Quà biếu “làm hư” thầy cô

10:22 | 31/12/2012

1,928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Quà 8/3, 20/10, 20/11, năm mới… cho thầy cô giáo của con luôn là vấn đề làm đau đầu các bậc cha mẹ học sinh. Những món quà mang ý nghĩa như lời cảm ơn, sự quan tâm của phụ huynh đôi lúc đã bị biến tướng thành sự đòi hỏi, “không có không được” đối với một bộ phận thầy, cô giáo.

Muốn con hay chữ phải “yêu” lấy thầy

Các cụ đã dạy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Câu ca dao xưa được các bậc phụ huynh bây giờ áp dụng và phát huy đến mức trở thành vấn đề đau đầu mỗi dịp lễ, tết.

Chuyện tặng quà quá thường và như lẽ hiển nhiên, nên các vị phụ huynh quyết định tìm chiêu độc “ghi điểm” trong mắt cô. Nhiều phụ huynh cho rằng, đồng tiền bây giờ càng mất giá. Đi phong bì ít quá thì ngại mà thầy, cô nhận cũng thấy nặng nề. Thế nên xu hướng chuyển sang quà tặng và quà càng độc càng tốt lại được phụ huynh ưa chuộng.

Vì vậy, các dịp lễ tết được trưng dụng triệt để cho việc tặng quà, biếu xén. Từ ngày 8/3, 20/10, 20/11 cho tới những ngày như Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, đầu năm học mới, lễ Noel… cũng được các vị phụ huynh “quan tâm” cẩn thận với những “chiêu” tặng quà cực độc.

Những món quà tặng thầy cô để thể hiện... tâm ý của phụ huynh.

Nhiều phụ huynh sau khi được gợi ý tặng quà thầy cô theo cung tuổi đã về bàn bạc với chồng. Hai vợ chồng lên danh sách giáo viên chủ nhiệm và bộ môn của con rồi phân công nhau dò hỏi ngày sinh của từng thầy, cô.

Một vị phụ huynh biết được cô giáo chủ nhiệm của con ngày sinh thuộc cung Thiên Bình nên đã dày công chọn hoa và những món quà tinh thần cho phù hợp. Vợ chồng chị dành một ngày dạo qua các cửa hàng tìm mua bằng được chậu lan hồ điệp trắng gân tím với giá hơn 2 triệu đồng. “Mình cũng dặn con tham khảo xem bố mẹ các bạn ở lớp mua gì và chưa thấy bị trùng. Tặng quà này không những lịch sự mà nó còn thể hiện sự quan tâm và hiểu cô nên thế nào cô cũng thích”.

Không chỉ riêng trường hợp trên, mà có nhiều phụ huynh muốn “ghi điểm” đã cất công dò hỏi tận đến hiệu may quen của cô giáo để lấy bằng được số đo và đặt hàng.

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh (Kim Mã, Hà Nội) có một cô con gái đang học cấp 1 lại có cách tặng quà đặc biệt hơn. Mặc dù lực học của con vào loại khá trong lớp, nhưng anh chị lúc nào cũng lo lắng, sợ con mình không được các cô “chú ý”, bị thiệt thòi so với các bạn.

Vì thế, dịp lễ tết nào anh chị cũng sốt sắng, lo đầy đủ từ túi xách, giày dép, nước hoa… cho tới phong bì cho cô giáo của con. Thậm chí, chỉ cần thấy cô có triệu chứng hắt hơi, sỗ mũi, anh chị cũng lập tức có quà cho cô bồi bổ.

Năm nay, gia đình anh chị bàn tính kỹ càng và thay đổi hình thức quà tặng. Không đồ xa xỉ, không phong bì dày nặng, anh Khánh đã tổ chức một chuyến đi du lịch tại Sapa (Lào Cai) và mời gia đình cô giáo đi cùng.

Anh chia sẻ: “Đi như thế, cô giáo và học sinh vừa có cơ hội trò chuyện để hiểu nhau, dễ chú ý, quan tâm đến con mình; mà mình cũng thể hiện là người biết quan tâm tới cô và gia đình cô nữa. Không đi đâu mà thiệt cả, con mình còn học cô lâu dài”.

Phụ huynh “làm hư” thầy cô

Ngoài những trường hợp phụ huynh học sinh chủ động mua quà, biếu xén thầy cô coi như thay lời cám ơn, thay lời gửi gắm con cái, có rất nhiều trường hợp giáo viên quen được biếu quà nên tự động đòi hỏi, gợi ý phụ huynh.

Một vị phụ huynh có con trai đang học cấp 2 tại Hà Nội chia sẻ, gia đình chị rất thân thiết với cô giáo chủ nhiệm của con bởi chị cũng là người hay chăm chút, quà cáp cho các cô đầy đủ. Và vì thân thiết, nên tình hình của con trai ở lớp, anh chị biết rõ “như lòng bàn tay”.

Mỗi dịp lễ tết, chị đều sốt sắng đi tìm hiểu, mua sắm những món quà hàng hiệu, hàng “độc” để tặng cô, thay lời cám ơn cô đã quan tâm tới con mình. Thế nhưng, nhận nhiều quen tay, cô giáo không chỉ chờ quà trong những người lễ tết mà còn chủ động gợi ý.

Nhiều món quà xa xỉ, hàng "độc" được phụ huynh nghiên cứu, tìm tòi.

Chị cho biết, đầu năm học cô giáo có chia sẻ với chị, việc học của các con cần nhiều thiết bị dạy học hiện đại, tiên tiến thì mới phát huy được sức sáng tạo của học sinh. Trong cuộc họp phụ huynh, chị cũng rất hào hứng với chuyện mua sắm trang thiết bị cho lớp học, phục vụ cho chính con mình, các khoản đóng góp lên tới vài triệu đồng/học sinh.

Thế nhưng, cô giáo lại nói nhỏ với chị, nhờ chị mua giúp cô chiếc máy tính xách tay, gửi chị 2 triệu và hẹn ngày đến lấy máy. Chị chia sẻ: “Cô đưa 2 triệu mà … đòi mua máy tính xách tay hàng xịn. Thôi cô đã gợi ý thế thì gia đình tôi đành cố mà mua, mình bỏ mặc cô là cô bỏ mặc con mình ngay. Thôi thì, cô còn gợi ý là còn quan tâm”.

Những giáo viên như vậy đã làm xấu đi bộ mặt chung của toàn ngành giáo dục, khiến cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị vấy bẩn bởi vật chất và sự đòi hỏi vô lý.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội đã khẳng định: “Phụ huynh cứ tưởng quà cáp, phong bì là cô quan tâm hơn đến con. Nhưng họ không biết rằng làm thế là đang vô tình hại con. Trẻ biết được sẽ mất đi hình ảnh trong sáng giữa thầy và trò. Học sinh nảy sinh tư tưởng muốn làm gì thì làm, bởi chỉ cần bố mẹ biếu phong bì giáo viên là xong”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.