Làm sao cứu cây di sản?

07:00 | 01/11/2014

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện cả nước có khoảng 700 cây di sản. Đây là những cây cổ thụ gắn liền với các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Được công nhận là cây di sản nên các cây này ắt sẽ được bảo vệ, chăm sóc. Thế nhưng, có một thực trạng trái ngược đang diễn ra, đó là các cây đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm lại lặng lẽ chết chẳng bao lâu sau khi được công nhận cây di sản.

Bất lực nhìn cây chết…

Ở Việt Nam, 9 cây muỗm có niên đại gần 1.000 năm ở đền Voi Phục là những cây đầu tiên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản. Nhưng sau một thời gian ngắn, 8 cây trong số này “ra đi”. 

Trong ký ức của cụ Hà Văn May (94 tuổi), thủ từ đền Voi Phục, những hình ảnh về cây muỗm to, thân cây nứt nẻ, tỏa bóng mát trong những ngày hè nóng nực đã không còn.

Cụ May cho biết, trước khi được công nhận là cây di sản, các cây muỗm đều xanh tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh hay “ốm yếu”. Nhưng từ sau khi gắn biển cây di sản và trùng tu lại đền thì cây cứ chết dần chết mòn.

Làm sao cứu cây di sản?

Ông Tùng bên “cụ” muỗm duy nhất còn sống

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban Quản lý đền Voi Phục thì các cây muỗm bị sâu, côn trùng ăn đến rỗng ruột. Thời điểm cây bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh là khoảng năm 2011. Đến tháng 8-2012 đã có 2 cây muỗm chết khô. Ông Tùng phải xin giấy phép cho cây “được chết” và hạ cây xuống nhằm đảm bảo an toàn cho đền.

Năm 2013, 3 cây muỗm trong đền có dấu hiệu rụng lá, khô héo. Lo ngại cho sức khỏe của “cụ” muỗm, ông Tùng đã báo lên Hội VACNE, đồng thời nhờ sự trợ giúp tìm cách cứu cây.

Sau khi xin ý kiến của Hội VACNE, ông Tùng đón các chuyên gia Viện Lâm nghiệp cùng các chuyên gia Australia, Nhật Bản đến thăm bệnh cho cây. “Các chuyên gia đến khám bệnh cho cây đều khẳng định có thể chữa được và đảm bảo cây sẽ sống. Tôi còn làm hợp đồng với các chuyên gia về phương pháp và thời gian chữa trị. Trong hợp đồng các chuyên gia hứa sẽ “bảo hành” cây trong 2 năm và sẽ thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc cây” - ông Tùng nói.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 10 vừa qua, cây muỗm thứ 8 tiếp tục “ra đi”.

Lỗi ở con người

Theo thông tin từ người dân sống gần đền Voi Phục, các cây muỗm chết có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động từ các đơn vị trùng tu, tôn tạo đền. Một người dân sống gần đền cho biết, khi tu bổ, tôn tạo đền Voi Phục, đơn vị thi công đã lát gạch kín hết gốc cây nên không thể tưới nước cho cây khiến cây chết khát.

Hơn nữa, khi cây bị bệnh, các chuyên gia nước ngoài cứu cây bằng cách khoan trực tiếp vào cây để cho cây “uống” thuốc, việc này ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, khi cây bị mối, mọt, họ đã lấy thuốc chống mối đổ thẳng vào gốc cây sau đó lát gạch lên trên…

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Tùng cho biết: “Trước đây tôi cũng nghĩ do quá trình trùng tu đền làm cây chết, nhưng khi hạ cây xuống thì thấy lỗ hổng ở giữa cây phải một người lớn chui lọt thì không thể nói là do xây dựng làm cây chết được”. Cũng theo ông Tùng thì thông tin đổ thuốc mối, lát gạch kín hết gốc cây là không có cơ sở.

“Không có chuyện đổ thuốc mối vào gốc cây rồi xây kín lại, nếu đổ thuốc thì tại sao cây vẫn bị mối? Đó hoàn toàn là thông tin không đúng. Có thể là khi các chuyên gia bơm thuốc vào cây khiến người ta hiểu nhầm rằng đổ thuốc mối vào trong cây” - ông Tùng giải thích.

Ở góc nhìn của VACNE, ông Phùng Quang Chính - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, các cây muỗm ở đền Voi Phục chết là do sự tác động của cộng đồng và sâu bệnh. Ông cũng tiết lộ việc chụp được hình một thùng thuốc mối để gần gốc muỗm nhưng không dám chắc có ai đổ thuốc mối vào gốc cây hay không.

Ông Chính cho biết: “Cây cũng như người, già cũng sẽ phải chết. Nếu như các cây muỗm được chăm sóc tốt thì cây sẽ sống lâu và ngược lại. Ở đền Voi Phục, sau khi ban quản lý đền thông báo cây bị bệnh, chết, chúng tôi đã xuống đền, mời chuyên gia đến chữa bệnh nhưng cây không khỏi. Một nguyên nhân nữa có thể là do các đơn vị thi công tu bổ lại đền đào móng làm đứt rễ hoặc dùng xe tải chở vật liệu đè lên rễ cũng khiến cây bị chết”.

Cách nào bảo vệ cây di sản?

Theo thống kê của VACNE, Việt Nam hiện có khoảng 700 cây di sản, các cây này có tuổi thọ trung bình từ 200 đến 300 năm và được vinh danh tại nhiều địa phương. Trên lý thuyết, việc công nhận cây di sản đồng nghĩa với việc các cây này sẽ được chăm sóc, bảo vệ. Vì một trong các tiêu chí hàng đầu của VACNE khi xét duyệt hồ sơ, công nhận cây di sản là phải đảm bảo các yếu tố bảo vệ cây di sản, yếu tố về môi trường sinh sống, cũng như điều kiện chăm sóc có tốt hay không. Một yếu tố khác cũng được đề cập là trách nhiệm bảo vệ thuộc về nơi quản lý cây di sản, của cộng đồng dân cư nơi có cây di sản. Nhưng có thể thấy, cây di sản ở nước ta chỉ được công nhận rồi bỏ đấy.

Làm sao cứu cây di sản?

Một “cụ” muỗm mới “tạ thế”

Dẫn chúng tôi đến vị trí các cây muỗm đã được hạ, ông Tùng bức xúc: “Cây muỗm bị bệnh, mời các chuyên gia đến, họ nói hay lắm nhưng tiêm mỗi cây mất 10 triệu mà cây vẫn chết. Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện công nhận cây di sản năm 2012. Tôi có nói: “Ở nước ngoài, không biết việc công nhận và chăm sóc cây di sản như thế nào nhưng ở Việt Nam, tôi nghĩ đã công nhận thì phải bảo vệ. Tôi mong Nhà nước, nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu bảo vệ cây vì đây là vấn đề chung”.

Sau phát biểu, ông Tùng chỉ nhận được câu trả lời từ Hội VACNE: “Chúng tôi chỉ công nhận còn phương pháp bảo vệ hội sẽ giúp đỡ vì không có kinh phí”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chính cho biết: “Hiện nay không chỉ ở đền Voi Phục có cây di sản chết sau khi được công nhận mà ở một số nơi khác như Thanh Hóa, Hoài Đức (Hà Nội) cũng đang xảy ra tình trạng tương tự”.

Nói đoạn, ông Chính lấy dẫn chứng: “Cây Táu ở đền Thiên Cổ Miếu (xã Trưng Vương, TP Việt Trì) có niên đại khoảng 300 năm sau khi được công nhận là cây di sản thì nó bị héo, rụng lá. Nguyên nhân là do người dân chăm sóc cây “quá tốt”. Họ xây bồn, đổ đất phù sa, bón hàng tạ phân cho cây nhưng làm vậy là đang ngăn cản quá trình quang hợp của cây. Hay như cây gạo có niên đại 350 năm ở Hoài Đức cũng vậy. Cây ra lộc nhưng bị héo, cành khô vì các cụ ở đây đổ nước vo gạo, nước tinh khiết vào gốc khiến đất bị chua”.

Trao đổi về việc cần có những biện pháp quản lý, bảo vệ cây di sản sau khi được công nhận, ông Chính nói: “Khi nhận được phản ánh về việc cây chết, chúng tôi đều trả lời bằng công văn hoặc gọi điện trực tiếp để khắc phục tình trạng này. Ở đền Voi Phục, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Tùng, đồng thời mời các chuyên gia trong nước cũng như các chuyên gia từ Australia, Nhật Bản đến tìm cách chữa trị. Nhưng năng lực của hội có hạn, kinh phí lại không có, chúng tôi không thu bất cứ thứ gì của người dân khi làm thủ tục công nhận cây di sản cũng không có nguồn thu nào khác nên đa phần việc chữa bệnh cho cây là do ban quản lý tự lo liệu”.

Nói về việc trợ giúp ban quản lý trong việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản, ông Chính trầm ngâm: “Chúng tôi mở các cuộc hội thảo, trao đổi qua e-mail, điện thoại hướng dẫn trực tiếp cho ban quản lý cây di sản mỗi khi họ cần. Đồng thời khuyến khích, nới rộng các tiêu chí công nhận cây di sản để có nhiều hơn nữa các cây được tôn vinh và bảo vệ. Nhưng cái cốt yếu là hội không có kinh phí nên không thể làm được gì nhiều. Tất cả là làm vì cái tâm mà thôi”.

Với hàng trăm cây cổ thụ, gắn liền với các giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa quan trọng với đất nước, việc tôn vinh cây di sản là điều cần thiết. Song để bảo vệ, chăm sóc các cây di sản như thế nào để cây sống khỏe vẫn là một bài toán khó, chưa có lời giải.

Xuân Hinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc