Những "hạt sạn" của kỳ thi đại học 2014

12:36 | 14/07/2014

1,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những đổi mới không chỉ năm nay mà nhiều năm trước đây của Bộ GD-ÐT chỉ đi vào tiểu tiết mà không có những đổi mới mang tính "cách mạng". Ðiều này tiêu tốn nhiều công sức, tiền của, gây tâm lý nặng nề...

Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học vừa kết thúc. Kỳ thi năm nay được tiến hành với những bước đổi mới trong cách thức tổ chức nhằm từng bước tiếp cận gần hơn với kỳ thi quốc gia chung, sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Chỉ đổi mới… vụn vặt

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT), kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2014 có một số thay đổi. Trong đó, có 62 trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh khi xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh phù hợp quy định và được Bộ GD-ÐT xác nhận bằng văn bản. Ngoài ra, Bộ GD-ÐT vẫn tổ chức kỳ thi chung cho các trường như những năm trước đây.

Việc ra đề thi cũng được đổi mới theo định hướng kiểm tra năng lực chứ không theo hướng kiểm tra kiến thức như trước đây, tránh được tình trạng thí sinh phải học thuộc lòng. Ngoài ra, đề thi có thể ra phần tự chọn hoặc không, chứ không bắt buộc ra phần tự chọn như những năm trước.

Thí sinh tham dự kỳ thi đại học 2014

Ðáng chú ý, sau khi có kết quả thi của thí sinh tham gia kỳ thi chung, Bộ GD-ÐT xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh với ba hoặc bốn mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm ba môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, quyết định phương án điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, thực chất quy định này vẫn phải có “điểm sàn” không khác gì nhiều so với những năm trước, vẫn có nhiều mức điểm sàn cho các khối thi, chỉ khác ở cách dùng từ “ngưỡng tối thiếu” thay cho cụm từ “điểm sàn”.

Ngoài những đổi mới như trên, Bộ GD-ÐT cũng sửa đổi, bổ sung một số chính sách ưu tiên theo đối tượng; xét tuyển thẳng; khu vực ưu tiên... Những điểm mới đã phát huy được hiệu quả tích cực trong kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Bộ GD-ÐT thực hiện đổi mới một vài vấn đề trong kỳ thi, tuyển sinh ÐH, CÐ.

Nhiều năm trở lại đây, cứ đến kỳ thi, tuyển sinh là Bộ GD-ÐT lại đưa ra một số điểm mới. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ÐH, CÐ luôn phải "xoay như chong chóng" để đáp ứng những điểm mới của Bộ GD-ÐT.

Ðiển hình như việc bổ sung đối tượng ưu tiên của kỳ thi năm nay khiến cho tình trạng sai sót, khai thiếu và điều chỉnh trong ngày làm thủ tục diễn ra ở nhiều trường. Thêm vào đó, việc gần đến thời gian thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi mới có yêu cầu lập đề án tuyển sinh riêng khiến cho nhiều trường “vắt chân lên cổ” cũng chạy không kịp. Ðiều đó cho thấy, những đổi mới không chỉ năm nay mà nhiều năm trước đây của Bộ GD-ÐT chỉ đi vào tiểu tiết mà không có những đổi mới mang tính "cách mạng". Ðiều này tiêu tốn nhiều công sức, tiền của, gây tâm lý nặng nề trong thí sinh, phụ huynh, các trường ÐH, CÐ và toàn xã hội.

Đề thi gây nhiều băn khoăn

Ngay sau khi đề thi môn Địa (khối C, đợt 2) được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người băn khoăn "Đề thi hỏi về tình trạng lao động thất nghiệp và hướng giải quyết... thì đến đến các chuyên gia cũng không thể trả lời được". Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thí sinh có quan điểm chỉ ra những sai sót của Bộ GD-ĐT trong việc phân luồng học sinh và định hướng nghề nghiệp, liệu các thầy cô giáo có “dám” cho điểm?

Trao đổi về vấn đề đặt ra, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: "Trong câu hỏi về nguyên nhân lao động thất nghiệp, học sinh có thể viết về những điểm chưa được của Bộ GD-ĐT. Không có vùng cấm trong bài làm của thí sinh...".

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT)

Trước câu hỏi đề thi môn Vật lý có câu hỏi về đồng hồ đo điện, nhiều thí sinh vùng sâu vùng xa phản ánh chưa được tiếp xúc với loại đồng hồ này, ông Mai Văn Trinh khẳng định thiết bị đồng hồ đo điện kế thuộc danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các trường phổ thông. Về nguyên tắc, các trường phải mua sắm thiết bị theo danh mục này. Bài về đồng hồ đo điện học sinh cũng đã được học trong chương trình lớp 12. Theo chương trình, các trường phải dạy cho các em đo từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Vì vậy, câu hỏi về nội dung này không nằm ngoài chương trình và sách giáo khoa (SGK).

Với câu hỏi về ASEAN trong đề Lịch sử, ông Trinh nhấn mạnh câu hỏi này không quá sức thí sinh. “Trong chương trình các em có được học về ASEAN. Đề thi bám sát SGK. Với những mục tiêu, đối tượng khác nhau có cách tiếp cận khác nhau. Vì vậy, đáp án chỉ yêu cầu các em trả lời theo kiến thức chương trình phổ thông, chứ không yêu cầu các em có kiến thức như một chuyên gia. Đề thi mở nên đáp án cũng mở, nhưng học sinh phải truyền tải được nội dung cơ bản, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những em nào thể hiện được sáng tạo hơn thì sẽ đạt được điểm cao”.

Khánh An