Hành động nào được coi là quấy rối tình dục ở nơi làm việc?

11:03 | 26/05/2015

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nội dung trong bản “Bộ quy tắc ứng xử về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” vừa mới được công bố thì kể chuyện cười, hay mời đi chơi… cũng có thể bị coi là quấy rối tình dục.

Đây là sản phẩm của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện.

Để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động cùng phối hợp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, bộ quy tắc đưa ra một số biện pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 

Theo Bộ quy tắc này thì các hình thức quấy rối tình dục gồm cả các hành vi quấy rối về thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm... Hoặc hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm những nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu mong muốn một cách liên tục… Và hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm...

Lễ công bố Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội

Thực tế thì Bộ Luật Lao động 2012 đã quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng theo ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thì các quy định hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể. Nên việc nhận diện hành vi quấy rối tình dục còn gặp nhiều khó khăn, từ đó khó có biện pháp xử phạt.

Được biết, trong quá trình đưa ra các tiêu chí của Bộ quy tắc, đơn vị tổ chức đã tham khảo các bộ quy tắc thực hành phòng chống quấy rối tình dục sẵn có trên thế giới.

Nhằm mục đích giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.

Bộ quy tắc này mới chỉ đề cập đến phạm vi áp dụng là các doanh nghiệp mà thiếu hẳn một khu vực rộng lớn là các công sở, văn phòng, cơ quan nhà nước. Vì đây chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật, chưa thể quy định đầy đủ phạm vi áp dụng theo hướng bắt buộc mọi đối tượng đều phải thực hiện. Tuy nhiên, Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện, cả ở khu vực công và tư.

Bộ quy tắc ra đời vào lúc này được kỳ vọng sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp đưa vào trong nội quy, quy chế cụ thể, cụ thể hóa để người lao động nhận rõ hành vi quấy rối tình dục. Hiện, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa hành vi bị cấm này vào các văn bản pháp luật.

Huy An (Năng lượng Mới)