Đường sắt cũng chống quá tải

11:14 | 09/07/2014

755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/7, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản yêu cầu các ga đường sắt khi nhận hàng hóa từ xe ô tô xếp lên toa, phải yêu cầu chủ hàng hoặc lái xe xuất trình Giấy Đăng kiểm và hóa đơn vận chuyển. Đây là hành động nhằm kiểm soát tải trọng…

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu, nếu trọng lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn vận chuyển lớn hơn trọng tải cho phép ghi trên Giấy Đăng kiểm phương tiện, các ga đường sắt phải cương quyết từ chối nhận hàng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phải giám sát chặt chẽ việc xếp hàng hóa từ toa tàu lên ô tô, đảm bảo không vượt quá tải trọng cho phép.

Công nhân đang dỡ hàng từ toa sang xe ô tô.

Trước đó, ngày 1/4/2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã yêu cầu các ga đường sắt thực hiện 21 đợt cân tải trọng toa tàu. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 13/332 toa xe vượt quá tải trọng, trong đó có 9 toa xe vượt tải từ 9 -21% và 4 toa xe vượt tải trọng theo hóa đơn vận chuyển. Các trường hợp vi phạm về tải trọng này đã bị ngành Đường sắt truy thu cước vận chuyển và phạt theo quy định.

Cũng theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, thời gian qua, nhóm nghiên cứu độc lập về vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc, đề xuất tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường sắt để giảm tải cho đường bộ, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm chi phí vận chuyển. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, khối lượng vận tải hàng hóa khoảng gần 700 triệu tấn/năm, nhưng đường sắt chỉ đảm nhiệm được từ 6 đến gần 10 triệu tấn/năm. Con số vận tải bằng đường sắt quá thấp đang là gánh nặng dồn lên đường bộ.

Nhằm tăng cường khả năng vận tải bằng đường sắt, nhóm nghiên cứu đưa ra 7 giải pháp, trong đó tập trung đẩy nhanh cổ phần hóa vận tải đường sắt, giảm thời gian vận chuyển, giảm chi phí xếp dỡ, tăng kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy.

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc