Khi nhà trường khoán trắng cho công ty du lịch…

07:00 | 19/04/2015

2,492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn tại các địa điểm vui chơi, giải trí khiến nhiều học sinh tử vong. Đáng chú ý, đây lại là những hoạt động ngoại khóa do các trường học liên kết với các công ty du lịch tổ chức. Có vẻ như, cả hai phía chỉ quan tâm đến việc tổ chức các chuyến đi du lịch mà không chú trọng đến an toàn của các học sinh.

Mất mạng khi  đi ngoại khóa

Đầu tháng 4-2015, khi tham gia hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức, một học sinh đã tử vong tại khu vực bể bơi trong Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Nạn nhân sau đó được xác định là em Trần Triệu D (SN 2003, học sinh lớp 6C, Trường THCS Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Khi nhà trường khoán trắng cho công ty du lịch…

Trường THCS Ngô Quyền

Theo lời kể của một phụ huynh có con tham gia buổi ngoại khóa, sáng 3/4, Trường THCS Ngô Quyền tổ chức cho hàng trăm học sinh thuộc khối lớp 6, 7, 8 tham quan tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh theo chương trình ngoại khóa do trường này tổ chức. Mỗi học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa phải đóng góp 265.000 đồng, thời gian đi du lịch là một ngày.

Trước khi tổ chức chuyến ngoại khóa, nhà trường đã gửi giấy cam kết về từng gia đình học sinh yêu cầu ký vào bản cam kết đồng ý cho con em đi du lịch. Đến khoảng 9h10 cùng ngày, các học sinh nháo nhác khi phát hiện em Trần Triệu D tử vong tại khu vực bể bơi của khu du lịch.

Thầy Phạm Trường Lưu, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho biết: Khoảng 8h30 gần 500 học sinh đi theo tour du lịch của Công ty Du lịch Chân Trời Mới đến đảo Ngọc Xanh. Sau khi tập trung để phổ biến, hướng dẫn các em học sinh bắt đầu đi chơi các trò chơi như: Xem phim 3D, chơi đu quay... Vì thời tiết hôm đó nắng nóng nên có một số em ra khu vực bể bơi chơi.

Khoảng nửa tiếng sau, các em học sinh hô hoán: “Có bạn gặp nạn”. Ngay sau khi cấp cứu sơ bộ, em Trần Triệu D đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy. Khoảng 1 tiếng sau, em D tử vong. 

Vụ việc sau đó được thông báo lên Công an huyện Thanh Thủy, tiếp nhận thông tin, đơn vị này đã đến hiện trường làm các thủ tục cần thiết trước khi cho gia đình đưa thi thể nạn nhân về.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong khi tham gia hoạt động ngoại khóa của trường. Trước đó, chỉ trong vòng 10 ngày, tại TP HCM cũng xảy ra 2 vụ tai nạn khiến hai học sinh tử vong. Đó là vào ngày 18-1, em Trần Thế A (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Kim Đồng, quận 12) tham gia hoạt động ngoại khóa do trường này tổ chức tại Khu liên hợp thể thao Trường THPT Võ Trường Toản. Sau khi đá bóng, em Trần Thế A ra hồ bơi tắm và tử vong.

Mới đây, nhân dịp sơ kết học kỳ I, Trường tiểu học Phước Thạnh đã tổ chức cho hơn 300 giáo viên và học sinh đi dã ngoại ở công viên Đầm Sen. Trong chuyến đi này, một em học sinh lớp 4 tử vong do đuối nước.

Chối bỏ trách nhiệm...

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến cái chết của em Trần Triệu D, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Phạm Trường Lưu - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định học sinh này tử vong là do bị cảm chứ không phải do bị chết đuối.

“Khi vừa đến nơi, chúng tôi chưa kịp uống nước thì nghe các em học sinh hô hoán là có bạn bị cảm nên chạy ra xem. Đến nơi tôi cùng các cô giáo đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy cấp cứu. Khoảng 1 giờ sau thì em này tử vong” - thầy Lưu nói.

Trước thông tin em Trần Triệu D bị chết đuối, thầy Lưu cũng dẫn thêm thông tin rằng, bể bơi của khu du lịch dành cho trẻ em, mực nước ở trong hồ sâu nhất là 1m nước, nông nhất là 0,8m, các học sinh lớp 6 lội chỉ ngang ngực.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy thì được biết em D đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Về nguyên nhân dẫn đến cái chết của học sinh này, đại diện bệnh viện cho biết học sinh này chết vì ngạt nước.

Theo thông tin do người viết tìm hiểu, Khu du lịch đảo Ngọc Xanh là địa điểm được nhiều trường lựa chọn để tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, khu du lịch này cũng từng xảy ra tai nạn vào ngày 3/4/2014 khiến 6 học sinh phải nhập viện.

Thế nhưng khi được hỏi nhà trường có tìm hiểu địa điểm du lịch trước khi đi tham quan hay không, Hiệu trưởng Trường Ngô Quyền chỉ trả lời “không biết”. “Trước đây chúng tôi chưa đi vì quá xa nhưng các trường khác ở quận này đều đi và ca ngợi rằng địa điểm này an toàn, không có thác ghềnh gì cả” - Thầy Lưu nói.

Nói về hoạt động ngoại khóa do trường này tổ chức, thầy Lưu nói: “Hoạt động ngoại khóa của trường năm nào cũng phải làm, tối thiểu là phải một lần. Những trường có điều kiện thì có thể tổ chức đi nhiều lần. Khi chúng tôi đã làm thì đảm bảo là tốt và phải an toàn nhưng trong mọi trường hợp bao giờ cũng có độ rủi ro. Nhiều đoàn đang đi tham quan đi bị tai nạn nên cái đó rất khó nói”.

Còn nhiều bất cập

Việc học sinh tử vong khi tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường không còn là chuyện mới, tuy nhiên, theo các chuyên gia về giáo dục thì ở nước ta các giáo viên chưa được đào tạo kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Theo một phụ huynh (xin được giấu tên), hoạt động ngoại khóa là cần thiết để các em học sinh có những thời gian giải trí sau những giờ học tập căng thẳng nhưng mỗi lần cho con đi ngoại khóa lại là một lần lo.

“Mình không thừa nhận lợi ích của việc tham gia ngoại khóa nhưng nhiều khi nhà trường làm việc theo kiểu ép buộc chúng tôi phải cho con đi. Như lần gần đây, khi nhà trường gửi giấy yêu cầu gia đình đồng ý cho con đi du lịch tại đảo Ngọc Xanh, trong mảnh giấy còn chỗ ký tên chứ không thể đề xuất hay trình bày ý kiến được. Khi tôi chưa ký giấy, con gái tôi về nhà hay hỏi, nói về việc không tham gia ngoại khóa sẽ bị hạ hạnh kiểm. Thương con, lo cho con nên tôi mới đắn đo suy nghĩ nhưng thấy nó cứ lo lắng nên tôi cũng phải để cho cháu đi” - vị phụ huynh bức xúc.

Đồng quan điểm với phụ huynh này, Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh là cần thiết vì học sinh hiện nay còn thiếu kỹ năng mềm. Nên để các em được đến gần với thực tế là đúng đắn.

PGS Văn Như Cương lưu ý, ở nước ta hiện nay, các giáo viên chưa được đào tạo bài bản về cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa mà chủ yếu thầy cô chỉ dựa trên kinh nghiệm tự… đúc rút. Trong khi đó, để tổ chức một buổi ngoại khóa cho học sinh không hề đơn giản, những tình huống phức tạp luôn rình rập như: Học sinh có thể xích mích đánh nhau, rồi bị thương, bị tai nạn... Trong khi ở những nước phát triển trên thế giới thì giáo dục lại đề cao các hoạt động ngoại khóa như vậy.

“Tôi được biết đề án cho việc đổi mới giáo dục toàn diện sắp diễn ra tới đây có đề cập đến việc mỗi tuần sẽ có 5 tiết trải nghiệm trực tiếp và sáng tạo cho các em học sinh. Tôi đánh giá cao hình thức này bởi việc đưa học sinh vào cuộc sống là chúng ta đang chú trọng đến con người. Thế nhưng để có hiệu quả thì cần phải có một giáo trình cụ thể về đề án này và phải theo hoạch định. Ví dụ như ở hệ tiểu học thì các em sẽ phải học những cái gì, trung học cơ sở thì các em đến dã ngoại ở đâu và thông qua đó dạy được các em cái gì? Hiện tại, các trường làm việc này vẫn còn rất yếu.

Trước thực trạng này, theo tôi khi tổ chức một hoạt động ngoại khóa cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Lên phương án, lập kế hoạch và giám sát chi tiết có sự giúp đỡ của phụ huynh tới từng học sinh. Còn về lâu dài thì nhà trường cũng nên tự trang bị kỹ năng cơ bản cho giáo viên của mình” - PGS Văn Như Cương nói.

Ngày 3/4/2014, 12 học sinh của một trường THCS ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang chơi đu quay tại khu du lịch đảo Ngọc Xanh thì bất ngờ chiếc đu quay rơi xuống đất. Cú rơi mạnh khiến 12 học sinh ngồi trên đu quay hoảng loạn, 6 học sinh trong số này đau nhức trên cơ thể nhưng chỉ được đưa vào trạm y tế của xã để kiểm tra. Sau đó mới được chuyển tới Bệnh viện Quân y 105 (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để khám chữa.

Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do hệ thống máy móc vận hành bị vỡ ti-ô thủy lực, không thể tiếp tục nâng lên cao. Chiếc đu quay rơi tự do xuống đất ở độ cao 2m.
 

Xuân Hinh - Huyền Anh