Game online:

"Ma túy" thời công nghệ số

10:14 | 15/04/2014

1,056 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giờ học bắt đầu, thầy cô vào lớp, mọi người mở tập ra học cũng là lúc các laptop, điện thoại bỏ sẵn lên bàn. Nếu có bài tiểu luận hoặc thuyết trình thì chắc hẳn là Word và Powerpoint, không thì lướt web, xem facebook. Và phần còn lại là chơi game, để mặc thầy cô giảng bài. Tuy không thể đánh đồng tất cả sinh viên như vậy, nhưng thực chất đã có một số bộ phận sinh viên đang sa lầy vào con đường mang tên “game online”.

Suốt ngày dài lại đến đêm thâu

23h đêm, chúng tôi tìm đến khu vực Làng Đại học Thủ Đức, TP HCM để quan sát cuộc sống về đêm của sinh viên. Lúc này quán xá trên các trục đường chính quanh khu vực trường học đều đã đóng cửa. Tuy nhiên, bên trong các quán net vẫn còn sáng đèn. Trong vai sinh viên, chúng tôi đến gõ cửa quán Internet H.S., gần ngã ba hướng về trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM. Bên trong có tiếng vọng ra: “Quán đóng cửa rồi, có chuyện gì đó?”. 

Khi chúng tôi trả lời là sinh viên, cần dùng máy gấp để lên mạng tìm tài liệu cho môn học có người mở khóa hé cửa nhìn ra. Đó là một người đàn ông trung niên khoảng trên dưới 50. Ông ta cẩn thận nghiêng ngó xung quanh rồi mới đồng ý cho chúng tôi vào.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy quán đang có khoảng 12, 13 khách, đa phần là các sinh viên đang mải mê với game online. Ngoài tiếng gõ máy, nhấp chuột lách cách, không khí bên trong quán gần như im lặng. Tất cả người chơi đều say sưa dán mắt vào màn hình. Phía góc phòng, một game thủ có khuôn mặt xanh xao đang gà gật trên ghế, thì trên màn hình trước mặt đột nhiên xuất hiện đèn đỏ chớp nháy liên hồi. Người ngồi bên liền thúc cùi chỏ vào game thủ ngái ngủ, nói: “Ê, dậy đi, đấu tiếp với tao một trận coi, cày một mình chán quá!”. Để “máu” hơn, hai game thủ này còn đặt cược tiền tỉ thí võ công rồi mới nghênh đấu.

24h đêm, quán net vẫn có khách

Ngồi đối lưng với hai cậu trên là H.H - nhân viên một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và N.T, đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Mặc dù cả hai đều có máy tính nối mạng tại phòng trọ nhưng chơi game ở nhà cũng chán, nên họ cùng rủ ra tiệm chơi chung cho “có hội có phường”. H.H click vào phần thống kê thành tích tỉ thí khoe với N.T: “Tao đấu hơn 500 trận, thắng hết 2/3 rồi nè, tài chưa!”. N.T cũng không chịu kém cạnh: “Tao thắng ít hơn mày chắc!”.

Nghe tiếng ồn ào, chủ quán bèn lên tiếng nhắc nhở: “Tụi bây chơi sao cứ chơi nhưng không được làm ồn. Lỡ mấy ông thanh tra nghe được vô lập biên bản, quán bị đóng cửa rồi mai mốt tụi bây không có chỗ mà chơi đâu”. Các vị khách dường như đã quen với lời nhắc nhở cộc lốc, chẳng ai nói thêm câu nào, tiếp tục trò chơi đang dang dở.

2h sáng, hơn chục game thủ trong quán vẫn tỏ ra chưa mệt mỏi. Những ánh mắt vẫn dán chặt vào màn hình, và đôi tay vẫn miệt mài gõ, bấm. Ông chủ quán đã đi ngủ, máy chủ được giao lại cho một thanh niên cao, gầy, với cặp mắt thâm quầng. Tôi lại hỏi mua 1 chai nước suối, anh ta gắt: “Chờ chút, đang “găng”!” (gank – thuật ngữ game), cặp mắt vẫn dán vào màn hình.

Tôi bỏ về chỗ ngồi, ít phút sau, cậu ta đem chai nước lại: “Sáu ngàn!”. Tôi quay sang nói: “Mình xong việc rồi, bạn tính tiền luôn rồi mở cửa giùm.” Cậu này lắc đầu: “Giờ này không về được, đợi đến 5h mới mở cửa”. Thấy nét mặt bối rối của tôi, cậu ta tiếp: “Quy định ở đây là vậy, nếu quán bị phát hiện còn khách sẽ bị phạt”. Cậu này cho biết, quán có phục vụ mỳ gói với giá 8.000 đồng/tô, ai đói có thể kêu, còn buồn ngủ cứ ngồi tại chỗ mà ngủ. Quả thật, đêm đó ngoài tôi ra, chẳng ai có ý định rời quán. Thỉnh thoảng có người gọi mỳ, người coi quán nhăn nhó làu bàu vài câu rồi mới rời máy đi đun nước. Đèn cũng đã được tắt bớt, chỉ còn hai bóng đèn led nơi 2 góc phòng sáng le lói, còn lại chủ yếu là ánh sáng xanh phát ra từ màn hình vi tính phản chiếu lên những gương mặt hốc hác, lờ đờ.

Ngủ gục ngay trên bàn phím

Từ khi bộ có quy định các điểm kinh doanh Internet không được hoạt động sau 23h, những quán net này quay ra đối phó bằng cách đóng cửa vào giờ “giới nghiêm” nhưng vẫn cho khách chơi thoải mái bên trong đến tận giờ mở cửa sáng. Bên trong quán, khách vô tư chơi, đói thì có mì gói, nước giải khát, muốn ngủ thì ngồi gục tại ghế, nhưng tuyệt đối không được mở cửa ra về trước 5h sáng, để tránh thanh tra bắt quả tang. Tất nhiên, hình thức này chỉ áp dụng với những ai đã nhẵn mặt tại quán, còn đối với những khách lạ như chúng tôi, chủ quán hết sức dè chừng.

5h sáng, sau giấc ngủ lơ mơ trên ghế, tôi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng kéo cửa. Vài cậu sinh viên đầu bù tóc rối, quần áo nhăn nheo lếch thếch ra về. Số còn lại, người ngủ gục trên bàn, người kê nhiều tấm ghế lại sát nhau rồi ngả lưng trên đó, thậm chí có người vẫn mải miết dán chặt mắt vào màn hình game, mặc dù cặp mắt đã hõm sâu, thâm quầng vì nhiều đêm thiếu ngủ.  

Game thủ kê ghế làm chỗ ngủ

Chúng tôi rời quán net H.S., tiếp tục đảo quanh qua những quán net khác. Mới sáng sớm, nhưng hầu hết các quán net gần Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Nhân Văn, Thể dục Thể thao…đã chật ních game thủ. Anh Trịnh Thanh Tùng, chủ một quán net, cho biết chỉ có mùa hè hoặc Lễ Tết, khi sinh viên về quê hết, quán mới vắng vẻ, còn ngày thường cũng như cuối tuần, khách chơi game lúc nào cũng tấp nập từ sáng sớm đến khuya.

Nghiện game như nghiện ma túy

Theo kinh nghiệm của các game thủ, game online liên kết người chơi rất chặt chẽ nên có tính cạnh tranh cao. Điều này đánh đúng vào tâm lý giới trẻ muốn thể hiện bản thân. Mà muốn sở hữu được một nhân vật game “khủng” khiến các đối thủ khác phải nghiêng mình kính nể, người chơi đôi khi phải chi một khoản tiền lớn để có thể nâng cấp nhân vật. Bạn Vũ Đức Anh Huy – sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Muốn trở thành game thủ thực sự phải đầu tư tiền mua thẻ, có tiền trong tài khoản để mua các dụng cụ, vũ khí trong game. Ít thì vài trăm ngàn, nhiều thì lên đến vài triệu, hoặc thậm chí trên chục triệu nếu muốn sở hữu một nhân vật “khủng” với trang bị hiện đại”.

“Mình có nhiều người bạn chơi game đến 12-13 tiếng một ngày, bạn chơi game còn phải bỏ tiền chục triệu ra đầu tư cho nhân vật trong game nữa, đã vậy đầu tư rồi lại còn bỏ phí đó nữa, điều đó thật không nên“ - Nguyễn Minh Trung, học lớp KDQT1 K35 Đại học Kinh tế chia sẻ quan điểm.

Để giải thích cho căn bệnh “nghiện game” ở sinh viên, phải chăng là do sự thay đổi môi trường sống đột ngột mà phần lớn sinh viên luôn phải đối mặt. Thứ nhất, cách học của thời phổ thông khác xa cách học ở đại học. Với sự chăm sóc của cha mẹ, một học sinh chăm ngoan, học giỏi hoàn toàn có thể bị cuộc sống xa gia đình chốn Sài thành tác động mạnh mẽ, khiến các bạn trẻ không làm chủ được mình và sa vào những việc làm vô bổ, trong đó có game. Thứ hai, một số bạn trẻ có thói quen làm việc riêng trong giờ học, không tập trung trên lớp, và tất nhiên, ở giảng đường không còn có chuyện “nhắc nhở” trong giờ học như khi còn học phổ thông, sẵn laptop, sẵn wifi, các bạn bắt đầu làm quen với game và say mê từ đó. Ngoài ra không ít sinh viên thú nhận, ban đầu chơi game chỉ vì tò mò do thấy có nhiều bạn chơi, rồi bị “nghiện” từ khi nào không rõ.

Đa phần trường hợp khi nghiện game dễ mắc chứng suy nhược, sợ hãi, hoảng hốt và hay bị kích động. Vì sống trong thế giới ảo quá nhiều nên nhiều em lệch lạc về tâm lý, lối sống, nhân cách. Thông tư 60 được ban hành nhằm siết chặt các hoạt động về game, vậy nhưng sau 4 năm thực hiện các chủ tiệm Internet không những không tuân thủ các quy định mà ngược lại tìm cách lách luật, tạo điều kiện cho người chơi được thoải mái, luôn tung ra những chiêu thức hấp dẫn để thu hút người chơi khiến nạn nghiện game ngày một nhiều, gây hậu quả khôn lường cho xã hội.

Nuôi game bằng mọi giá

Sinh viên hết tiền chơi game phải cầm cố điện thoại, xe… hay “chôm” đồ của bạn bè đem đi “cắm” không còn là chuyện lạ. Nhưng trường hợp của Kiên (ĐH Xây dựng) lại rất bi hài. Tài sản đã dốc hết cho game online, nhưng Kiên vẫn liều mình rủ người bạn nữa vào chơi. Hai người chơi luôn một ngày đến khi tranh thủ lúc Kiên không để ý, cậu bạn kia khôn khéo chuồn về trước. Khi chủ quán đòi thanh toán tiền, Kiên lúc ấy không còn bất cứ một cái gì trên người có giá trị để gán nợ. Cậu đành “cắm người” ở lại quán luôn một ngày. Hôm sau, Kiên phải nhờ bạn bè vay mượn đến thanh toán tiền cho chủ để... chuộc cậu về. Hai năm học lại là hai lần Kiên đều tìm cách giấu bức thư thông báo của trường ĐH, đến năm thứ ba Kiên nị ngừng học hoàn toàn. Hiện nay, Kiên đang là thợ phụ tại Bình Dương, giấc mơ kĩ sư công trình khép lại.

Trúng tuyển vào đại học Nông Lâm với số điểm cao, hẳn tương lai của Q.B. (SN 1994) sẽ sáng rạng. Nhưng ngay từ những năm đầu khi được tiếp xúc với game online thì cuộc đời cậu chỉ là những dấu lặng buồn. Mê mẩn game "đế chế", B. thường xuyên ném hết tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ vào 24/24h ngoài quán game. Cao điểm nhất là lần hết tiền không xoay xở được, B. đã bắt xe bus xuống Bệnh viện C.R. bán máu để lấy tiền. Cầm trong tay 300.000 đồng, chiều B. lại tiếp tục vùi đầu vào game. Từ đó, mỗi lần bí tiền, V. đều đến các bệnh viện để bán máu rồi đổ hết vào quán game. “Thỉnh thoảng mới thấy hắn lên lớp, nhưng cũng chỉ được vài tiết là mất tăm. Hầu như lúc nào hắn cũng ngồi ở tiệm net, người ngợm ngày một khô đét như que củi. Do hắn ít đi học, ít tiếp xúc nên bạn bè chẳng ai biết nên khuyên bảo hắn thế nào…” – V., bạn cùng lớp với B. cho biết.

Không phải xa gia đình như các bạn sinh viên đồng trang lứa, gia đình lại có điều kiện nên cuộc sống sinh viên của Đức vô cùng thoải mái. Mải mê công việc kinh doanh, ba mẹ Đức để mặc cậu quý tử ngồi đồng trong phòng. Tưởng con chăm chỉ học hành, chỉ đến khi số tiền 12 triệu đồng trong tủ không cánh mà bay chị mới phát hiện game online đã mê hoặc Đức đến quên ăn, quên ngủ. Số tiền ít ỏi mẹ cho để tiêu vặt, ăn sáng không đủ cho những trận chơi thâu đêm suốt sáng, Đức phải trộm của bố mẹ cùng bạn bè mua thẻ chiến đấu với những trò chơi trực tuyến.

Để lại hậu quả nặng nề hơn là trường hợp Ngô Hoàng Long và Trần Anh Vũ (cùng 19 tuổi, ngụ P14, Q10). Vì ghiền game mà tấm bằng cử nhân bỗng chốc trở nên xa vời đối với hai cậu sinh viên năm 2 trường Đại học Công Nghiệp 4.  Bị bắt giữ vì hành vi cướp ĐTDĐ, tại cơ quan điều tra, Long - Vũ khai nhận do thiếu tiền chơi game nên phải đi cướp giật.

Tại cơ quan điều tra, nhiều đối tượng nghiện game thú nhận do sống trong thế giới ảo triền miên nên mù mờ về nhận thức, khi gặp những tình huống ngoài đời không thể phân biệt được thực ảo, không có hướng xử lý đúng đắn nên thường giải quyết xung đột theo bản năng, bằng bạo lực, hành xử kiểu giang hồ. Cũng như nhiều món nghiện khác, khi cần tiền phải tìm cách kiếm cho bằng được.

Vì "nghiện" game online mà rơi vào vòng lao lý (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia tâm lý, game bạo lực với những pha bắn giết rùng rợn kích thích thanh thiếu niên phạm tội. Mê game ở thanh thiếu niên là điều khó tránh, vậy nhưng nhiều gia đình chỉ lo chuyện làm ăn mà bỏ bê việc quan tâm dạy dỗ con cái, khi phát hiện sa ngã thì đã quá muộn. Mặt khác sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình cũng chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học đi chơi game.

Đã có ý kiến cho rằng cần sửa đổi Thông tư 60 để phù hợp với tình hình hiện nay, cần xây dựng những trung tâm cai nghiện game online và tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho lứa tuổi thanh thiếu niên nhằm giảm thiểu những vụ phạm pháp hình sự do các game thủ gây ra.

Nguyên Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc