Cứ đến tết… lại buồn!

10:10 | 18/01/2014

1,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trong khi người lao động ở nhiều doanh nghiệp háo hức với lương tháng thứ 13 và thưởng Tết thì với những người thầy, người cô đang hàng ngày đứng trên bục giảng, chuyện thưởng Tết chỉ là những tiếng thở dài…

Hà Nội thưởng tết khá

Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ thưởng Tết cho giáo viên ở Hà Nội sẽ phải thuộc top cao nhất nhì cả nước. Tuy nhiên, các thầy cô cũng chỉ nhận được vài trăm nghìn và bó hoa coi như ghi nhận đóng góp của mình trong một năm lao động.

Năm nay, mức thưởng tết của các thầy cô tại thủ đô Hà Nội dao động trong khoảng 500 nghìn – 1 triệu đồng/giáo viên. Đối với những giáo viên được xếp lao động tiên tiến thì các trưởng sẽ có thưởng thêm 50 nghìn đến 100 nghìn đồng.

Tại trường trung học phổ thông (THPT) Hà Nội Amsterdam – ngôi trường hiện đại nhất nhì Thủ đô, mức thưởng tết cũng không “khá khẩm”. Cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Một số trường thưởng tết cho giáo viên cao lắm, được một tháng lương. Nhưng thực ra, trường chúng tôi cũng thưởng tết cho giáo viên theo quy định của ngành. Năm nào cũng vậy, có năm được 300 nghìn đồng, có năm được 500 nghìn đồng mỗi giáo viên".

Cô Nguyễn Thị Thúy - trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết: "Tết năm nay, giáo viên chúng tôi cũng chỉ được 400-500 nghìn đồng và món quà nhỏ. Đó cũng là niềm vui rồi, nhưng nếu đem ra so sánh với ngành nghề khác thì chẳng thấm vào đâu”.

Mặc dù là ngôi trường "đắt giá" của Hà Nội, nhưng mức thưởng tết của giáo viên cũng không cao.

Một cô giáo Trường Tiểu học Quang Trung cho biết, năm nay nhà trường thưởng Tết cho giáo viên 300 nghìn đồng, Trong khi đó, một giáo viên khác ở Trường tiểu học Kim Đồng không giấu được nỗi buồn khi nói về thưởng Tết: “Năm ngoái, giáo viên được nhận gói quà có bánh kẹo, mứt Tết, một quyển lịch treo tường và 100 nghìn đồng lì xì, năm nay chắc cũng vậy thôi”.

Tại trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, mặc dù mức thu nhập của giáo viên lên cả chục triệu đồng/tháng nhưng thưởng tết năm nay là 1 triệu đồng, cao hơn so với năm ngoái là 300 nghìn đồng. PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng nhà trường cho biết để có được mức thưởng trên, nhà trường đã thành lập quỹ từ nhiều năm nay. Quỹ được trích từ 1% lương giáo viên. Hàng năm vào dịp tết, nhà trường dùng tiền này để mua hoa và thưởng động viên tinh thần giáo viên.

Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), mỗi giáo viên được thưởng Tết bằng một tháng lương. Đây là mức xấp xỉ so với năm ngoái, nhưng là sự cố gắng lớn của nhà trường.

Miền núi… chỉ mong có lương

Về cơ bản, khái niệm lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết dường như không tồn tại trong ngành GD-ĐT mỗi địa phương. Vì vậy, số tiền thưởng tết cho giáo viên mỗi dịp tết  ở mỗi trường học lại có cách thức và mức hỗ trợ khác nhau, nhưng cùng có điểm chung ở là phụ thuộc chủ yếu vào sự quan tâm của cấp quản lý và tài "chèo lái" của thủ trưởng đơn vị, tạo thành khoản “tiền kết dư” để dành cho việc thưởng tết.

Tuy nhiên, lượng tiền kết dư nhiều hay ít lại phụ thuộc nhiều yếu tố: quy mô nhà trường, số lượng học sinh, sĩ số, bậc lương... Với trường ít học sinh, giáo viên lớn tuổi nhiều và bậc lương cao thì khó có phần kết dư, vì thế tiền thưởng tết không cao hoặc gần như không có.

Trong khi đó, quy mô trường THPT rất lớn, số học sinh cao hơn nhiều so với các cấp học dưới nên dẫn đến việc có kết dư nhiều hơn, từ đó dẫn tới việc các thầy cô giáo sẽ có cái tết đầy đủ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đúng với các trường THPT tại các thành phố hoặc những vùng thuận lợi. Ngoài việc có kết dư lớn hơn, các trường này có thể có được nguồn thu như cho thuê địa điểm, chiết khấu phần trăm các hoạt động dạy thêm… Nhưng ở những nơi khó khăn, đặc biệt là vùng cao ngoài khoản tiền ngân sách thì các trường chẳng có khoản thu thêm nào, và việc thưởng Tết cho giáo viên là một điều quá xa vời.

Tại các huyện của Sơn La, Hà Giang… giáo viên không hề có khái niệm thưởng Tết. Các thầy cô cắm bản tại đây tâm sự: “Bà con trong bản còn chẳng có đủ tiền để mua sách vở, quần áo, lấy đâu ra tiền để hỗ trợ Tết cho giáo viên. Năm nào được mùa, giáo viên không phải trích tiền đỡ đần cho học sinh là đã quý lắm rồi”.

Còn ở Điện Biên, nhiều năm nay giáo viên không có khái niệm “thưởng Tết”. Ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho hay: “Với tình hình kinh tế khó khăn nên tiền ngân sách năm nay dành cho các trường giảm. Chính vì thế không có giáo viên nào ở Điện Biên được thưởng Tết. Nếu có mức thưởng chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng gọi là để động viên”.

Giáo viên vùng khó chỉ cần học sinh đi học đầy đủ, không mong thưởng tết.

Cô giáo Lê Thị Hồng Hợp (Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, đã 4 năm cô giảng dạy chính thức tại đây, nhưng chỉ duy nhất một năm có thưởng Tết chưa đến 100 nghìn đồng. 

Cô tâm sự: "Gia đình học sinh cũng nghèo, thậm chí có khi cô giáo có con tép hoặc ít cá khô cũng chia cho học sinh thì lấy đâu chuyện gia đình học sinh đi tết giáo viên”.

Cô Vàng Thị Ghếnh (giáo viên Trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cũng cho biết các thầy cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thưởng tết, bởi việc  các em đi học đầy đủ, không bỏ lớp, bỏ trường đã làm hạnh phúc lắm, coi như phần thưởng lớn nhất cho các thầy cô công tác tại vùng khó.

Thầy Giàng A Súa (Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải) cho biết: “Thưởng Tết có năm chỉ được 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Thậm chí có năm thưởng Tết chỉ là một lọ dầu gội đầu. Thế nhưng đến chút quà này cũng rất hi hữu mới có, vì đến một số quỹ cơ bản của trường vẫn còn thiếu thốn, lấy đâu ra mà thưởng Tết”.

Mặc dù được coi là ngành “quốc sách”, đào tạo nên nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của xã hội, nhưng hiện nay, ngành giáo dục vẫn đang rất khó khăn trong việc nâng cao đời sống cho giáo viên. Và có lẽ, trong "bảng xếp hạng" của các ngành về thưởng Tết, ngành giáo dục luôn ở vị trí "đội sổ".

Năm nào, chuyện thưởng Tết cho giáo viên cũng được nhắc đến nhưng chưa thấy có gì thay đổi. Họ không đòi hỏi mức thưởng quá lớn, không trông đợi vào lòng hảo tâm của các nhà tài trợ mà cần hơn cả những việc làm thiết thực, có trách nhiệm và thực sự nghiêm túc của các cấp, các ngành để có những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp và xứng đáng.

Khánh An