Có nên bỏ luyện viết chữ đẹp?

07:02 | 01/03/2014

4,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đưa ra nhận định, luyện viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh, cần phải bỏ vì nó tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích.

Luyện chữ đẹp có tốn thời gian và vô ích?

TS Vũ Thu Hương phân tích, qua khảo sát các chương trình giáo dục của Anh, Đức, Hungaria, Pháp... cho thấy, các nước không quá coi trọng hai môn Toán và tiếng mẹ đẻ. Trẻ lớp 1 được dạy cộng trừ trong phạm vi 10 bằng các thiết bị chứ ít khi ghi con số. Toán từ tiểu học lên trung học đều làm rất ít bài tập, lý thuyết là nhiều. Vì thế, việc học Toán không quá nặng, tập viết cũng không được coi trọng lắm.

Trong khi ở Việt Nam, học sinh cấp 1 kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Cách giáo dục trẻ áp đặt và bệnh thành tích là hai vấn đề đã in rất sâu vào trong từng gia đình, từ những người vừa là bố mẹ vừa là cán bộ ngành giáo dục cho tới các phụ huynh khác. Hỏi điểm sau khi đi học về được coi là việc làm đương nhiên để thể hiện sự quan tâm đến con.

Việc rèn chữ cho trẻ đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ngay trong đánh giá xếp loại ở tiểu học, vở sạch chữ đẹp cũng là một tiêu chí. Luyện chữ đẹp, luyện tính nhẩm nhanh được dành thời lượng quá nhiều. Giáo viên cũng đặt nhiều kì vọng vào học sinh khi có kì thi viết chữ đẹp khiến các em phải chịu áp lực rất lớn. Những em viết xấu thì cảm thấy xấu hổ.

Theo TS, vấn đề khá trầm trọng của giáo dục Việt Nam là học lệch, học nhiều lý thuyết, ít bài tập, đề cao Văn, Toán, coi thường các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý….). Điều này thể hiện ở tất cả các cấp, nhưng rõ nhất là ở bậc tiểu học. Học sinh học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần), còn những bộ môn được coi là phụ kia thì chỉ có từ 1 - 2 tiết.

Ngoài ra, việc đánh giá cũng rất thiên lệch. Cuối học kỳ chỉ xét điểm thi môn Toán và Tiếng Việt để tính điểm giỏi hay tiên tiến. Các môn như Tự nhiên - Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thể dục…. đều chỉ làm cho có. Từ đó, việc dạy dỗ môn này bị coi là thừa, dẫn tới một hiện trạng là các cô thường cắt giảm các tiết học các môn này để luyện Toán và tiếng Việt cho học sinh.

Sau khi TS Vũ Thu Hương công bố kết quả nghiên cứu của mình, PGS Nguyễn Hữu Hợp cũng đã bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình với kết luận nên bỏ việc luyện chữ đẹp cho học sinh.

Ông cho rằng những người ủng hộ viết chữ đẹp thì đưa ra luận cứ là "nét chữ, nết người", "rèn cho học sinh tính kiên nhẫn, cẩn thận"... Những quan niệm này đều là cách nhìn thiển cận, sai trái, "được một mất mười". Ông khẳng định, những em viết chữ đẹp thường "chậm" trong tác phong lẫn tư duy. Hay nói cách khác, việc ép học sinh viết chữ đẹp dễ làm cho học sinh tiểu học dốt đi.

Ngoài ra, ông cũng nhận xét, trẻ em tay còn yếu mềm, hệ thần kinh chưa vững. Do đó, viết nắn nót là một công việc khó khăn, khổ ải với các em. Viết quá nhiều làm cho tay các em nhanh mỏi, ảnh hưởng xấu đến hệ cơ, hệ xương và thần kinh của trẻ. 

Cần thời gian hợp lý cho việc rèn chữ

Trước kiến nghị nên bỏ rèn chữ đẹp cho học sinh của TS Vũ Thu Hương và PGS Nguyễn Hữu Hợp, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng điều quan trọng là nhà trường và gia đình bố trí sử dụng thời gian hợp lý để dạy trẻ rèn chữ.

Ông nhấn mạnh: “Tôi cực lực phản đối việc rèn chữ cho trẻ ở tuổi mầm non. Nhưng từ lớp 1 đến lớp 3, trò đến lớp là học những kĩ năng cơ bản trong cuộc sống là tính kỷ luật, cẩn thận. Chúng ta khuyến khích trẻ viết đẹp, viết đúng quy chuẩn, cần thiết thì có những món quà, lời khen động viên trẻ. Chữ đẹp là truyền thống, phải giữ lại”.

Nói về việc rèn chữ, ông cho đó là việc làm tự nhiên mà tự thân các trường và thầy cô phải chú trọng. GS cho rằng: “Dạy 10 học sinh viết chữ như 1 là tốt. Muốn làm phải có quy trình, kĩ thuật. Dạy không chỉ để trẻ làm như cái máy mà để trẻ yêu con chữ như nét đẹp tâm hồn, tính cách của con người”.

GS ví von: “Đúng là giờ đây chúng ta có máy tính, công nghệ cao, nhưng bỏ rèn chữ là một sai lầm. Có ô tô, xe máy, không lẽ không dạy đứa trẻ cách bò, đi bộ như thế nào?”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng chữ thể hiện tính nết con người. Chữ đẹp thì rõ ràng con người đó chỉn chu, còn viết ngoáy bao giờ cũng cẩu thả hơn. Khi viết một bài với nét chữ đẹp thì được nhiều người yêu thích, vì vậy, nếu tất cả mọi người đều rèn được chữ đẹp là điều tốt.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng rèn chữ chính là rèn người.

Ông nhận xét: “Tôi từng đi dạy nên biết việc luyện chữ đẹp không mất nhiều thời gian. Chỉ khoảng 10 ngày là trẻ đã biết chia theo tỷ lệ chữ cao, thấp tròn và viết có trật tự. Việc luyện cho học sinh tính nhẩm nhanh cũng tốt vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến công việc sau này. Thế nên không thể nói dẹp là dẹp được mà cần phải tổ chức thực hiện như thế nào cho hợp lý”.

Liên quan đến cuộc thi viết chữ đẹp, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là đơn vị khởi xướng phong trào và được nhiều địa phương ủng hộ, tham gia từ năm 2002 cho đến nay.Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Trần Thị Thắm cho rằng rèn chữ là một trong nhiều cách dạy cho trẻ tính cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, nhà trường, phụ huynh không nên quá đề cao việc rèn, luyện chữ đẹp cho trò.

Bộ GD-ĐT không khuyến khích việc cho trẻ rèn chữ bên ngoài nhà trường, nhất là ở các lò luyện viết chữ đẹp. Việc làm như vậy mất quá nhiều thời gian, gây áp lực cho con trẻ và cả phụ huynh. Rèn chữ là một phần nhỏ có trong môn tập viết và có thời lượng nhất định. Chỉ cần giáo viên dạy theo chương trình Bộ ban hành là đạt rồi.

Bà cũng cho rằng việc rèn cho học sinh viết đúng viết đẹp vẫn cần, nhưng không nên đề cao, tránh làm nặng chương trình.

Ở tiểu học, chúng ta dạy và hình thành những kĩ năng ban đầu cho học sinh. Viết đúng chính tả, viết rõ ràng thậm chí đẹp là một trong kĩ năng cần có. Lên cấp trung học cơ sở, học sinh phải học nhanh hơn, việc nắn nót từng chữ một là không thể. Nhưng những em đã viết đẹp ở tiểu học nói chung vẫn giữ được như vậy. Có em không giữ được hẳn như vậy thì xấu đi ở chỗ không thể nắn nót nhưng chữ vẫn rõ ràng, viết đúng. Như vậy yêu cầu bậc tiểu học các em đã đạt được.

Bà cũng khẳng định: “Chữ đẹp thời nào vẫn có chỗ đứng. Không có nghĩa khi đã có máy tính, thiết bị công nghệ thông tin là từ bỏ chữ viết, nhất là chữ đẹp. Nhiều văn bản quan trọng hay những bức thư chẳng hạn,…đôi khi vẫn cần viết bằng tay hơn soạn trên máy tính. Tất nhiên, chữ đẹp phải đi cùng viết đúng chính tả mới đọc được”.

Tuy nhiên, về phong trào hay cuộc thi vở sạch chữ đẹp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ không duy trì và chỉ đạo cuộc thi này.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.