Ám ảnh phận nghèo ở "lớp VIP trường công"

18:13 | 09/10/2012

4,932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thời gian vừa qua, dư luận đang sôi sục về những “lớp VIP” tồn tại trong các trường công lập, núp bóng mô hình “lớp học tương tác” hiện đang được triển khai ở một số trường tiểu học. Đành rằng “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, nhưng ám ảnh thay, phận trò nghèo của các lớp VIP - trường công…

Lạm thu cả trò nghèo

Cho con học lớp VIP với cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến là mong muốn của rất nhiều phụ huynh, thế nhưng với những học trò nghèo, việc “lỡ” học các lớp VIP này đôi khi lại là gánh nặng oằn lưng.

Như báo chí đã đưa tin, các lớp học theo mô hình tương tác tại các trường tiểu học Nam Trung Yên, tiểu học Lê Văn Tám và đặc biệt là trường tiểu học Nguyễn Trãi có mức thu phụ phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Như thế, tính sơ qua, mỗi phụ huynh phải bỏ ra từ 4-5 triệu cho việc mua sắm đồ dùng dạy học, lắp điều hòa, thay rèm cửa và lát sàn. Đó là chưa kể khoản học phí và hàng loạt phí khác chưa kể đến. Với một gia đình có điều kiện, số tiền 4, 5 triệu không quá nhiều, nhưng với những đứa trẻ con nhà nghèo, số tiền này cũng khiến cha mẹ chúng bóp trán, nhăn mặt cả đêm.

Trường hợp của em Nguyễn Khánh Hưng là một ví dụ. Trường tiểu học mà Hưng đã theo học rất có uy tín tại quận Ba Đình, nên chuyện áp dụng mô hình học tập tiên tiến với máy chiếu, ti vi, giáo án điện tử là điều rất nên làm. Và lớp của Hưng lại “bất ngờ” được lựa chọn thí điểm mô hình tiến bộ này.

 

Lạm thu không "nể mặt" trò giàu hay nghèo

 

Tuy nhiên, số tiền bỏ ra để mua sắm những trang thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy học không phải của nhà trường mà do phụ huynh, đặc biệt là các vị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng góp.

Nhìn danh sách những thiết bị cần mua sắm và số tiền phải đóng, chị Nguyệt (mẹ Hưng) tái mặt. Vợ chồng chị chỉ là công nhân viên nhà nước, tiền lương hàng tháng co kéo mãi cũng mới chỉ đủ ăn, không dám nghĩ đến chuyện tích cóp làm giàu.

Tưởng rằng con trai vào học trường công lập, các loại học phí, phụ phí sẽ nhẹ nhàng hơn, anh chị cũng có được khoản dôi dư mua sắm đồ đạc trong nhà. Ấy thế, nhưng khi nghe những lời thống thiết của bà Trưởng ban phụ huynh cùng “trát” từ Ban phụ huynh đưa xuống, anh chị bóp trán, nhăn mặt mất mấy ngày liền.

Chị Nguyệt thở dài: “Bây giờ không đóng cũng không được, chẳng nhẽ chuyển lớp, chuyển trường cho con? Nhỡ chuyển sang lớp khác, cô giáo không được tốt, không nhiệt tình, chẳng phải thiệt cho con mình không? Vợ chồng tôi bảo nhau đành cố bấm bụng đóng tiền, bớt ăn bớt tiêu đi là được”.

Không chỉ có những trường tiểu học mới chịu cảnh “lớp VIP” mà ngay cả những trường mầm non, nhiều phụ huynh cũng đã phải “oằn người” trước những khoản phụ thu của nhà trường.

Cùng cảnh ngộ với chị Nguyệt, chị Phạm Mai Hương, có con đang theo học tại trường Tiểu học Tây Sơn, cũng chịu cảnh lạm thu. Chị cho biết, ngoài tiền học phí và các khoản bảo hiểm ra thì còn phải nộp rất nhiều khoản phụ khác như Tiền điều hòa, tiền rèm cửa, tiền khăn ướt.... Tổng cộng số tiền chị bỏ ra cũng đã lên 7 triệu rồi, chưa kể tiền học riêng 1 tuần 2 buổi tối tại nhà cô giáo chủ nhiệm vì con chị học chậm hơn các bạn cùng lớp.

Chị chép miệng: “Bây giờ trường nào cũng thế. Họ nghĩ ra đủ kiểu thu tiền của phụ huynh, ai cũng thấy vô lý, nhưng cứ phải tặc lưỡi :"Nói ra khổ con mình". Cứ thế này, thì cải tiến cũng chắc khác gì cải lùi. Bị lạm thu mà vẫn phải chịu tiếng là “tự nguyện”, chỉ có phụ huynh nghèo là khổ thôi”.

“Tư thục hóa” trường công

Sau khi thông tin về các lớp VIP ở trường tiểu học công lập được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngỡ ngàng.

Thứ nhất, nếu tình trạng này xảy ra ở một trường tư, điều này không phải bàn. Thế nhưng nó lại diễn ra ở một trường công lập, hoạt động bằng ngân sách nhà nước với mục đích phổ cập giáo dục toàn dân.

Thứ hai, nếu tất cả những hệ thống thiết bị tiên tiến hiện đại này được đầu tư đồng bộ trong các trường tiểu học là điều không ai có thể bàn cãi và sẽ nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh. Điều đáng nói là lớp học VIP ấy lại được sinh ra trong một trường công lập bởi các phụ huynh “tự nguyện” đóng góp.

Dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về hiện tượng giáo dục mới này. Không ít người bày tỏ sự phản đối với mô hình lớp học tương tác, bởi như vậy sẽ là bất bình đẳng trong giáo dục ngay trong trường công lập, thậm chí là phản cảm, phản giáo dục.

Trả lời báo chí, GS.VS. Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “"Bây giờ ở trong trường công lập lại sinh ra những lớp đặc biệt, khác biệt như vậy là bất bình đẳng và đi ngược lại với xu thế bình đẳng, dân chủ của nhân loại. Vào trường học mà có sự phân biệt về giàu nghèo như vậy là không ổn, phản cảm và phản giáo dục”.

 

"Lớp học tương tác = lớp học tư thục nhưng cơ sở giảng dạy và lương giáo viên là do Nhà nước trả"

 

Đồng quan điểm với GS.VS Phạm Minh Hạc, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định: “Đó không phải là lớp học tương tác mà thực chất là lớp học tư thục nhưng cơ sở giảng dạy và lương giáo viên là do Nhà nước trả”.

Theo ông, sự tồn tại giữa lớp VIP với lớp thường trong môi trường giáo dục công như vậy thì sẽ xảy ra tình trạng thầy cô giáo sẽ dành những ưu tiên hơn cho lớp VIP mà xao nhãng lớp thường.

Trước tình trạng lạm thu của nhiều trường, vừa qua Sở GD - ĐT Hà Nội đã có Công văn 8568 hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2012 - 2013.

Để đảm bảo tính minh bạch, HĐND TP Hà Nội cũng đã tổ chức đợt khảo sát tình hình thu chi học phí và một số khoản thu khác tại các trường ở Hà Nội. Tuy nhiên, khảo sát đến đâu, lỗi sai nảy ra đến đấy, mà phần lớn các khoản thu này đều do phụ huynh “tự nguyện” đóng góp.

Rõ ràng, việc đầu tư cho con em được học trong môi trường cơ sở vật chất tốt nhất là điều cần thiết và đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lợi nhất. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng vào một lớp học ở trường công như thế này lại là câu chuyện khác. Nếu có điều kiện thì có thể cho con học tại các trường tư thục, trường quốc tế với điều kiện tốt nhất có thể thay vì "tư thục hóa trường công" như vậy.

Và với những trẻ “lỡ” sinh ra ở gia đình không được khá giả lắm, việc học tập tại những lớp VIP sẽ vô tình dạy cho trẻ phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, ích kỷ và dễ mang tinh chất phản giáo dục – đặc biệt ở các trường công lập. 

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.