Tiền trường đầu năm học:

Chỉ khổ phụ huynh nghèo!

11:00 | 11/09/2014

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm học mới 2014 - 2015 đã bắt đầu, không ít bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn lại băn khoăn, nặng trĩu nỗi lo về các khoản đóng góp, đầu tư xây dựng, mua sắm cho nhà trường, hoặc trang bị cho học sinh theo quy định của trường, lớp.

Hoa mắt vì tiền trường

Trong buổi họp phụ huynh vào đầu năm học, chị Đinh Quỳnh Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải chuẩn bị khoảng 6-7 triệu đồng cho cả hai đứa con, một đang học lớp 3, một học lớp 5 tại một trường tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội. Mỗi năm, chị phải đóng cho mỗi đứa con hơn 500.000 đồng/kỳ học cho quỹ cha mẹ học sinh, 500.000 đồng tiền xây dựng trường, hơn 300.000 tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, rồi các khoản lặt vặt khác như số liên lạc, phù hiệu học sinh, tiền thuê lao công quét dọn trường... Bên cạnh đó là chi phí sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập như bút, hộp bút, thước, bộ thực hành toán... hết tổng cộng hơn một triệu đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Tuyết Mai có con đang học lớp 1 ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng méo mặt đóng tiền đầu năm cho con. Đầu tiên là hai mẹ con đi sắm cặp sách, đồ dùng học tập... hết gần một triệu đồng. Hai bộ sách giáo khoa, một để ở lớp, một để ở nhà (để con khỏi nặng cặp đến lớp mà vẫn có sách học tại nhà) tốn gần 200.000 đồng. Rồi tiền đồng phục (550.000 đồng), học phí tiếng Anh một học kỳ (1,6 triệu đồng), tiền mua điều hòa (460.000 đồng), rèm cửa lớp (100.000 đồng), máy tính, máy chiếu âm ly (800.000). Tất cả  hết gần 5 triệu đồng.

Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng

Mặc dù có thông báo cụ thể về những khoản thu bắt buộc và tự nguyện, nhưng những phụ huynh ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn cũng phải đau đầu khi đối mặt với việc đóng góp đầu năm học. Gia đình chị Phan Thị Tình (Gia Lâm, Hà Nội) có ba người con, đứa lớn nhất đang học lớp 8, đứa nhỏ nhất mới học lớp 3.

Thế nhưng, mới vào đầu năm học, nhà trường ra thông báo về 8 khoản đóng góp phải nộp: tiền đồng phục, bảo hiểm, sách tiếng Anh, sách An toàn giao thông, vở chất độc màu da cam, nước uống… chỉ tính sơ sơ anh chị đã phải đóng gần 3 triệu đồng, đó là chưa kể tới việc mua sắm giày dép, bút, sách cho con.

Chị Nguyễn Thị Hương (Gia Lâm, Hà Nội) cũng có hai con đang học cấp ba, chi phí đóng góp đầu năm học cộng với việc mua sắm quần áo, sách vở đã gần 4 triệu đồng. Trên 20 khoản đóng góp bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện đã được nhà trường công khai, gia đình chị cũng chẳng thắc mắc gì, bởi khoản nào cũng có vẻ hợp lý. Thế nhưng cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chỉ tính chuyện đóng góp đầu năm học cũng khiến anh chị “chóng mặt, hoa mắt”.

Giảm gánh nặng đầu năm cho phụ huynh

Kịp thời giảm bớt gánh nặng tâm lý này, giúp tăng sự minh bạch, công khai các khoản đóng góp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện thu, chi học phí và các khoản thu, chi khác.

Cụ thể, các khoản thu ngoài học phí thực hiện theo Quyết định số 51 của UBND thành phố Hà Nội, gồm: tiền phục vụ bán trú; tiền phục vụ học hai buổi/ngày tại trường tiểu học, THCS; học phẩm học sinh trong các trường mầm non; nước uống tinh khiết; sửa chữa nhỏ...

Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hiệp Thống, rút kinh nghiệm năm ngoái có trường bắt học sinh may đồng phục với giá bằng cả một tạ thóc, năm nay Sở yêu cầu các trường lựa chọn những mẫu đồng phục phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương, được sự đồng thuận của phụ huynh và không nhất thiết phải may mới đồng phục.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội

Sở cũng yêu cầu các trường không tập trung thu các khoản đóng góp ngay từ đầu năm học để giảm bớt áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh. Ngay trong tháng 9, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức 5 đoàn đi kiểm tra về tình hình thu chi đầu năm học tại 30 quận, huyện, thị xã.

Một số Sở GD-ĐT khác cũng có những quyết sách “mạnh tay” để đảm bảo hạn chế lạm thu trong nhà trường. Cụ thể, ngày 28/8, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã hướng dẫn các khoản thu đầu năm, trong đó quy định rõ những khoản không được thu.

Cụ thể, nhiều khoản tuyệt đối không được thu dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm: Tiền vệ sinh môi trường trong đó có tiền phí rác thải, vệ sinh sân vườn, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, phục vụ vệ sinh lớp học; tiền hỗ trợ các kỳ thi, tiền điện, nước sinh hoạt; tiền giấy kiểm tra của học sinh (trừ giấy thi học kỳ); tiền phụ huynh đóng góp thay cho lao động học sinh - đây là những khoản chi lấy từ ngân sách.

Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng nêu rõ nhiều khoản cấm trường thu hộ các tổ chức bao gồm: Bảo hiểm thân thể học sinh và các loại bảo hiểm khác (trừ bảo hiểm y tế). Cơ quan bảo hiểm liên hệ với phụ huynh học sinh tại nơi cư trú về việc mua, bán các loại bảo hiểm này theo nguyên tắc tự nguyện.

Quy định tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT:

1. Học phí: Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện công khai mức học phí được quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

2. Những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh (như áo quần đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường...:): các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp.

3. Những khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống...): nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

4.Bảo hiểm y tế: Các trường vận động phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình theo đúng qui định của Luật Bảo hiểm y tế; Cần giải thích rõ nội dung và tính chất tự nguyện để phụ huynh không hiểu lầm khi mua các loại bảo hiểm thương mại.

5. Phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

- Không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

- Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.

6. Đóng góp tự nguyện cho nhà trường:

- Khuyến khích đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường.

- Các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng qui định của pháp luật.

- Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện

 

Chi tiết những khoản thu ngoài học phí trong nhà trường tại Hà Nội

1.       Thu, chi phục vụ bán trú

-          Tiền ăn: Thỏa thuận với phụ huynh học sinh (HS)

-          Tiền chăm sóc bán trú:  không quá 150.000 đồng/tháng

-          Trang thiết bị phục vụ bán trú không quá 150.000 đồng đối với bậc mầm non/năm học, không quá 100.000 đồng đối với bậc tiểu học và THCS/năm học.

Nội dung chi

a) Tiền ăn: Chi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (nếu có) theo thỏa thuận.

b) Chăm sóc bán trú: Bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú.

c) Trang thiết bị phục vụ bán trú: Trang bị cơ sở bật chất cho bán trú (giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, xoong, nồi, bếp gas…).

2.    Thu, chi học 2 buổi/ngày

-      Bậc tiểu học: không quá 100.000 đồng/tháng

-      Bậc THCS: không quá 150.000 đồng/tháng

3.  Thu, chi học phẩm, nước uống

Về học phẩm đối với bậc mầm non thì không quá 100.000 đồng/năm học.

Tiền nước uống không quá 12.000 đồng/tháng…

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.