Đừng để tương lai là một "khẩu đại bác"!

07:00 | 10/04/2013

1,231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Có lẽ không hề nói ngoa khi cho rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay là một nền giáo dục “ứng thí”, nghĩa là thi gì học nấy, không thi, không có ích lợi gì thì… xé!

>> Học sinh xé đề cương Lịch sử: Lỗi của cả hệ thống giáo dục!

>> Bi kịch 'lịch sử' của ngành giáo dục!

>> Các nhà giáo dục lên tiếng về nỗi đau 'xé đề cương môn Sử'

>> TỪ VIỆC BỎ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ?

Học đối phó, thi cũng đối phó

Sự việc hàng trăm học sinh của trường THPT Nguyễn Hiền (Q11, TP HCM) xé đề cương môn Lịch sử để “ăn mừng” sau khi Bộ GD-ĐT loại môn này ra khỏi danh sách các môn thi tốt nghiệp đã khiến dư luận nói chung và các nhà giáo dục giật mình đau xót. Phải chăng nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước những hành động mà Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng chỉ là “hành động bộc phát, vui chơi quá trớn của học sinh”?

Thay vì nghiêm túc nhìn nhận và chịu trách nhiệm thì Ban giám hiệu lại xuê xoa bỏ qua, mặc kệ và bao che cho những hành động của học sinh. “Con hư tại mẹ”, học sinh làm sai thì một phần lỗi của chính các thầy, cô giáo! Bao che như vậy, chẳng khác nào đang cố tình cổ súy cho việc học đối phó và thi cũng đối phó trong nền giáo dục “ứng thí tạm thời” hiện nay?

Thạc sĩ quản lý giáo dục Võ Văn Dũng: "Đây là “giọt nước tràn ly”.

Đã mấy năm nay, khi Bộ GD-ĐT đưa môn Sử vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT, dư luận đã bàng hoàng và thất vọng trước việc học sinh của chúng ta quá “dốt”, thậm chí “mù tịt” về lịch sử. Cụ thể, năm 2011 là năm mà điểm thi đại học môn Lịch sử được xem là “thấp kỷ lục” với hàng ngàn điểm 0. Ở hệ THPT cũng không mấy khả quan khi tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình thấp nhất trong các môn thi với 72,91%. Tình hình này kéo đến năm 2012, điểm 0 thi đại học môn Sử vẫn còn tràn lan.

GS sử học Phan Huy Lê đã từng chua xót nhận định: “Hiện nay lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong nhà trường phổ thông. Vì là môn phụ nên lịch sử không phải môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm, có năm thi, có năm không thi. Năm nào không thi thì không chỉ học sinh muốn “xả hơi”, mà các trường cũng tổ chức học dồn để dành thời gian cho học sinh học môn khác. Thầy cô giáo dạy lịch sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô giáo môn khác, có khi là giáo viên dạy thể dục chẳng hiểu gì về lịch sử. Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh”.

Tư duy “học để thi” hằn sâu trong tâm thức mỗi học trò hiện nay dẫn tới một nền giáo dục nặng ứng thí, học lệch, thi lệch và dẫn tới việc có những con người lệch lạc. Và chính việc coi thường môn Sử dẫn tới một hệ quả là học sinh không còn hứng thú với khối C, với những môn khoa học xã hội nhân văn và dẫn tới tình trạng mất cân bằng nguồn nhân lực.

Thạc sĩ quản lý giáo dục Võ Văn Dũng đã nhận xét: “Chưa bao giờ, môn Sử lại bị “xem thường” đến như thế này, qua sự kiện học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TPHCM xé đề cương môn Lịch sử. Là một người học sư phạm, từng có công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực giáo dục, cảm giác của tôi là chua xót. Có lẽ, đây là “giọt nước tràn ly”, để chúng ta xem lại giáo dục của chính mình một cách tổng thể, toàn diện và triệt để hơn. Cách dạy Sử đang có vấn đề chăng? Chắc chắn là học sinh (ở đây là trường Nguyễn Hiền) không thích học Sử, hoặc nếu học, cũng chỉ vì phải học để thi tốt nghiệp, nên mới có chuyện khi biết không phải thi thì chẳng cần học nữa”.

Đừng để tương lai là “khẩu đại bác”!

Chuyện môn Lịch sử trong nhà trường có lẽ đã là câu chuyện “khổ lắm, nói mãi” của ngành giáo dục. Bao hội thảo, tập huấn rồi đề án, chính sách, thế nhưng vẫn không thể thay đổi được thái độ học tập của học sinh, có lẽ cũng bởi chính các nhà hoạch định chính sách giáo dục không có thái độ đúng đắn với lịch sử.

Lịch sử là một tài sản vô giá mà ông cha để lại và nó là một hành trang không thể thiếu trong quá trình phát triển của con người. Tuy nhiên trong xã hội bây giờ, vai trò của môn học Lịch sử dần trở nên yếu thế, trong khi con người trở nên thực dụng và quan tâm đến kinh tế, ngân hàng nhiều hơn là những giá tri văn hóa, thì việc học Sử một cách thụ động như chúng ta đang làm đã vô hình trung tạo thành sức ép cho học sinh.

GS Phan Huy Lê cũng đã từng khẳng định: “Hiểu được lịch sử, biết được lịch sử mới có thể tự hào về dân tộc, tổ quốc mình. Coi nhẹ môn Lịch sử thì không có nhận thức về truyền thống dân tộc và từ đó ý thức chính trị trong giới trẻ cũng mất đi”.

Đừng để tình yêu nước bị xé tan hoang như những mảnh đề cương Lịch sử.

Khi xuất hiện hàng nghìn điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vài năm trước đây, nhiều người đã lên tiếng về việc nên chăng đưa môn Lịch sử trở thành môn thi cố định của các kỳ tốt nghiệp. Và sự thật cũng chỉ ra, mặc dù vài năm vừa qua, học sinh vẫn phải thi Sử, nhưng kiến thức lịch sử và điểm thi vẫn quá thấp; thế nhưng năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn kiên quyết “gạt” Lịch sử khỏi danh sách thi tốt nghiệp chỉ với lý do “bốc thăm không trúng”.

Làm sao có thể đòi hỏi học sinh yêu sử, thích sử trong khi chính các thầy, các cô còn chán ngán, còn mệt mỏi và chỉ chăm chăm “loại” nó ra khỏi những môn thi bắt buộc? Làm sao học sinh có thể quan tâm tới môn sử khi chúng không “hot” bằng kinh tế, ngân hàng? Và học sinh cũng chẳng thể chú ý nhiều tới môn học chỉ học và thi để “đối phó”?

Để học sinh chán ghét, thậm chí “xé” tài liệu môn Lịch sử như trường hợp học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, trách nhiệm thuộc về chính các thầy cô bởi đã không tạo cho học sinh hứng thú và thái độ tôn trọng đối với môn học nói riêng và lịch sử nói chung. Vì thế, muốn thay đổi tình trạng này, trước hết các nhà giáo dục cần thay đổi thái độ và cách thức giảng dạy môn lịch sử, cần coi đó là môn học “chính”, dành thời gian nhiều hơn để học sinh nghiên cứu, tìm tòi; từ đó mới khiến học sinh quan tâm và tự hào về chính đất nước mình.

Nhà thơ Rasul Gamzatovich Gamzatov đã từng có câu nói: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác" và điều này áp dụng vào nền giáo dục Việt Nam có lẽ không hề sai. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục coi nhẹ những giá trị lịch sử, đẩy những “chủ nhân tương lai” vào một nền giáo dục lệch lạc, thực dụng và coi trọng vật chất, thì tương lai của chúng ta chỉ còn là một màu xám nhờ của tiền bạc...

Vương Tâm