Đột phá thi cử: Tiến tới kỳ thi “hai trong một”

07:00 | 25/07/2014

799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) 2014, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã khẳng định sẽ tiếp tục phân tích kỳ thi năm nay một cách toàn diện để có những bước điều chỉnh, đổi mới hợp lý. Những đổi mới này nằm trong lộ trình thi và kiểm tra, đánh giá, để có một kỳ thi chung công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các trường ÐH, CÐ, dạy nghề sử dụng trong tuyển sinh.

Năng lượng Mới số 341

“Xóa sổ” kỳ thi nặng nề, hình thức

Theo nhận định của ban soạn thảo đề án “Ðổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT”, kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ÐH, CÐ vẫn cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, chưa hiệu quả, gây bức xúc cho xã hội, trong khi đó thời gian tổ chức thi lại quá gần khiến dư luận bức xúc.

Phương án sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển ÐH, CÐ từng được đặt ra nhưng không thực hiện được, chủ yếu do phía các trường ÐH, CÐ cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể lấy làm căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh. Kết quả thi còn bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan, cảm tính, nhất là đối với các môn khoa học xã hội, tình trạng gian lận thi cử còn phổ biến, cách thức thi mới chỉ kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức và ít kiểm tra được năng lực vận dụng kiến thức của học sinh. Trong khi đó, việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ chỉ căn cứ duy nhất vào điểm thi, chưa công bằng đối với người học.

Đột phá thi cử: Tiến tới kỳ thi “hai trong một”

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014

Vì thế, theo ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ÐT), thì việc đổi mới đột phá trong thi cử sẽ kết hợp đánh giá trong quá trình học tập và kết quả thi cuối cấp để công nhận người học đã hoàn thành tốt nghiệp THPT. Thậm chí, học sinh học xong môn nào (trong môn học tự lựa chọn), sẽ đánh giá luôn kết quả có đạt chuẩn đầu ra môn học đó không. Còn kỳ thi cuối cấp sẽ chỉ tổ chức thi hai môn văn, toán hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp của nhiều môn học để giải quyết một vấn đề, theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên.

Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, với cách thức đánh giá việc hoàn thành chương trình THPT như trên, các trường ÐH, CÐ có thể tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Như vậy, nếu phương án trên được thực thi thì sẽ không còn hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ như hiện nay mà chỉ có một kỳ thi đáp ứng hai mục đích. Cùng với việc đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ÐT cũng chủ trương sẽ đổi mới mạnh mẽ cách ra đề thi, nội dung đề thi với yêu cầu vận dụng, thực hành kiến thức nhằm kiểm tra năng lực của người học.

Tuy nhiên, trước quyết tâm đổi mới đột phá của Bộ GD&ÐT, đa số các trường ÐH công lập vẫn lưu luyến kỳ thi “3 chung” và chưa muốn tuyển sinh riêng theo dự thảo của Bộ. Ông Ðặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường CÐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cho biết, hiện trường này chưa có phương án đổi mới tuyển sinh. Ông nói: “Nếu Bộ GD&ÐT yêu cầu phải có đề án thì chúng tôi sẽ làm. Tuy nhiên, trước mắt Bộ vẫn tổ chức thi “3 chung” thì trường vẫn tuyển sinh theo phương án này”.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường ÐH Vinh Ðinh Xuân Khoa nhận định rằng, qua thực tiễn tuyển sinh của trường cho thấy kỳ thi ÐH “3 chung” rất hiệu quả. Thi ÐH “3 chung” đảm bảo sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề, đồng thời tạo ra mặt bằng để chất lượng giáo dục ÐH được nâng lên cùng lúc, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Tuy nhiên, khi các trường ÐH bắt buộc phải tự chủ tuyển sinh, Trường ÐH Vinh sẽ có đề án tuyển sinh riêng.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ 2014, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, từ những kết quả bước đầu trong đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ÐT đang xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ. Dự tính, đề án sẽ sớm được đưa ra tham khảo dư luận trong thời gian tới. Mục đích của kỳ thi này là bên cạnh việc xét tốt nghiệp THPT, kết quả sẽ được dùng như dữ liệu cho các trường ÐH, CÐ phục vụ cho công tác tuyển sinh, xét tuyển. Việc xây dựng đề án quốc gia và đề án tuyển sinh riêng của các trường không có gì mâu thuẫn với nhau, không tước đi quyền tự chủ của các trường. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thi riêng hay thi chung, chất lượng của đầu vào vẫn là yếu tố đầu tiên chúng ta cần xem xét”.

Cho đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD&ÐT vẫn đang xây dựng đề án tuyển sinh chung theo chỉ đạo của Chính phủ, trong khi yêu cầu đặt ra trước đó là trong quý III/2014 phải hoàn thành. Theo lộ trình, Bộ sẽ công bố dự thảo, sau đó lấy ý kiến công luận, khi nào nhận được nhiều sự đồng tình thì báo cáo Chính phủ quyết định. Cho tới thời điểm này chưa thể nói chính xác ngày nào công bố dự thảo nhưng lãnh đạo Bộ GD&ÐT khẳng định mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình.

Sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia chung từ 2015

Trước yêu cầu cấp thiết về việc tổ chức một kỳ thi đáp ứng “hai mục đích”, ngày 16-7 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ÐT về phương án đối mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã yêu cầu Bộ GD&ÐT xem xét phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi ÐH, CÐ theo hướng chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015. Từ những yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ GD&ÐT đề xuất hướng sẽ thi 8 môn trong 4 ngày, trong đó, thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Ngoài ra học sinh thích thi thêm các môn khác để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ÐH thì có thể đăng ký thi thêm.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam không đồng tình về cách làm này và đề xuất quan điểm nên tổ chức kỳ thi theo hướng tổng hợp - tích hợp. Nghĩa là, thay vì tổ chức thi tám môn trải dài trong 8 buổi thì nên tổ chức thi bốn bài thi trong 4 buổi thi. Trước mắt, do năng lực của đội ngũ làm đề chưa đáp ứng được yêu cầu ra đề thi tích hợp các môn học thì việc ra đề có thể theo hướng tổng hợp (theo lĩnh vực). Cụ thể, có thể chia thành 4 nhóm ví dụ: Toán - Tư duy logic - Công nghệ thông tin; Văn - Xã hội (bao gồm Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân); Ngoại ngữ; Sinh học - Vật lý - Hóa học. Như vậy, nội dung đề thi không chỉ nằm trong phạm vi 8 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Ðịa, Ngoại ngữ mà còn có thể bao trùm các môn học khác mà học sinh được học ở lớp 12 và cấp THPT như Giáo dục Công dân, Tin học…

Từ đó, các trường ÐH, CÐ sẽ căn cứ vào kết quả thi để xét tuyển. Nếu trường nào có yêu cầu cao hơn thì căn cứ vào kết quả đó để sơ tuyển rồi có thể tổ chức thi tuyển tiếp nhưng tự các trường triển khai. Tuy nhiên, không được tổ chức thi đồng loạt trong mấy đợt như hiện nay mà phải thi rải ra.

Trước đó, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014, do Bộ GD&ÐT tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã yêu cầu ngành giáo dục xem xét phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa các thí sinh đủ năng lực vào bậc học ÐH, CÐ.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đang trao đổi, tính toán, tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng để đưa ra phương án về một kỳ thi quốc gia chung được đông đảo xã hội chấp nhận.

Khánh An

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.