Thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

Sẽ thay thế bằng kỳ thi quốc gia chung

06:00 | 25/06/2014

1,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) kết thúc, dư luận xã hội đang đặt dấu hỏi về tỷ lệ 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp và chất lượng thực của kỳ thi này. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã khẳng định sẽ không bỏ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng rồi, quý Bộ lại nói sẽ thay thế kỳ thi THPT bằng một kỳ thi quốc gia chung “đảm nhiệm” hai vai trò: Vừa đánh giá tốt nghiệp THPT, vừa tuyển lựa thí sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Năng lượng Mới số 333

Cứ thi là đỗ?!

Tính đến ngày 19-6, Bộ GD&ĐT thông báo tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước cụ thể như sau: giáo dục THPT là 99,02% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 89,01% (năm 2013 là 78,08%).

Trước kết quả quá cao của kỳ thi này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam nhận định, việc  đỗ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ gần 100% thì cũng nên xem lại cách thi, cách ra đề của Bộ GD&ĐT. Ông băn khoăn: “Nếu tất cả đều đỗ thì cần gì phải thi. Đã thi là phải có đánh giá và sàng lọc, còn nếu ai cũng đỗ thì thi làm gì. Tôi cho rằng, việc thi như hiện nay không phản ánh được chất lượng đào tạo và cũng không đáp ứng được yêu cầu của một kỳ thi”.

Cũng theo ông Trần Xuân Nhĩ, đã học thì phải thi và chuyện đánh giá ở bậc học phổ thông là rất cần thiết, nhưng phải đánh giá đúng. Còn nếu học mà thi đỗ gần 100% thì là chuyện hiếm có. Việc này có nguyên nhân là do tổ chức thi quá hình thức, từ đề thi đến cách chấm thi không đạt mục đích của một kỳ thi.

PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) cũng băn khoăn khi tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của. PGS phân tích: “Nên xét tốt nghiệp cũng là một ý kiến hay bởi nếu để nhà trường tự xét thì tỷ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào”.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

PGS Văn Như Cương nhớ lại, khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thực hiện đổi mới giáo dục, kết quả tốt nghiệp THPT chỉ đạt dưới 70% và tỷ lệ này được đánh giá là phản ánh đúng thực chất. Ngay cả Hà Nội, cách đây khoảng 10 năm cũng chỉ có vài trường THPT đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tỷ lệ này năm nay có tới 92 trường trên tổng số 230 trường. PGS cũng nêu quan điểm: “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu xem xét lại việc tổ chức thi cử và tôi rất tán thành với ý kiến gộp 2 kỳ thi làm 2. Ngay trong năm 2015, có thể tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này nếu từ quý III/2014, Bộ GD&ĐT đưa ra phương án thi”.

Trước những băn khoăn về chất lượng kỳ thi, ông Trinh nhấn mạnh: “Kỳ thi này sẽ cung cấp dữ liệu để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cũng là cơ sở đáng tin cậy để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Kỳ thi như vậy sẽ có sự đổi mới về hình thức tổ chức, lực lượng tham gia, thao tác kỹ thuật... Bộ GD&ĐT đang chủ động xây dựng phương án để xin ý kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục, các chuyên gia”.

Về việc chỉ có 1% thí sinh trượt tốt nghiệp và chất lượng thực của công tác dạy và học, ông Mai Văn Trinh phân tích, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT không phải Việt Nam mà rất nhiều nước cũng đang làm, kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến, thậm chí có những nước trước kia không có kỳ thi tốt nghiệp THPT thì bây giờ đã áp dụng. Cần phải thi tốt nghiệp để người học hệ thống hóa kiến thức; tăng ý thức học tập của học sinh cũng như trách nhiệm của giáo viên trong dạy học để cả thầy và trò đều phải rèn luyện, bỏ công sức lao động để thu được một kết quả nhất định - kiến thức phổ thông.

Ông phân tích: “Chúng ta có thể hình dung một cơ sở sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Phần lớn các sản phẩm làm đáp ứng các tiêu chuẩn thì được đưa vào sử dụng. Nhưng sản phẩm đó vẫn phải qua kiểm duyệt chặt chẽ để giảm thiểu các phế phẩm và biết rằng sản phẩm ấy tiêu dùng được nhưng chất lượng nó đến đâu. Từ đó có những biện pháp để tăng chất lượng sản phẩm hơn”.

Một kỳ thi quốc gia chung

Trước “chất vấn” của báo chí về tính thực chất của kỳ thi khi tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp quá cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Tôi khẳng định năm nay kỳ thi diễn ra nghiêm túc hơn các năm trước, vì thế kết quả đã phản ánh sát chất lượng bài thi. Còn kỳ thi diễn ra khách quan hay không, thì cá nhân tôi cho rằng kết quả chưa thật sự đánh giá rằng đã sát 100% với chất lượng. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích, thẩm định để có phản ánh tốt hơn về kết quả kỳ thi”.

Ông Mai Văn Trinh cũng nói thêm: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm mục đích đánh trượt học sinh mà mục tiêu là xác định các em đang ở trình độ nào, từ đó có các giải pháp tác động lại việc dạy và học THPT, điều chỉnh để tăng chất lượng dạy học theo hướng tiếp cận, đánh giá năng lực của học sinh”. Với những đổi mới trong cách ra đề thi và giảm số lượng môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn, ông Trinh cho hay đã nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh, giáo viên và cả xã hội.

Những nghi ngại về kết quả của bài thi được ông Trinh giải thích: “Công tác chấm thi, ngoài hội đồng chấm thi còn có chấm thi thẩm định, còn tiến hành chấm kiểm tra với tỷ lệ tối thiểu là 5% tổng số bài thi. Việc chấm thẩm định này hoàn toàn độc lập với hội đồng chấm thi. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ đối chiếu với kết quả chấm thi của các sở, làm cơ sở đánh giá chất lượng kết quả kỳ thi”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thông tin sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung theo lộ trình đổi mới thi cử. Đến hết năm học 2015-2016, Bộ sẽ triển khai kỳ thi chung, sao cho hai kỳ thi ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT có tính cộng hưởng, nhưng sẽ phân hóa sâu hơn đối với việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng đề cập đến bước thay đổi quan trọng này và khẳng định kỳ thi quốc gia làm cả hai nhiệm vụ là đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa thí sinh vào ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn việc này.

Về vấn đề tổ chức kỳ thi quốc gia chung, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích: “Các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh. Một trong những khâu quan trọng chính là cách ra đề thi phải đảm bảo yêu cầu phản ánh được phẩm chất, năng lực của người học, từ đó có tác dụng phân hóa các mức tốt, khá, giỏi của thí sinh qua bài thi.

Ngoài ra, các khâu tổ chức thi, người coi thi, chấm thi, người ra đề thi và cấu tạo “ngân hàng” đề thi... cũng là những việc cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi chung này. Chúng tôi đang tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế và sắp tới sẽ xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành, sau đó mới trình Chính phủ phê duyệt”.

Việc Bộ GD&ĐT “đánh tiếng” về việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía dư luận xã hội, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ đỗ quá cao, tổ chức khá “rình rang”, tốn kém mà không phản ánh thực trạng dạy và học hiện nay. Nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc giảm lược kỳ thi này và thay thế bằng một hình thức khác nhẹ nhàng hơn.

Thêm vào đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thông tin, trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, Bộ đang tập trung đổi mới cách học của học sinh để có những kỳ thi thực chất hơn. Nếu việc học tập của học sinh không thực chất thì không thể có được một kỳ thi nghiêm túc. Vì thế chất lượng học tập sẽ hướng tới đánh giá, phát huy toàn diện năng lực của học sinh.

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.