ĐH Hoa Sen giữ vững triết lý giáo dục “phi lợi nhuận”

10:45 | 06/08/2014

1,361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là khẳng định của TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen trong buổi gặp gỡ với báo chí chiều ngày 4/8/2014 tại TP HCM sau đại hội cổ đông bất thường do một nhóm cổ đông tổ chức trước đó hai ngày (2/8).

Trước cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 4/8, trong thư gửi sinh viên (SV) trường ĐH Hoa Sen, bà Bùi Trân Phượng nêu rõ, đối với những thông tin có nội dung vu khống và bôi nhọ Hiệu trưởng, đòi cách chức Hiệu trường từ các báo cáo và thư yêu cầu của một nhóm cổ đông thì Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) đã kết luận: những cáo buộc của một nhóm cổ đông (tự xưng là chiếm tỷ lệ 30%) không có đủ chứng lý. HĐQT và BKS đã có công văn trả lời chính thức cho nhóm cổ đông này. Tuy nhiên, họ vẫn không đồng ý và triệu tập ĐH Cổ đông bất thường vào ngày 2/8/2014.

Theo văn kiện chính thức của nhóm cổ đông, Đại hội này nhằm bãi nhiệm toàn bộ HĐQT, BKS và Ban giám hiệu (BGH). Trước tình hình này, BGH vẫn kiên trì và kiên quyết bảo vệ lẽ phải để thực hiện mục tiêu của trường từ khi thành lập, cụ thể là: Giữ vững triết lý đào tạo với những giá trị cốt lõi để: “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” như các em từng chia sẻ; duy trì tính chất phi lợi nhuận theo cơ chế của một ĐH tư thục; tập trung cho việc đảm bảo quyền lợi học tập, sinh hoạt, hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp cho các em như trường đã thực hiện trong 20 năm qua.

Chiều 4/8, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, TS Bùi Trân Phượng tiếp tục khẳng định và nói rõ hơn về mục tiêu giáo dục phi lợi nhuận: "Chúng ta phải hiểu rằng đầu tư trong giáo dục là đầu tư lâu dài, trong sự hài hòa các lợi ích phải tính tới lợi ích cổ đông và lợi ích của sinh viên, giảng viên, cán bộ công nhân viên, của cộng đồng xã hội… thì mới tồn tại lâu dài, bền vững. Còn nếu chỉ cực đoan một phía, hoặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoặc ảnh hưởng đến những yếu tố khác. Đầu tư cho giáo dục không phải chuyện ngày một ngày hai mà phải hài hòa, với một quan niệm đúng đắn về giáo dục, không “ăn xổi ở thì” trong giáo dục được”.

Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng trả lời câu hỏi của báo chí (ảnh: Thanh Thanh)

Cuộc gặp gỡ do Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát đương nhiệm trường ĐH Hoa Sen tổ chức. Chủ tọa gồm: ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT (chủ trì), bà Bùi Trân Phượng, Phó chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng và ông Đỗ Sỹ Cường, thành viên HĐQT. Cuộc gặp gỡ nhằm cung cấp những thông tin chính thức, chính thống của HĐQT, BKS và BGH đương nhiệm về diễn biến đang diễn ra tại trường Hoa Sen. Đặc biệt là “nói lại cho rõ” về những điều bất hợp pháp của đại hội đồng cổ đông do nhóm cổ đông chiếm 30% cổ phần tổ chức trước đó hai ngày.  

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc sinh viên trường ĐH Hoa Sen hoang mang lo lắng. Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng xác nhận đây là sự thật, đồng thời chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã nhận những thông tin từ sinh viên qua nhiều kênh khác nhau. Chúng tôi coi việc lắng nghe, tiếp nhận và trả lời sinh viên là một điều rất quan trọng. Chúng tôi hiểu sinh viên đang lo lắng cho nhà trường, lo cho tương lai học hành của các em nên có quyền tự hỏi nếu kết quả của Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 2/8 được phê duyệt thì chuyện gì sẽ xảy ra”.

Khi các phóng viên đề cập đến vấn đề giáo dục phi lợi nhuận, bà Bùi Trân Phượng giải đáp: Khi thành lập hội đồng cổ đông của Hoa Sen, chúng tôi được phép của UBND TP HCM có 61% dành cho công nhân viên nhà trường và giảng viên – tức đội ngũ làm giáo dục. Còn lại được chia cho năm nhà đầu tư chiến lược, mới đến cá nhân. Cơ cấu đó đã bị phá vỡ hoàn toàn trong quá trình Hoa Sen phát triển, cũng giống các trường khác. Bởi, cổ phần sẽ được tự do chuyển nhượng sau ba năm. Đến nay, các tổ chức và cá nhân chiếm đến 50%, trong đó công nhân viên chỉ chiếm 16,8%.

Xin nói rõ lại, định hướng phi lợi nhuận có ở trường Hoa Sen từ ngày đầu thành lập trường năm 1991. Chỉ từ khi trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen được nâng cấp thành trường đại học thì mới chịu sự chi phối các quy định pháp luật về đại học tư, ứng vào thời điểm Hoa Sen làm hồ sơ nâng cấp từ trường cao đẳng bán công Hoa Sen lên đại học bán công Hoa Sen, chúng tôi còn giữ đề án đó.

Đến năm 2012, khi Luật Giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, tiếp theo đó là Nghị định 141 (có hiệu lực tháng 12/2013). Trong đó có hai ý quan trọng thay đổi điều kiện hoạt động của các trường phi lợi nhuận một cách rõ ràng.

Bà Bùi Trân Phượng nhấn mạnh: Thực ra Hoa Sen không thay đổi mà pháp luật thay đổi. Trong Nghị định 05, Nhà nước dùng cụm từ “phi lợi nhuận”, chúng tôi phải dùng theo. Mặc dù trong tài liệu nội bộ bấy giờ chúng tôi dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” hay “không vì mục tiêu lợi nhuận”. Do văn bản pháp luật quy định như vậy nên chúng tôi phải dùng cụm từ “phi lợi nhuận” trong quy chế tổ chức hoạt động của mình. Theo quan điểm của chúng tôi, đó chỉ là sự thay đổi về thuật ngữ, còn khái niệm cũng chỉ là một loại hình đào tạo mà thôi.

Nói về vấn đề chia cổ tức theo quy định của pháp luật thì bà Bùi Trân Phượng giải thích: Nếu chúng tôi có cam kết và thỏa thuận với nhau, thì sẽ cam kết mức chia cổ tức thấp chứ không phải cao. Vì, khi đã ghi trong quy chế hoạt động là phi lợi nhuận thì biểu hiện lúc bấy giờ là sự thể hiện cổ tức bằng tiền mặt thấp. Do vậy, cổ tức bằng tiền mặt mọi năm đều thấp. Riêng trong dịp đại hội cổ đông năm 2013, mức cổ tức cao hơn bởi mọi người đều biết rằng đó là lần cuối được tranh luận, thương lượng và quyết định về cổ tức mà không bị mức trần nào giới hạn…

Như vậy, những gì đang diễn ra tại ĐH tư thục Hoa Sen xét cho cùng chỉ xoay quanh hai vấn đề cơ bản của đại học tư thục ở nước ta hiện nay: vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Hai vấn đề này đang là bài toán mà các trường đại học tư thục khác phải giải quyết trên con đường phát triển của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên dùng từ đại học “bất vụ lợi” thì phù hợp hơn cụm từ “phi lợi nhuận”?

Thiên Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.