PGS Văn Như Cương sốc vì clip "nữ sinh bị đánh hội đồng"

18:00 | 13/03/2015

1,662 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tôi không thể tưởng tượng nổi các em học sinh còn rất nhỏ tuổi mà sao lại hung hãn đến thế...?”- PGS Văn Như Cương bàng hoàng khi nói về clip nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh bị bạn đánh.

>>  [VIDEO] Nhóm nữ sinh lớp 7 đánh bạn u não, điếc tai?

>> MC Trấn Thành khóc khi xem clip nữ sinh Trà Vinh đánh nhau

Những ngày qua, clip này đã gây rúng động trong xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định tình trạng bạo lực học đường đã không còn là cảnh báo mà thực sự đang rất nghiêm trọng. Chưa khi nào mức độ tàn bạo, thái độ vô cảm chốn học đường lại đáng sợ như hiện nay.

Trao đổi với PetroTimes về nạn bạo lực học đường trong giới trẻ, PGS. Văn Như Cương bày tỏ thực trạng này đã khiến ông rất buồn.

Ngay như trường hợp nữ sinh ở trường THCS Lý Tự Trọng bị đánh mới đây, ông bày tỏ: Tôi không thể tưởng tượng nổi các em học sinh còn rất nhỏ tuổi mà lại hung hãn đến thế? Các em đánh hội đồng với bạn học cùng mình, ném ghế vào bạn đến chảy cả máu… Tôi thực sự sốc trước hình ảnh này. Tưởng chừng phải có một sự căm giận, một sự tức tối nào đó mới khiến các em hành động như vậy. Thế mà đến khi hỏi ra thì chỉ vì bạn… “chảnh”.

PGS. Văn Như Cương.

“Thêm nữa, bao nhiêu học sinh chứng kiến cảnh bạn bị đánh mà không một em nào đi báo hiệu trưởng, hay báo bảo vệ  trường mà còn đứng xung quanh hò hét, cổ vũ… thế thì các em vô cảm quá. Điều này khiến tôi cảm thấy khó hiểu, chẳng lẽ đạo đức học sinh lại tồi tệ đến thế?” – PGS Văn Như Cương thất vọng.

Điều thứ 2 làm PGS. Văn Như Cương cảm thấy lạ lùng là sự việc diễn ra trong lớp học nhưng không một giáo viên nào biết. Chỉ đợi đến hơn 2 tháng sau, khi clip bị tung ra thì họ mới đi tìm hiểu sự việc… Chứng tỏ khâu quản lý của nhà trường vô cùng yếu kém. Trong thời gian 2 tháng ấy, nữ sinh bị đánh còn bị đau, đến giờ khám bệnh vẫn còn di chứng… Vậy mà suốt thời gian ấy giáo viên chủ nhiệm không hề hay biết gì?

Cách quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm thế này thì kỳ lạ quá, không đi sâu, đi sát đến học sinh, giáo viên đã không làm đúng trách nhiệm của một người thầy!

Từ sự việc này, PGS Văn Như Cương lo ngại, tình trạng bạo lực trong học đường đã quá nghiêm trọng. Bởi đây không phải lần đầu tiên diễn ra những sự vụ như vậy, mức độ bạo lực, vô cảm ngày càng tăng thêm.

Việc vì sao bao lực học đường gia tăng?

PGS. Văn Như Cương cho rằng không thể đổ lỗi cho riêng ai, mà tại cả hệ thống xã hội, nhà trường và gia đình. Ở mỗi góc độ đều có những thiếu sót riêng.

Nhà trường thì đặt sức ép học tập quá lớn, các em ít được tham gia những hoạt động ngoại khóa, không có điều kiện xả stress mà  các em lại đang ở độ tuổi lớn, tâm lý bất ổn, thành ra có những hành vi thiếu tự chủ.

Nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Trà Vinh) bị bạn đánh dã man

Về phần gia đình, tôi thấy rằng phần lớn các em mắc lỗi nằm trong trường hợp gia đình ly tán, bố mẹ không ở với nhau nên các em không được hưởng cuộc sống gia đình trọn vẹn, không được giáo dục một cách tích cực. Còn lại thì có trường hợp bố mẹ mắc công, mắc việc bận mưu sinh... bỏ bê con cái.

Những điều đơn giản như bữa cơm đoàn tụ gia đình vào mỗi ngày cũng không làm được… Từ đó, thiếu sâu sát đến con cái, gia đình không gắn kết sẽ càng khiến con em mình trở nên vô cảm.

Đáng buồn là những sự việc như thế lại đang là thực trạng chung của xã hội. Từ những nhân tố gia đình ấy sản sinh ra một loạt người sống tách biệt với cộng đồng, vô cảm trước đồng loại. Cứ nhìn con số được Bộ Y tế thống kê vừa qua, hơn 6 nghìn người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết thì thấy xã hội… bất ổn như thế nào.

Để hạn chế điều này theo PGS. Văn Như Cương thì tất cả chúng ta cần phải hành động ngay. Trước mắt cần có chế tài xử phạt đối với học sinh vi phạm.

Theo PGS thì kỷ luật nặng cũng là một hình thức giáo dục, để các em hiểu chứ không phải kỷ luật chỉ làm theo hình thức, rồi nương nhẹ để học sinh cứ tiếp tục mắc lỗi. Cần thiết thì phải cho các học sinh này vào trường giáo dưỡng một thời gian, tất nhiên thời gian này càng cần sự sát sao quan tâm của gia đình và xã hội tới các em.

Đánh bạn bằng cả một chồng ghế.

 

Mặt khác mọi người phải hiểu: Thanh thiếu niên là tài sản quý giá không chỉ của mỗi gia đình mà còn cả xã hội… Nếu không quan tâm, không đào tạo tầng lớp này thành những công dân tốt, những người tử tế, xa hơn là đào tạo được những con người sáng tạo thì làm sao đất nước chúng ta tiến lên được?.

Chúng ta cứ hô hào xây dựng kinh tế, nhà nhà, người người lao vào kiếm tiền… Thế nhưng, kiếm tiền để làm gì khi một bộ phận của thế hệ tương lai đang sống lệch lạc? Vậy nên, đây đang là một vấn đề nhức nhối mà theo PGS. Văn Như Cương thì cả xã hội và mỗi nhân tố là gia đình đều phải nhìn nhận lại.

Cuối cùng điều PGS. Văn Như Cương mong muốn và nhắn nhủ tới các em học sinh đã từng mắc lỗi rằng: Các em hãy nhớ rằng thế hệ trước đây là ông cha mình đã phải vất vả, thiếu thốn, hy sinh như thế nào? Vậy mà họ vẫn vươn lên để làm công việc lớn là bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước của chúng ta ra sao! Ngày hôm nay, khi các em được sống ở thời bình, có đủ điều kiện học tập… lẽ nào các em lại không làm được điều mà ông cha mình đã làm? Điều đó là hết sức vô lý!

 

Huyền Anh  (tổng hợp)

>>  [VIDEO] Nhóm nữ sinh lớp 7 đánh bạn u não, điếc tai?

>> MC Trấn Thành khóc khi xem clip nữ sinh Trà Vinh đánh nhau

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.