"Dân dùng xe SH nhử trộm" có giống với "phóng viên bẫy cảnh sát giao thông"?

18:04 | 06/05/2015

27,233 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc người dân ở Hà Nội dùng xe SH làm mồi nhử để bắt trộm khiến cộng đồng mạng liên tưởng, so sánh với vụ một phóng viên cài bẫy để ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT nhận hối lộ cách đây không lâu…

Video hai thanh niên bị "dính bẫy" của người dân.

Ngày hôm nay, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện video dài hơn 5 phút, ghi lại cảnh người dân ở Hà Nội dùng xe Honda SH làm mồi nhử để bắt kẻ trộm. Không lâu sau khi “đặt mồi”, xuất hiện 2 thanh niên đi xe máy tới thực hiện hành vi lấy trộm chiếc xe SH. Tuy nhiên, chưa trộm xong thì 2 tên này đã bị một nhóm thanh niên phục sẵn, đuổi bắt.

Sau khi đoạn video được đăng tải, nhiều người đã so sánh trường hợp này với vụ việc phóng viên N.H.N sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để cài bẫy và ghi hình lực lượng CSGT nhận hối lộ cách đây không lâu. Sau đó, chính Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý phóng viên này vì tạo tình huống thúc đẩy cảnh sát giao thông phạm tội.

Hai "con mồi" lọt vào "bẫy" của người dân.

Từ những so sánh này, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu nhóm thanh niên có vi phạm pháp luật khi dùng chiếc xe Honda SH làm mồi nhử, thúc đẩy người khác phạm tội? Và nếu như vi phạm pháp luật thì nhóm người này sẽ đối mặt với những hình phạt nào, có giống như trường hợp của phóng viên bẫy cảnh sát giao thông?

Trao đổi với phóng viên báo Năng lượng Mới - PetroTimes, các luật sư nhận định: Hành động này không giống vụ việc phóng viên cài bẫy cảnh sát giao thông.

Luật sư Tạ Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Bách gia luật và Liên danh) cho rằng: Hai vụ việc khác nhau về bản chất. Trong trường hợp của phóng viên, cơ quan công an xác định có yếu tố gài bẫy để đưa hối lộ và thúc đẩy nhận hối lộ.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể xem đây là nghiệp vụ báo chí nhưng cách làm này cũng có thể bị đánh giá là "phạm tội với vai trò là đồng phạm" của tội đưa hối lộ. Còn trong trường hợp dùng xe SH để “bẫy” kẻ trộm, người dân dùng tài sản của họ, nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Luật sư Tạ Anh Tuấn.

 

Đồng quan điểm, luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: “Theo tôi hành động bẫy trộm của người dân hoàn toàn không có vấn đề gì. Chỉ sợ là sau khi bắt được tên trộm, họ sẽ đánh đập làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng  thì mới có vấn đề”.

Cũng theo luật sư Vi Văn Diện, trong trường hợp người dân đã bắt được tên trộm xe máy nhưng lại gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tính mạng thì có thể cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Vì vậy, trường hợp này, người dân nên bàn giao đối tượng cho cơ quan công an xử lý.

 

Xuân Hinh - Ngọc Dung

(Năng lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc