại ngữ”.

Lê Quý Đôn quan niệm mọi vật và mọi sự biến trong vũ trụ bắt đầu từ Thái cực, một loại nguyên khí hỗn mang, vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt: “Thái cực là một, nó là một khí hỗn nguyên”, “Trời chỉ là khí tích lại, không có phương sở, không có hình tượng. Nhật nguyệt tinh tú chỉ là một thứ khí tích lại mà có ánh sáng đấy thôi”. Vậy lý là gì? “Lý không có hình tích, nhờ có khí nó mới hiện ra. Lý ở ngay trong khí”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, theo Lê Quý Đôn, khí chính là vật chất, còn lý là quy luật hoặc tính chất của vật chất, một quan niệm mang tính duy vật. Như vậy Lê Quý Đôn quan niệm đúng đắn rằng, bản thể của vũ trụ là khí hoặc vật chất. Vậy khi áp dụng cho thế giới sống, ông quan niệm cái “sinh khí” đặc trưng cho sự sống như thế nào?

Cũng như các học giả cổ đại Hy Lạp hoặc Trung Hoa, Lê Quý Đôn cũng có tư tưởng vật chất hữu sinh, tức vật chất có tính hữu cơ và có sức sống: “Khí trời thì bay xuống, khí đất thì bay lên. Khí trời và khí đất đều là sinh ý cả”.

Từ quan niệm vật chất có “sinh ý”, rất dễ dẫn tới chỗ vật chất có tính cách và có tri thức: “Tính tình của trời đất, đạo đức và sự nghiệp của thánh hiền đều không ngoài hai chữ ấy”; cũng như vật chất là thần diệu: “Khí hòa thì hợp, khí trái thì lìa, xem cuộc trị hay loạn thì biết”.

Ý thức con người do khí quyết định, vì khí thần diệu nên cái tâm của con người cũng thần diệu: “Đất cứng thì người cương nghị, đất mềm thì người nhu nhược. Khí ở gò thì hay sinh người cuồng, khí ở cồn thì hay sinh người tham, trung thổ thì hay sinh thánh hiền!”.

Cuối cùng, quan niệm vật chất hữu sinh và thần diệu đã dẫn Lê Quý Đôn, cũng như mọi nhà Nho khác, tới chỗ luôn bênh vực, biện hộ cho thuyết luân hồi, tiền định, cho các phương thuật như bốc phệ (bói toán), tính mệnh (đoán số dựa trên ngày giờ sinh), phong thủy… Nói cách khác, tuy ban đầu có tư tưởng duy vật, nhưng do tính sơ khai, trực quan, cảm tính (bởi khả năng nhận thức đương thời), mà các học giả phương Đông cổ đại đi tới các quan niệm sai lầm về bản chất vũ trụ và sự sống.

Sinh lực luận phương Tây

Lê Quý Đôn quan niệm mọi vật và mọi sự biến trong vũ trụ bắt đầu từ Thái cực, một loại nguyên khí hỗn mang, vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt

Mặc dù khởi nguồn từ Hippocrate, Galen mới là người đưa ra quan điểm thuần túy học thuật về sinh lực luận. Trong vai trò phẫu thuật viên cho các võ sĩ giác đấu tại Pergamum, thế kỷ thứ II, khi nghiên cứu giải phẫu người, Galen không tin cơ thể sống có thể giải thích bằng tương tác của các nguyên tử. Ông cho rằng, phải có một “sức sống” đặc biệt vận hành cơ thể sống. Thấy các võ sĩ chết khi không đủ không khí để thở, ông tin cái “sức sống” kỳ diệu đó được hấp thụ từ không khí qua phổi.

Nói chung các nhà khoa học tiền hiện đại đều xem “sức sống” là cái phân biệt thế giới hữu sinh và thế giới vô sinh, phân biệt vật sống và vật chết. Vật sống biến thành vật chết khi cái “sinh lực” đó mất đi; vật chết không thể biến lại thành vật sống vì thiếu cái ‘sinh khí” đó. Đó là lý do nhiều người đồng nhất hai khái niệm sinh khí và linh hồn.

Bước ngoặt trong sinh học xuất hiện năm 1828, khi Wohler tổng hợp được urea nhân tạo. Khi đó giới khoa học thấy rằng, con người có thể tạo ra “sinh lực” nhờ các phản ứng hóa học thông thường. Ngày nay vẫn còn một số học giả gắn sinh lực luận với các tính chất “hợp trội” (emergent) của các hệ thống phức tạp (qui luật lượng chất của triết học biện chứng, khi các tính chất hoàn toàn mới xuất hiện khi có sự biến đổi vượt ngưỡng về lượng), nói chung sinh lực luận đã mất chỗ đứng trong triết học và sinh học hiện đại. Sự sống và ý thức không phải do các “lực sống” hay “sinh khí” đặc biệt sinh ra, mà chính là hình thức vận động mới của vật chất có độ phức tạp cấu trúc và chức năng cao (tế bào và bộ não).

Tuy nhiên, sinh lực luận vẫn có sức sống dai dẳng trong lập ngôn và hành động của một số nhà trị liệu y học cổ truyền, y học thay thế và bổ sung, và của những ai đặt niềm tin vào các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh. Theo họ, “nói chuyện với người chết” hoặc “nhập vong” chính là tiếp xúc với cái “sinh khí” huyền diệu đó.

Đâu là sự thật trong tuyên bố châm cứu để khôi phục sự cân bằng của các khí âm dương? Giới đồng cốt có thể gọi vong hay không? Có thể dùng sức mạnh của “lực sống” để bẻ cong thìa bằng ý nghĩ, như Uri Geller vẫn biểu diễn trên truyền hình hay không? Các bài viết tiếp theo sẽ cố gắng đưa ra lời giải đáp.

Đ.K.C