Đại lễ siêu-an cho tàu Vinalines Queen: Mong cho nỗi đau thôi kéo dài!

08:23 | 11/01/2012

569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại lễ cầu siêucầu an trong ba ngày (9, 10 và 11/1) tại chùa Thắng Phúc (xã Tiên Thắng, Tiên Lãng, TP Hải Phòng) không chỉ cầu vong linh người đã khuất được siêu thoát, mà còn cầu bình an cho những người đang sống…

>> Đại lễ cầu siêu cho 22 thuyền viên Vinalines Queen mất tích

Chấm dứt nỗi đau

Đại lễ cầu siêu-cầu an và trai đàn phổ độ được xem là nghi lễ trợ duyên cho sự sống và sự chết của con người về mặt tinh thần. Về phương diện đạo lý thường tình, sống trong thế giới hiện hữu tương đối thì lễ là sự thể hiện cho cái nghĩa sống của con người, song để thể hiện cái lễ ấy thì cần phải dựa vào nghi thức để thực hiện cho phải phép.

Mọi người cầu chúc ngày về sẽ sớm đến với các thuyền viên còn mất tích giữa đại dương mênh mông.

Đứng chủ Đại lễ, Đại đức Thích Quảng Minh, Trưởng ban Nghi lễ – Thành hội Phật giáo Hải Phòng, trụ trì chùa Thắng Phúc cho biết, giới nhà Phật luôn coi sự vụ Vinalines Queen là đại sự, là nỗi đau của nhân dân, của đất nước. “Với vị trí của mình, nhà chùa sẽ cố gắng cao nhất, bằng các nghi lễ tôn giáo, cầu xin chư Phật Bồ tát, chư hiền Thánh tăng để đưa các anh, dù còn nguyên vẹn hay không, cũng sớm trở về với đất mẹ, quê hương Tổ quốc. Mới đêm qua thôi, tôi vẫn còn lên mạng để thu nhận thông tin về con tàu và thuyền viên. Còn hy vọng, dù chỉ một chút thôi thì chúng ta còn phải chung tay nỗ lực”, Đại đức giáo huấn trong Đại lễ.

“Như các vị thấy, Tết đang đến Xuân đang về; càng đến ngày này, con người ta càng không thể thôi nghĩ về gia đình, quê cha đất tổ. Trong khổ ải trần gian, nỗi đau lớn nhất là nỗi đau ly biệt. Không gì đau đớn bằng cảnh biệt ly, mẹ xa con, vợ xa chồng, anh xa em. 22 gia đình đang phải gánh chịu nỗi đau thương đó, và chúng tôi ở đây là để chia sẻ với các vị mất mát này,” Đại đức truyền lại những điều răn dạy của người cửa Phật.

Người xúc động nhất có lẽ là thủy thủ Đậu Ngọc Hùng. Anh khóc nấc sau khi Đại đức Thích Quảng Minh nhấn mạnh đến nỗi đau ly biệt. Tâm sự với Petrotimes, anh Hùng cho biết mình chưa một ngày ngon giấc từ khi đặt chân về quê hương. Chứng kiến cảnh người thân của 22 đồng đội vây lấy mình, Đậu Ngọc Hùng chỉ biết ôm chặt mọi người và khóc ròng. Ai cũng hiểu, anh em sống chết với nhau nhiều năm trời, giờ chỉ một mình trở về, Hùng rất sốc và cay đắng.

Trong giây phút đau thương, bà Trần Thị Thắng, vợ máy trưởng Lê Bá Trúc cảm động bày tỏ sự biết ơn chân thành trước tình cảm mà đồng bào cả nước dành cho số phận các thuyền viên xấu số trên con tàu Vinalines Queen. “Dấu hiệu thất lạc vẫn còn. Trong giây phút này, có ngài Bộ trưởng Bộ GTVT và lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải VN ở đây, tôi mong rằng quý vị tiếp tục nhận được sự quan tâm sau buổi Đại lễ. Điều mà tôi cùng gia đình tất cả anh em còn lại tha thiết nhất là các cơ quan chức năng hãy tiếp tục phát tín hiệu tìm kiếm tung tích của con tàu và thuyền viên”, Bà Trần Thị Thắng lặn lội từ Tp.HCM ra chùa Thắng Phúc đã 2 ngày.

Hình ảnh người phụ nữ 55 tuổi chạy đôn đáo với chiếc điện thoại Samsung cũ trong tay thực sự gây ấn tượng mạnh với hàng nghìn người tham dự buổi Đại lễ. Bà Thắng kể, đây sẽ là kỷ vật theo bà đến suốt đời, bởi như mọi lần người chồng đã gửi lại trước khi lên tàu viễn dương. Nỗi đau đớn, khắc khoải hằn sâu trên gương mặt mọi người. Trong tột cùng của đau đớn ấy, bà vẫn nuôi hy vọng về một điều kỳ diệu. Bà cũng cho biết, bà là người đầu tiên nhận được hung về sự mất tích của con tàu Queen cùng 22 thuyền viên. Tin này do một học trò của máy trưởng Lê Bá Trúc (máy trưởng Trúc cũng là một giảng viên Đại học Hàng hải – PV) cung cấp khi đi trên một con tàu khác cũng qua vùng biển Philippines.

Bộ trưởng Thăng không hứa suông

Giữ đúng lời hứa với các 22 gia đình sĩ quan và thủy thủ trên tàu Vinalines Queen, hôm qua (10/1) Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản tiếp tục điều động các phương tiện trên các đảo hoang, dọc theo dãy đảo san hô ngoài khơi bờ biển Đài Loan. Trước đó vị Bộ trưởng mẫn cán cũng đích thân mang công hàm sang lần lượt từng Đại sứ quán bạn cậy nhờ lực lượng chức năng tìm kiếm con tàu xấu số.

Người dân ưu tư trong Đại lễ.

Rất nhiều trong số hàng nghìn người thành tâm đến với Đại lễ, họ chẳng phải anh em hay họ hàng của các thuyền viên bị nạn trên con tàu Queen, họ chỉ là những người dân cùng chung nỗi mong mỏi các anh trở về. Trong xúc động, Giám đốc công ty vận tải biển Vinalines Nguyễn Văn Hạnh nghẹn ngào: “Các anh em thuyền viên tàu Vinalines Queen đã coi tàu là nhà, biển cả là quê hương và chọn đây là cái nghiệp của mình. Mới hôm qua thôi, với tôi, các anh còn là đồng nghiệp đồng chí, cùng nhau kề vai, sát cánh bên nhau vượt qua bao sóng to, gió lớn, đưa những con tàu mang lá cờ Tổ quốc Việt Nam đi khắp năm châu, bốn biển. Không ai ngờ, khi các anh lên đường làm nhiệm vụ cũng là lúc chia tay với đồng nghiệp chưa hẹn ngày gặp lại. Đã nhiều ngày chúng tôi ngóng tin các anh…”.

Trả lời Petrotimes sau Đại lễ, Tổng giám đốc Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Việt cũng tha thiết mong sớm tìm được anh em: “Từ tận đáy lòng, tôi chỉ mong những lời thỉnh cầu từ các vị cao tăng sẽ đến được anh em. Các anh ở đâu, hãy cho chúng tôi biết để chúng tôi được đưa các anh về cùng gia đình, cùng đồng đội. Đó là điều 40 vạn CBCNV Vinalines mong mỏi nhất vào lúc này,” ông Việt nói với đôi mắt đỏ hoe.

Qua buổi Đại lễ cầu siêu-cầu an, Đại đức Thích Quảng Minh cầu trời phật cứu giúp để hy vọng của các gia đình thành hiện thực. Và hơn hết, mọi người cầu mong các thế lực siêu nhiên thêm thắp sáng cho tất thảy, dù chỉ một niềm hy vọng lớn hơn ngày hôm nay.

Hữu Tùng