Đà Nẵng quyết không để hình thành "phố Tàu"

11:58 | 03/04/2014

1,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết tâm không để hình thành một phố Tàu ở Đà Nẵng, không để người Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở Đà Nẵng như đã xảy ra ở Vũng Ánh, Đắk Nông... đồng thời gỡ bỏ hết các bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc treo dày đặc trên các tuyến đường. Đó là lời khẳng định của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Tại địa bàn Đà Nẵng thời gian qua xuất hiện rất nhiều điểm du lịch, ăn uống chỉ thấy người Trung Quốc tụ tập rất đông, các tuyến đường còn dày đặc bản hiệu tiếng Trung Quốc treo lên như phố Tàu.

Gỡ bỏ biển hiệu nhà ăn, quán ăn bằng tiếng Trung Quốc xuất hiện ở Đà Nẵng.

Tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường chính thống và không chính thống, đã làm ăn không minh bạch làm cho bà con nông dân điêu đứng. Ông Huỳnh Hùng cảnh báo: Đã có rất nhiều dẫn chứng người Tàu đến Nam bộ có những âm mưu, thủ đoạn lũng đoạn, phá hoại kinh tế như mua ốc bươu vàng, đỉa, rễ hồ tiêu, lá khoai lang non… với giá cao, nhưng đến khi thu hoạch thì họ bỏ trốn.

Mới đây thôi, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, các thương lái Trung Quốc đã chơi kiểu tận thu ồ ạt cây chà dây (còn gọi là chè rừng) mọc trong rừng để mua với giá cao, nhưng chỉ thu gom được một thời gian ngắn thì biến mất không mua nữa, khiến cho hàng tấn chè rừng khô được người dân chất đống trong nhà.

 Nói về vấn đề người Trung Quốc đang xuất hiện nhiều ở TP.Đà Nẵng, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng dẫn chứng cụ thể: “Mình vô siêu thị quanh đây thấy người Trung Quốc loạn cả lên. Rồi vô thuê nhà dân, ra chợ mua hàng đem về nấu ăn cho rẻ bớt nữa. Còn thuê khách sạn thì thuê một lần 7 – 8 năm, nộp tiền trước một năm, bắt mua đồ mới vô lắp đặt rồi phá hư nát bét hết. Người ta la làng bên quận Ngũ Hành Sơn đó!”.

Lao động Trung Quốc làm việc trái phép tại các công trình thủy điện tại miền núi tỉnh Quảng Nam.

Để giải quyết vấn nạn người Trung Quốc cũng như văn hóa Tàu xâm nhập vào địa phương, ông Trần Thọ yêu cầu Giám đốc Sở VH-TTDL TP.Đà Nẵng có biện pháp xử lý ngay tình trạng bảng hiệu tiếng Trung Quốc tại các nhà hàng, khách sạn ven biển như đã được phản ánh.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TTDL TP Đà Nẵng thừa nhận, đã chỉ đạo cán bộ đi kiểm tra và thấy đúng như những gì người dân và báo chí phản ánh. Ngành văn hóa cam kết với người dân là không để xảy ra tình trạng các quán, nhà hàng ăn uống thích treo bảng hiệu tiếng Trung Quốc thế nào cũng được, tuyệt đối không để phố Tàu hình thành ở thành phố này.

Ngoài ra, một chuyện hết sức quan trọng, đó là nếu để người Trung Quốc xâm nhập vào một địa phương nhiều quá sẽ rất khó quản lý về an ninh, quốc phòng và kinh tế - một người dân nêu ý kiến.

Trong khi đó, Đại tá Đoàn Hồng Chương, Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP.Đà Nẵng cho biết, một số cựu chiến binh lo lắng, trong các khách sạn, nhà hàng do người Trung Quốc đầu tư thì không biết họ làm pháo đài trong đó sẽ như thế nào. Lâu dài số người Trung Quốc đang làm ăn tại địa bàn sẽ càng phát triển nữa dẫn đến rất khó quản lý.

Về vấn đề này, ông Trần Thọ cho biết, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nhận được phản ánh và đã chỉ đạo giao nhiệm vụ cho công an và quân đội của thành phố theo dõi.

Liên quan đến chuyện người Trung Quốc xâm nhập trái phép vào Việt Nam để làm ăn bất hợp pháp, vào cuối năm 2013, do đưa lao động người Trung Quốc chưa có giấy phép lao động vào làm việc tại công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4, tại huyện Nam Giang, Quảng Nam, một nhà thầu Trung Quốc đã bị phạt 570 triệu đồng. Đó là Công ty TNHH Sinohydro (Trung Quốc) - nhà thầu thi công công trình Thủy điện Sông Bung 4.

Trước đó, phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức kiểm tra phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 38 lao động người Trung Quốc đang làm việc trái phép cho nhà thầu Sinohydro tại Thủy điện Sông Bung 4.

Được biết, các công trình xây dựng nhà máy thủy điện tại vùng rừng núi Quảng Nam trước đó đã có hàng trăm lao động người Trung Quốc làm việc không phép và đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm.

          Đ.P