Khi nhà xuất bản “quỵt” tiền bản quyền

07:04 | 29/10/2014

2,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ câu chuyện đổi mới sách giáo khoa (SGK), nhiều người giật mình khi biết thông tin hàng chục năm qua, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã in vài chục triệu quyển SGK và chuyện kinh doanh SGK được cho là siêu lợi nhuận. Thế nhưng, có vấn đề cũ tồn tại hàng chục năm nay, đó là các tác giả có tác phẩm được in trong SGK hầu như không được nhận tiền bản quyền hoặc nhuận bút; như vậy cũng có nghĩa, trong những năm qua, những cuốn SGK được sử dụng trong nhà trường đều là đồ… dùng chùa!

Năng lượng Mới số 369

Nhiều quá hóa… quỵt?

Ngày 24-9 vừa qua, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi công văn tới Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Xuất bản thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông để xin ý kiến về cách tính tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả cho các tác giả có tác phẩm in trong bộ sách Tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 12.

Nghị định 18/2014/NĐ-CP ban hành ngày 14-3-2014 quy định, công thức áp dụng mức thu tiền nhuận bút cho các tác giả thơ là 12-17% (mục 3 nhóm I), văn xuôi là 8-17% (mục 1 nhóm I) nhân với số lượng sách in và giá bán lẻ. Với các tác phẩm tái bản, cũng được nhận mức nhuận bút 50-100% mức nhuận bút ban đầu. Căn cứ vào số lượng in (ghi trên bìa) thì riêng bộ sách Ngữ văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 đã có doanh thu 40,4 tỉ đồng. Vậy số tiền phải trả tiền tác quyền xuất bản lần đầu là 4 tỉ (tương đương 10%). Thế nhưng, con số sẽ trở nên khổng lồ nếu nhân với lần tái bản. Ví dụ sách Tiếng Việt 1, tập 2 in 400.000 bản, tái bản tới 12 lần, sách Ngữ văn 7 tập 1 in 200.000 bản, tái bản 12 lần… Vì thế tiền bản quyền tác giả lên tới… 19,7 tỉ đồng, cộng với 4 tỉ đồng tiền xuất bản lần đầu sẽ cho con số hơn 1 triệu USD.

Khi nhà xuất bản “quỵt” tiền bản quyền

Những đoạn trích, tác phẩm bị “dùng chùa” trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 - tập 2 (NXB Giáo dục)

Phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Đỗ Hàn thống kê được rằng, có trên 500 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn, chưa tính tới sách tham khảo. Đến tháng 8-2014, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Giáo dục Việt Nam mới đi đến thỏa thuận về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK từ năm 2014. Áp dụng Nghị định 18/2014/NĐ-CP về nhuận bút, chỉ tính riêng trong năm 2014, số tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả cho các tác giả đã là 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phía NXB Giáo dục lại giải thích, ngày 29-6, NXB đã có Công văn số 1509 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo và xin ý kiến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc chi phí nhuận bút SGK và mức chi trả tiền tác quyền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK.

Trong văn bản này, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Vũ Văn Hùng cho biết, dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực nhưng tại thời điểm biên soạn (từ 2002-2008), NXB này đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn. Báo cáo nêu: “Tùy thuộc vào mức độ trích sử dụng, NXB Giáo dục trả 100.000-250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích và sách biếu (mức trả được áp dụng tùy theo việc trích dẫn: vài câu thơ, khổ thơ hay đoạn văn. Mức cao nhất không vượt quá tiền nhuận bút biên soạn bài học đó)”.

Hóa ra NXB Giáo dục tính toán như sau: Tiền nhuận bút 1 cuốn SGK mới = số tiết học x 30-140% tiền lương tối thiểu; Tiền nhuận bút SGK tái bản = 25% nhuận bút sách mới.

Tuy nhiên, 99% tác giả được hỏi đều trả lời chưa nhận được tiền nhuận bút từ NXB Giáo dục. Duy nhất có tác giả Lê Minh Khuê xác nhận đã nhận tiền nhuận bút từ NXB Giáo dục. “Các tác giả không đi đòi vì ngại, vì bận rộn hoặc vì không để ý, trong khi VLCC lại không được ủy thác thu tiền bản quyền nên tiền bản quyền SGK lâu nay vẫn là câu chuyện ít được đề cập” - bà Thủy nói.

Như vậy, trên thực tế, số tiền để chi trả bản quyền cho các tác giả là bao nhiêu, khoản tiền nay đi về đâu hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Ngoài ra, theo các chuyên gia làm sách thì số lượng bản in ghi trên bìa sách kém xa so với thực tế và nhu cầu của học sinh cũng là để giảm tiền thù lao làm sách cho các tác giả tham gia biên soạn.

Không thể “ăn cắp bản quyền”

Xung quanh việc NXB Giáo dục in SGK vi phạm tác quyền, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khá bức xúc: “Bản thân tôi làm ở Hội Nhà văn nhưng chỉ khi một phụ huynh học sinh gọi điện hỏi về tác phẩm in trong sách, chắc để giảng văn cho con, thì tôi mới biết là mình có tên trong SGK. Tất nhiên, tôi đâu có được hỏi ý kiến, cũng chẳng có lấy một đồng nhuận bút, thậm chí không cả sách biếu”.

Ông Thiều cho biết: “Năm 2013, Hội Nhà văn có ký với Bộ GD&ĐT một văn bản, trong đó có quy định về việc phải trả tiền bản quyền cho các tác giả và đơn vị trực tiếp thực thi là NXB Giáo dục. Quan điểm của tôi là ngay cả SGK phát hành miễn phí đi chăng nữa thì cũng không được sử dụng tác phẩm nếu tác giả không đồng ý xuất bản. Việc thực hiện quyền tác giả không chỉ vì lợi ích của chính tác giả mà quan trọng hơn đó là đã đến lúc chúng ta phải có thói quen sống là làm việc theo pháp luật. Những ý kiến, quan điểm cho rằng vì sự nghiệp chung, theo tôi chỉ là ngụy biện và là quan điểm sai lầm”. 

Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ cũng khẳng định: “SGK là bộ sách chính thống, định hướng kiến thức và hiểu biết cho học sinh, cho giới trẻ; vì thế không thể biến nó trở thành một dạng xuất bản phẩm ăn cắp bản quyền. Tôi cũng cho rằng không có phụ huynh nào mong muốn con em mình sử dụng những cuốn sách mà những tác giả góp phần tạo nên nó không được đối xử một cách đúng mực”.

NXB vì nhiều lý do không trả tiền tác quyền, tác giả vì bận rộn, không để ý (vì chưa chắc đã biết mình có nhuận bút) hoặc đơn giản vì… ngại, trong khi Trung tâm Bảo vệ tác quyền lại không được ủy thác nên câu chuyện nhuận bút vẫn luẩn quẩn và đơn vị có lợi là… NXB Giáo dục. Một vấn đề khác, lẽ ra khi sử dụng hoặc tái bản, NXB phải chủ động tìm tới tác giả để xin phép và bàn về vấn đề bản quyền chứ không phải sách cứ in, cứ bán và các tác giả phải đuổi theo để đòi tiền.

Mặc dù có ý kiến cho rằng, SGK nhằm phục vụ công chúng chứ không phải nhằm mục đích thương mại. Nếu SGK cũng phải trả tiền tác quyền như các loại xuất bản phẩm khác thì giá SGK sẽ bị đội lên và người chịu thiệt sẽ là công chúng, tức là học sinh. Thế nhưng, thực tế thì hằng năm, phụ huynh vẫn phải bỏ ra khoảng 1.000 tỉ đồng mua SGK và chắc chắn họ không ngần ngại khi bỏ ra một số tiền xứng đáng cho các cuốn SGK được đảm bảo về mặt chất lượng và cả vấn đề bản quyền. Trong khi tình trạng đạo văn, sách lậu… đang tràn lan, chắc hẳn không phụ huynh nào hài lòng khi biết con em mình đang phải sử dụng những cuốn SGK “ăn cắp bản quyền”.

Được biết, trong đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông đang trình Quốc hội, kinh phí dự toán để soạn chương trình SGK là 100 tỉ đồng. Nhưng chính con số này chỉ dành cho những đơn vị, cá nhân tham gia biên soạn chứ không có khoản nào liên quan đến bản quyền trả cho các tác giả.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: “Trong lần đổi mới chương trình, SGK sắp tới (bắt đầu từ đầu năm 2015), dứt khoát phải xin phép và chỉ được in SGK khi có sự cho phép của tác giả (hoặc gia đình tác giả) để thể hiện sự trân trọng. NXB phải đứng ra để trả một phần nhuận bút cho tác giả đó. Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra quy chế về điều này, còn thực hiện là các NXB làm việc trực tiếp với tác giả”.

Đó là động thái hết sức tích cực từ phía Bộ GD&ĐT nhằm bảo vệ quyền tác giả trong công tác biên soạn SGK, thế nhưng đó là chuyện tương lai, còn những tác giả đã được NXB Giáo dục sử dụng tác phẩm “chùa” trong hàng chục năm qua thì có lẽ vẫn đau đáu chờ một lời cảm ơn và tri ân từ phía NXB.

Khánh An