Nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ 2013: Nhiều tín hiệu mừng!

19:00 | 08/05/2013

1,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vừa qua, các Sở GD-ĐT phía Bắc đã tổ chức bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho các trường khu vực phía Bắc. Việc số lượng hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm nay giảm mạnh là một tín hiệu mừng cho ngành giáo dục, khi thí sinh đã biết cân nhắc và thực tế hơn trong việc chọn ngành, chọn trường.

>> Thi ĐH, CĐ khu vực phía Nam: Trường tỉnh lên ngôi

>> Thí sinh cân nhắc chọn trường, hồ sơ 'ảo' giảm mạnh

Giảm nhưng vui!

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay thống kê ban đầu của buổi bàn giao hồ sơ cho thấy lượng hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT) vào các trường ĐH phía Bắc năm 2013 giảm 10-20% so với năm 2012. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh các tỉnh lựa chọn các ĐH vùng, các trường "gần nhà" - hứa hẹn giảm chi phí học tập - lại gia tăng.

Số lượng hồ sơ ĐKDT ĐH năm nay giảm nhiều so với những năm trước.

Trong số 34.000 hồ sơ của thí sinh Hải Phòng thì 7.900 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Hải Phòng, 7.700 vào ĐH Hàng hải và 3.500 vào ĐH Y Hải Phòng. Có hơn 6.500 thí sinh Thanh Hóa chọn Trường ĐH Hồng Đức. 50% hồ sơ của tỉnh Bắc Kạn đăng ký vào ĐH vùng Thái Nguyên. Sơn La có 11.275 hồ sơ thì Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH Tây Bắc chiếm gần 1/2.

Sự thuận lợi trong điều kiện học tập gần nhà, tiết giảm chi phí sinh hoạt khi theo học 4- 5 năm ĐH đã khiến nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm hơn đến các trường ĐH đóng trên địa bàn thay cho việc khăn gói về Hà Nội để phải gánh những khoản chi phí đắt đỏ.

Thêm vào đó, số lượng học sinh nộp nhiều hồ sơ vào nhiều trường cũng không còn quá cao, chỉ có một vài trường hợp cá biệt nộp 5-6 hồ sơ để “chống trượt”. Điều này cho thấy công tác hướng nghiệp, tư vấn trong nhà trường đã phát huy được hiệu quả rõ rệt; đồng thời, công tác phân luồng học sinh cũng đã được thực hiện đồng bộ và bước đầu cho thấy ưu điểm rõ rệt.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, tình trạng khó khăn của nền kinh tế, mức thu học phí và lệ phí thi đều tăng... cũng khiến thí sinh thận trọng hơn trong việc nộp hồ sơ cũng như lựa chọn ngành học - theo hướng chọn trường vừa sức, tránh ngành học đã bão hòa về đầu ra. Ngay cả trên địa bàn Hà Nội, nơi có điều kiện học tập thuận lợi, thí sinh cũng thận trọng hơn với khối ngành kinh tế.

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, mặc dù vẫn nằm trong nhóm 18 trường được ưa chuộng nhất nhưng Trường ĐH Thương mại năm nay chỉ có 5.274 thí sinh Hà Nội đăng ký, bằng 65% so với năm 2012 (8.169 hồ sơ). Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ có 4.148 hồ sơ của Hà Nội, cũng chỉ bằng 65% năm ngoái. 

Dù hồ sơ giảm, nhưng các cán bộ tuyển sinh đều cho rằng “đây là dấu hiệu đáng mừng” vì thí sinh đã có trách nhiệm với quyết định của mình hơn, giảm số hồ sơ ảo, giảm cả số lượng học sinh quá kém vẫn cố bằng mọi giá thi ĐH thay cho con đường khác phù hợp hơn.

Tín hiệu mừng cho ngành khó tuyển

Trong đợt bàn giao và tiếp nhận hồ sơ năm nay, các trường ĐH-CĐ có điểm chuẩn không cao, chỉ tiêu lớn vẫn được coi là an toàn nên hút nhiều thí sinh. Đó là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đứng đầu về lượng hồ sơ ở rất nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc; ĐH Công đoàn có nhiều thí sinh Hà Nội đăng ký nhất và có thể kể thêm ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải...

Ngoài ra, lượng hồ sơ ĐKDT vào CĐ, các trường ngoài công lập, khối ngành kinh tế đều giảm rất mạnh. Thay vào đó, TS chọn thi khối ngành kỹ thuật, sư phạm, nông - lâm, y dược có xu hướng tăng, đặc biệt là sư phạm.

Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Hà Nội có 165.000 hồ sơ, tương đương năm 2012. Trong đó, TS dự tuyển vào trường ĐH Công đoàn đông nhất, tiếp đến là ĐH Công nghệ.

"Năm nay, khối kinh tế ổn định, lượng hồ sơ sư phạm tăng đáng kể, ĐH Sư phạm Hà Nội 1 có gần 7.000 hồ sơ, ĐH Sư phạm Hà Nội 2  gần 4.000 hồ sơ. Lượng hồ sơ ngành nông nghiệp tăng hơn năm ngoái, ngành sư phạm có khởi sắc, tăng 6 - 7% so với năm 2012" - ông Sự cho hay.

Thí sinh đã có thái độ "ưu ái" với ngành sư phạm.

Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường khoảng 15.000, tăng hơn 5.000 so với năm 2012. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nằm trong nhóm 10 trường được ưa chuộng của thí sinh Hà Nội, với 5.519 hồ sơ. 

Việc tăng số lượng HS ĐKDT vào ngành sư phạm cho thấy một tín hiệu đáng mừng. Đó là sẽ có nhiều lựa chọn để có được đầu vào của ngành chất lượng hơn, không còn tình trạng “chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Điều đó cũng cho thấy, thí sinh đã quay lại với ngành vốn được cho là cao quý nhưng lại không có nhiều người lựa chọn.

Nhưng bên cạnh đó cũng khiến không ít người băn khoăn. Không chỉ kinh tế mà giáo viên hiện nay cũng đang thừa rất nhiều, không chỉ ở đồng bằng mà cả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Liệu những giáo sinh tương lai sau này ra trường sẽ có việc làm đúng ngành mình đã chọn hay sẽ phải đi làm trái ngành?

Trước mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo về tình trạng sẽ dôi thừa lao động ngành sư phạm trong tương lai. Bài toán nhân lực sẽ còn cần nhiều giải pháp từ phía Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng, các chuyên gia tuyển sinh vẫn lo ngại trước tình trạng hiu hắt của khối C. Tỉnh Thanh Hóa chỉ có 5.302 hồ sơ đăng ký thi khối C (9%), Vĩnh Phúc chỉ có khoảng 1.800 hồ sơ (9,6%), tỉnh Bắc Giang có chưa đến 2.000 (8%). Tại Hà Nội, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa - 4,24%, tiếp tục giảm so với năm 2012 (4,54%).

Không chỉ báo hiệu thêm một mùa tuyển sinh ảm đạm của khối C, những thông tin ban đầu còn cho thấy các trường CĐ cũng sẽ rất chật vật vì thiếu nguồn tuyển, do lượng hồ sơ giảm sâu.

Điều này, một phần là do quy định thi liên thông lên ĐH, CĐ mới được áp dụng mà theo đó, thí sinh tốt nghiệp trường TC, CĐ chưa được 36 tháng, muốn liên thông lên bậc học cao hơn thì phải thi "3 chung". Bởi vậy, thí sinh có tâm lý né trường CĐ, chọn bậc ĐH để không phải thi liên thông.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.