Đại học Việt Nam đang ở đâu? (Kỳ cuối)

07:00 | 30/08/2014

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay mọi người thường nói về thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Theo tôi phải nói cho cho chính xác và đúng bản chất là “thiếu thầy, thiếu thợ” hoặc “thừa loại nửa thầy nửa thợ và thiếu thợ” theo đúng nghĩa của từ thầy và thợ.

Năng lượng Mới số 351

>> Đại học Việt Nam đang ở đâu (Kỳ I)

Kỳ cuối: Cái áo không làm nên thầy tu

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ độ tuổi 15-24 tăng nhanh, quý I/2014 đã có 504.000 người trong lứa tuổi này thất nghiệp, tăng 54.400 người so với quý IV/2013, trong đó người trong độ tuổi 20-24 có trình độ Ðại học trở lên thất nghiệp, khoảng hơn 100.000 người.

Những con số trên cho thấy thực trạng chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Trên tất cả các diễn đàn chúng ta đều được nghe nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, đào tạo nguồn lực có trình độ cao là yếu tố liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song với thực trạng giáo dục đại học như hiện nay thì khó có thể lấy lợi thế con người của chúng ta để cạnh tranh với các nước trong một thế giới hội nhập sâu, rộng như hiện nay, nếu không muốn nói là chúng ta ngày càng tụt hậu nếu không có một sự cải cách, đổi mới toàn diện nền giáo dục đại học nước nhà.

Ðương nhiên các nhà hoạch định chính sách, những người làm giáo dục cũng đã thấy được thực trạng trên và đang tìm các giải pháp khắc phục, nhưng theo thiển ý của người viết bài này, có thể làm ngay những việc sau:

Trước hết Bộ Giáo dục & Ðào tạo phải tiến hành rà soát một cách nghiêm túc hệ thống các trường đại học kể cả công lập và ngoài công lập, xem các các điều kiện bắt buộc có đảm bảo hay không, đặc biệt là tỷ lệ giữa giảng viên và sinh viên, trình độ của giảng viên, cùng với những điều kiện khác và nhất là các trường dân lập, tư thục, nếu không đủ điều kiện thì sẽ rút giấy phép, không cho hoạt động, không để mỗi năm hàng chục vạn sinh viên ra trường dở ông dở thằng không làm được việc và tiêu tốn của hàng vạn gia đình một số tiền không nhỏ, trong đó không ít ra đình khánh kiệt, nợ nần vì giấc mơ có một tấm bằng đại học cho con.    

Chúng ta quyết liệt với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng những tấm bằng đại học kém giá trị đi kèm là những cử nhân “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ” thì dường như không thể quy trách nhiệm cho ai? Một sản phẩm công nghiệp phế phẩm thì có thể vứt bỏ, tái chế, còn hàng vạn cử nhân tốt nghiệp đại học lơ ngơ như “bò đội nón” không làm được việc, thiếu kỹ năng sống, thậm chí xin làm công nhân không đắt thì quả là một sự lãng phí ghê gớm và cũng để lại hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Vấn đề thứ hai là, trong khi chất lượng đại học yếu kém như hiện nay, phải cân nhắc và xem xét một cách kỹ lưỡng, hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường đại học, cao đẳng.

Đại học Việt Nam đang ở đâu? (Kỳ cuối)

Có những trường vốn chỉ là trung cấp, hoặc một trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của một bộ, ngành nhưng chỉ trong vòng mấy năm đã nâng đời thành đại học, rồi học viện.

Cái áo không làm nên thầy tu, nhưng ở Việt Nam bệnh chuộng hình thức trong hệ thống giáo dục là thiếu thuốc chữa. Không đâu như ở ta mà có nhiều đại học, học viện đến thế. Chưa nói ở Trung ương, rất nhiều bộ, ngành có học viện, kể cả các tổ chức hội, đoàn cũng có học viện mà lẽ ra chỉ cần là một trung tâm bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ của tổ chức hội, đoàn ấy mà thôi, e rằng đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ “loạn” học viện.

Vấn đề thứ ba là, đầu vào của các trường đại học. Ðã nói là sinh viên đại học thì phải được chọn lọc từ học sinh phổ thông, nhưng cứ như hiện nay ngoài một số trường top trên không nói còn cứ đủ điểm sàn 13 điểm tức là trung bình 3 môn dưới 5 điểm vẫn vào đại học, thậm chí dưới điểm sàn cũng vào đại học.

Tiếp đến là đầu ra, lẽ ra đào tạo đại học phải theo mô hình chóp nón, là đầu vào lớn, đầu ra nhỏ để sàng lọc, thanh loại, nhưng ở Việt Nam vào bao nhiêu ra bấy nhiêu. Cho nên phải có sự đổi mới ngay về phương pháp dạy và học theo những mô hình tiên tiến của thế giới và được quản lý theo dõi đánh giá nghiêm ngặt về chất lượng trong quá trình học.

Vấn đề cuối cùng là chỉ nên có một hình thức đào tạo đại học duy nhất đó là chính quy, chứ không nên duy trì những hình thức như chính quy không tập trung, rồi liên thông, rồi từ xa, rồi chuyên tu, tại chức. Ðào tạo cao học cũng vậy, nên bỏ cao học tại chức, vì chính quy còn chưa tốt nói gì tại chức và vô hình trung tại chức là một cách hợp thức hóa cho những người không đủ trình độ, năng lực yếu kém kiếm tấm bằng để làm đẹp hồ sơ khi đề bạt, bổ nhiệm v.v...

Vụ việc 40 thí sinh của Thanh Hóa hầu hết là công chức các sở, ban, ngành đi thi đầu vào cao học ngành quản lý kinh tế của Trường ÐH Kinh tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội) đã gom hơn một tỉ để “chống trượt” mà báo chí vừa đề cập và cơ quan an ninh điều tra đang vào cuộc để làm rõ là một minh chứng cho chất lượng hình thức đào tạo tại chức.

Rất nhiều trường đại học coi việc đào tạo tại chức là một cách để tăng thu nhập cho giáo viên, vì sinh viên tại chức thường là cán bộ, công chức, thậm chí nhiều người giữ trọng trách của các đơn vị địa phương nên có điều kiện về tài chính, nên để có một tấm bằng đại học thì việc chi ra một số tiền hàng chục triệu đồng đối với họ là chuyện nhỏ như con muỗi. Vì thế, giáo viên thích dạy tại chức hơn là dạy chính quy, nhất là các lớp tại chức được tổ chức ở các tỉnh thì thầy càng được trọng vọng, xe đưa xe đón, rồi qùa cáp, rồi thư giãn, giải trí v.v...

Trước đây chúng ta duy trì hình thức đào tạo đại học tại chức là để dành cho những cán bộ lãnh đạo vốn không có điều kiện học tập chính quy là điều cần thiết, nhưng giờ đây hòa bình đã gần 40 năm rồi, không có lý do gì để châm chước, chiếu cố cho những cán bộ sinh ra, lớn lên và có đầy đủ điều kiện học hành trong thời bình cả.

Nói về học tại chức xin kể câu chuyện mà tôi là người trong cuộc. Cách đây 13 năm, tôi cũng đã hân hạnh được theo học cao cấp tại chức, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khi đưa vào diện quy hoạch cán bộ. Hệ vừa học vừa làm học 2 năm nhưng 1 tháng chỉ học 1 tuần, vị chi 24 tuần. Khi mới nhập học thì vị đại diện của học viện cũng quán triệt mục đích ý nghĩa cực kỳ quan trọng của khóa học, vì toàn là cán bộ cấp cục, cấp phòng cả, và phần lớn học viên đều là cán bộ lãnh đạo cấp cục, cấp phòng... Nhưng trong quá trình học thì ngược lại, mỗi khi đến thi kỳ hết môn thì ban cán sự lớp sưu tầm đề cương, đáp án của khóa trước rồi nhân bản cho mỗi người một bộ cứ thế mà chép. Chép nhiều thì điểm dễ cao. Chép chậm, chép ít thì điểm thấp nhưng ai cũng đỗ.

Xuân Tuyến

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.