Vụ bé gái 4 tuổi bị cha mẹ hành hung:

Để Kim Ngân không rơi vào bi kịch của Hào Anh...

07:00 | 19/09/2014

1,450 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tiền ủng hộ của những nhà hảo tâm là rất cần thiết và đáng quý trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rõ rằng, tiền không thể biến một cháu bé trưởng thành và trở thành người tốt nếu như không có sự quan tâm, hỗ trợ đúng cách của cộng đồng”, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ với PetroTimes.

Những ngày qua, sự việc cháu Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, trú tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị mẹ và cha dượng hành hạ dã man đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Rất nhiều nhà hảo tâm đã rơi nước mắt, xót xa cho thân phận cháu bé và trực tiếp đến thăm cũng như từ thiện tiền để giúp cháu vượt qua cơn bĩ cực. Tuy nhiên, sự việc thêm một lần nữa dấy lên khi nhiều ý kiến lo ngại liệu rằng với sự ủng hộ bằng tiên kia phải chăng là đủ để giúp cháu bé 4 tuổi bị cha mẹ đánh đập thương tâm trưởng thành? Hay sẽ như vụ Hào Anh, từ một nạn nhân bị bạo hành sau khi nhận số tiền từ thiện bỗng trở thành người ngỗ ngược đã khiến nhiều bạn đọc trăn trở về của cho và cách cho.

Để độc giả có cái nhìn nhiều chiều về sự việc, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

 Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN.

PetroTimes: Ở góc độ của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về nguyên nhân dẫn đến việc bé Kim Ngân bị mẹ và bố dượng đánh đập, bị chấn thương sọ não?.

Trường hợp bé Ngân, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam luôn theo dõi diễn biến sát sao cũng như về tình trạng sức khỏe của cháu. Trong lúc này bàn về nguyên nhân thì rất khó vì hiện tại cơ quan công an đã vào cuộc và đã bắt giam mẹ đẻ và bố dượng đã hành hạ cháu bé để điều tra. Tuy nhiên, cũng phải tìm hiểu điểm xuất phát của gia đình cháu Ngân. Có phải do họ quá khó khăn, đến mức cư xử không đúng mực đối với cháu bé hay do sự xuống cấp đạo đức, nhu cầu hưởng thụ lớn từ sự ham chơi, lười làm khiến họ coi cháu bé như một cái gai và có việc làm bất nhân.

Dù lý do nào đi nữa thì hành động của họ đã vi phạm pháp luật và sẽ chịu sự lên án gay gắt của sư luận và pháp luật phải xử lý nghiêm.

 Bé Kim Ngân cầm những đồng tiền của nhà hảo tâm.

PetroTimes: Hình ảnh cô bé 4 tuổi cầm trong tay những đồng tiền của các nhà hảo tâm khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an. Phải chăng đối với một cô bé 4 tuổi bị cha mẹ bạo hành, điều cần nhất bây giờ là tiền, thưa bà?

Qua báo chí, tôi được biết có rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ cháu. Đây là tình cảm rất cao quý thể hiện sự tương thân tương ái của cộng đồng, giúp gia đình bé Ngân bớt đi phần nào gánh nặng.

Tuy nhiên tôi cũng xin nói thêm rằng, tiền ủng hộ phải gửi đúng chỗ, cơ quan chức năng phải xác định ai là người có quyền nuôi bé Kim Ngân để giao số tiền này cho họ đồng thời có sự giám sát của cơ quan chức năng. Phải xem xét đến nguyện vọng đạo đức của người bố đẻ rồi mới đến ông bà chứ không thể để cháu bé rơi vào bi kịch cuộc đời thêm một lần nữa. Tôi xin nhấn mạnh phải ngăn chặn việc tranh chấp quản lý tiền từ thiện của người lớn trong trường hợp này.

PetroTimes: Vậy đối với bé Kim Ngân, điều cháu cần nhất bây giờ là gì, thưa bà?.

Hiện tại bé Kim Ngân rất cần một mái ấm thật sự, cần người yêu thương, quan tâm chăm sóc để cháu có chỗ dựa. Bên cạnh đó cần sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.

Một người để trưởng thành không chỉ có tiền. Sự quan tâm dạy dỗ để cháu bé phát triển mới là quan trọng. Tiền là quý nhưng không thể biển một cháu bé khi trưởng thành là một người tốt. Ủng hộ là cần thiết nhưng sự giám sát càng cần thiết hơn.

Quãng đời từ 4 tuổi đến khi cháu trưởng thành còn dài. Và cháu Ngân cần được sự giáo dục, chăm lo, nuôi dưỡng để cháu được phát triển, được đến trường. Cần phải có nhóm chuyên môn tư vấn, dạy nghề tạo để cho cháu một môi trường sống tốt.

Bé Ngân đang cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương.

PetroTimes: Như bà nói, để cháu bé được phát triển toàn diện thì ngoài gia đình cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội. Vậy những việc này họ đã làm tốt chưa?.

Từ thực tế tôi cho rằng chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội tại địa phương đã làm chưa tốt. Sự liên kết để giải quyết một trường hợp cụ thể vẫn còn lỏng lẻo. Ví dụ như với trường hợp một cháu bé bị bạo hành thì hội phụ nữ sẽ đứng ra giám sát, chịu trách nhiệm trực tiếp về trường hợp cháu bé. Sau đó sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành trong việc quan tâm, chăm sóc cháu.

PetroTimes: Từ những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian vừa qua, bà có ý kiến gì để ngăn chặn thực trạng này?.

Bạo hành trẻ em dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra. Không phải vùng sâu, vùng xa hay xảy ra bạo hạnh mà thường xuất hiện ở những nơi di dân tự do như TP.HCM, Bình Dương. Ở đây có nhiều cặp vợ chồng mới nhưng do cuộc sống ai biết nhà nấy dẫn đến những cháu bé bị bố mẹ, người thân bạo hành trong thời gian dài nhưng không ai phát hiện và tố cáo.

Do vậy, việc quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương là rất cần thiết, đặc biệt là các khu nhà trọ của cặp vợ chồng. Phải có sự giám sát chặt chẽ, nắm được cuộc sống của từng gia đình, sức khỏe, việc ăn học của các cháu bé trong địa bàn đồng thời phối hợp ngăn chặn việc bạo hành trẻ em. Đó mới là mấu chốt vấn đề.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thảo Phượng (Thực hiện)