Xã hội hóa sách giáo khoa:

Có cạnh tranh bình đẳng?

16:52 | 02/09/2014

650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau năm 2015, thay vì chỉ duy nhất một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) như hiện nay, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tham gia viết sách và sẽ có nhiều loại sách giáo khoa (SGK) khác nhau cho học sinh, giáo viên lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi có nhiều bộ SGK, Bộ GD-ĐT cần quy định rõ việc lựa chọn sử dụng bộ SGK và cách thức biên soạn theo hình thức nào…

Vẫn “rối” hai phương án

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra hai phương án biên soạn SGK, đó là:

Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.

GS Nguyễn Minh Thuyết so sánh việc Bộ tham gia viết sách sẽ dẫn đến tình trạng như doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh, khi nguồn vật lực và nhân lực của quốc doanh sẽ mạnh hơn ngoài quốc doanh thì rõ ràng việc cạnh tranh là khó bình đẳng. Vì thế, theo GS, nếu Bộ vẫn biên soạn sách thì có thể chỉ soạn những môn cơ bản và các môn xã hội có tính định hướng.

Bộ SGK phổ thông hiện hành của Bộ GD-ĐT

GS, VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) lại bày tỏ lo ngại đối với việc lựa chọn SGK. Nếu Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thì có nghĩa là trong một chương trình học của một lớp học, môn học sẽ nhiều loại SGK khác nhau. Liệu việc lựa chọn sử dụng loại sách sẽ do từng lớp, từng cấp học, từng trường hay từng khu vực quy định?

Trên thế giới, việc lựa chọn bộ SGK ở các nước đã được thực hiện một cách rất cụ thể, rõ ràng nhưng nếu như Việt Nam hướng tới có nhiều bộ SGK thì việc lựa chọn là một việc làm rất khó. Lý do vì sẽ có nhà trường học theo SGK của Bộ GD-ĐT, có trường học theo SGK của nhà xuất bản nào đó hoặc có trường học tổng hợp nhiều loại SGK.

Để đảm bảo kiểm định chất lượng SGK cũng như để các trường không lúng túng chọn loại sách nào, GS Phạm Minh Hạc cũng khuyến cáo Bộ GD-ĐT cần quy rõ trách nhiệm lựa chọn sử dụng bộ SGK trong Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo GS Phạm Minh Hạc, việc đổi mới chương trình, SGK dù có theo phương án nào đi chăng nữa thì không thể quan trọng và quyết định bằng việc đổi mới cách giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Về vấn đề này, GS.TSKH Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) phân tích: “Tôi nghiêng về phương án Bộ GD-ĐT chủ động đứng ra biên soạn, xuất bản 1 bộ SGK. Việc có nhiều bộ SGK là cần thiết nhưng chúng ta không thể chạy theo việc kinh doanh SGK, đòi hỏi quyền bình đẳng của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách. Điều quan trọng là chúng ta phải hướng tới biên soạn SGK đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn và vì quyền lợi của học sinh.  Vì vậy, ngoài xã hội hóa SGK thì nhất thiết phải có 1 bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn”.

Không thực hiện manh mún, chắp vá

Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhưng kinh nghiệm cho thấy thời gian có thể phải kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, thời gian 10 năm để Việt Nam thực hiện thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được nếu như trên thế giới có những cuộc cải cách toàn diện về giáo dục. Lúc đó, nước ta sẽ rơi vào thế bị động và không thể theo kịp với nền giáo dục trên thế giới khi mà việc đổi mới toàn diện nền giáo dục của nước ta chưa kịp hoàn thành.

Trước tình trạng này, PGS Văn Như Cương kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội rằng, việc đổi mới chương trình SGK phổ thông nên được thực hiện đồng loạt từ lớp 1 đến 12, chứ không nên thực hiện manh mún, chắp vá, tránh thay đổi nhiều, gây xáo trộn trong giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh

Bên cạnh đó, đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là đề án lớn, tác động trực tiếp tới hàng triệu giáo viên và học sinh, trước những thay đổi mang tính đột phá này, GS Đào Trọng Thi cũng bày tỏ lo ngại: “Điều tôi lo ngại nhất là những điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện Đề án.

Nếu thực hiện đổi mới SGK thì chương trình giảng dạy cũng phải thay đổi theo nên điều quan trọng nhất là phải có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy theo yêu tinh thần đổi mới. Không chỉ có các trường Sư phạm phải đổi mới và đi trước một bước trong đào tạo giáo viên mà vấn đề khó khăn nhất đối với các địa phương hiện nay là phải thực hiện bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo lại hàng trăm giáo viên đã làm việc lâu năm”.

Thừa nhận việc sẽ có những bất bình đẳng nhất định trong cạnh tranh giữa SGK của Bộ và SGK của các tổ chức, cá nhân khác, nhưng ông Thi cho rằng, phải đặt quyền lợi của doanh nghiệp thấp hơn quyền lợi của người học. Đổi mới chương trình, SGK là để phát triển giáo dục, biên soạn SGK là để phục vụ tốt nhất cho người học, vì thế, chọn phương án nào phải đặt quyền lợi của học sinh là trên hết để cân nhắc.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.