Cha sống trong ống cống, nuôi 4 con học đại học

15:47 | 10/08/2013

3,461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít ai nghĩ rằng bố của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến (một trong 17 thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội) hơn 10 năm nay mưu sinh nhiều nghề trên đất Thủ đô để kiếm tiền nuôi con ăn học. Càng ngạc nhiên hơn, khoảng thời gian ấy bác Nguyễn Hữu Định (bố Tiến) phải lấy ống cống, nhà vệ sinh làm “nhà” để chắt chiu từng đồng tiền kiếm được lo cho các con.

Chúng ta từng chứng kiến những thủ khoa của các trường Đại học, Cao đẳng có bố mẹ là công chức nhà nước, là công nhân, là nông dân. Nhưng thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội lại có hoàn cảnh thật đặc biệt: Người bố làm nghề vá xe phải ở trong ống cống.

Công việc kiếm sống hằng ngày của bác Định là sửa chữa xe máy và chạy xe ôm trên đường Lê Văn Lương kéo dài.

“Nhịn ăn, nhịn ở” nuôi con ăn học

Gặp bác Nguyễn Hữu Định là bố của em Nguyễn Hữu Tiến – thủ khoa ĐH Y (quê ở thôn Động Phú, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) tại “quán” sửa xe nhỏ, sơ sài ven đường Lê Văn Lương kéo dài.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, bác Định không giấu nổi vui mừng khi nói về hai cậu con trai sinh đôi sinh năm 1995 đỗ đại học Y Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm cao.

Với em Nguyễn Hữu Tiến vừa là thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27. Và cậu em trai song sinh là Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa (khối A, 26 điểm).

Trước Tiến còn có 1 người chị đang học năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; người chị thứ hai học năm thứ 3 CĐ Xây dựng trên Hà Nội. Hai người chị hiện đều ở ký túc xá của trường để tiết kiệm chi tiêu.

Vì con, bác Định không ngại vất vả khó khăn thậm chí ở ngoài đường hay ống cống

Ít ai biết rằng, để cho các con được ăn học đầy đủ, người cha nghèo Nguyễn Hữu Định đã phải lăn lộn ngoài thành phố làm nghề bơm vá, sửa xe đạp, ai thuê gì làm nấy đã hơn 10 năm nay.

“Làm nghề tự do, bấp bênh lắm, chẳng có thu nhập ổn định. Ngày nắng, đông khách được hơn trăm nghìn, ngày mưa vắng khách thì chẳng được đồng nào. Như mấy hôm nay mưa bão, từ sáng làm gì có khách nào đâu, ngày nào may mắn ai thuê bốc vác, hay chạy xe ôm để kiếm thêm lấy dăm ba chục. Thôi thì cứ lo cho chúng nó ăn học, có phải vay mượn cả đời, làm thuê cũng được”, bác Định tâm sự.

Công việc bấp bênh, nơi ở tạm bợ, xập xệ, lúc ngủ vỉa hè, ngủ nhờ chốt bảo vệ tòa nhà, ở gầm cầu… đến nhà vệ sinh công cộng hay tươm tất hơn là dựng lều lán ở tạm.

Chúng tôi thật ngỡ ngàng thấy bác Định đang sống nhờ chiếc cống bỏ hoang. Chiếc cống được bác "thiết kế" thành chỗ ngủ mà bác gọi đó là "nhà". Nó được che đậy bằng tấm gỗ công trường bỏ đi bác mang về chắp vá thành cửa che nắng, che mưa.

Bác kể: “Hơn 10 năm nay mưu sinh ngoài thành phố làm thuê, ăn một nơi, ngủ một nơi, nghỉ một nơi, phải đi nhờ vả chứ làm gì có biết đến nhà trọ, quạt điện, đèn điện là như thế nào, cứ sống nhờ vả, dặt dẹo thế này thôi!”.

Bác Định hiện đang trú trong một ống bê tông bỏ hoang. Trời mưa bão, bác phải kiếm thêm một tấm ván cũ để che chắn

Bác tâm sự về mấy năm trước làm nghề sửa xe ở chợ Cầu Giấy, đường Láng rồi đến đường Lê Văn Lương, nhiều lần không có chỗ ngủ, gặp trận mưa to phải ngủ nhờ phòng để đồ của nhà vệ sinh công cộng, hay nằm ở các bốt điện thoại, cây rút tiền tự động. Có khi mệt quá, bác kiếm tạm mái hiên của một ngôi nhà nằm hơi khuất với mặt phố để ngủ tạm. Có những lần ngủ vỉa hè, bác phải chờ đến 9, 10 giờ tối mới dám ngủ, đến 4h sáng phải dậy vì sợ người ta đi lại nhiều.

Canh cánh một nỗi lo

Nói đến hai cậu con trai sinh đôi với ánh mắt tự hào, bác Định kể rằng: "Mừng vì hai anh em thằng Tí (Tiến, Tiền) hiếu học. Nhiều lúc về nhà, thấy đã khuya mà chúng vẫn ngồi trên bàn học, tôi cứ mắng nó “học nhiều mụ đầu, loạn chữ” nhưng chúng không chịu.

Chiếc bàn học của hai đứa lúc nào cũng thấy sách vở, đi học về là thấy cầm sách để học, trao đổi với nhau. Hàng xóm láng giềng kể, hai anh em nó đi chăn bò ngoài đồng, đạp xe đi học vẫn thấy chúng cầm sách vở tranh thủ học”.

Bác Định còn kể rằng, hai em rất thương bố mẹ, chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ các công việc như chăn bò, cấy gặt… “Thương mẹ vất vả, trưa 12h đi học về chúng nó lại đạp xe ra đồng cấy, hai anh em bảo cấy được cây nào hay cây đó. Chúng cấy khéo như con gái vậy, nhanh mà chịu thương chịu khó. Hai đứa không chơi bời chỉ chú tâm vào học mà thôi.

Thương con học đêm khuya vất vả, bà nhà tôi mua cho thùng mì tôm ăn đỡ đói. Nhiều lần, nửa đêm tôi còn thấy chúng nó ra ngoài sân đi lại, vận động chân tay để tránh cơn buồn ngủ rồi vào học tiếp”, bác Định xúc động nói.

Biết hoàn cảnh nhà mình nghèo, các con bác luôn phấn đấu học, từ nhỏ đến lớn, Tiến và Tiền đều là học sinh xuất sắc, có thành tích cao trong học tập, được bạn bè yêu mến, thầy cô tin tưởng.

Cuộc sống khó khăn là thế nhưng bác Định vẫn luôn có một niềm tin bởi những người con ham học, ngoan ngoãn

“Hai đứa đều thật thà, chất phác, khiêm tốn, thằng Tiến đỗ thủ khoa mà có nói với tôi đâu, hai thằng thi điểm cao mà chẳng nói với ai trong gia đình. Hỏi nó không nói, cứ bảo chưa có điểm, đến khi các kênh thông tin truyền thông đưa tin, thầy giáo chủ nhiệm, chị gái nó báo về, hai vợ chồng tôi mới biết nó thủ khoa 29,5 điểm”, bác Định tâm sự.

Cuộc sống vất vả là thế, gia đình khó khăn là thế, sắp tới 2 người con trai của bác cũng sẽ học đại học. Hai vợ chồng bác, người vặt lông vịt thuê cả đêm ở quê, người kiếm dăm ba chục ở thành phố cũng chỉ mong sao các con đỗ đạt, có tấm bằng đại học, có công ăn việc làm để thoát nghèo.

Được biết, ở quê nhà, bác Thanh – vợ bác Định một mình cấy hái gần mẫu ruộng, ngoài ra còn phải đi vặt lông vịt thuê ở gần nhà từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng với thù lao gần 3.000 đồng/con để kiếm đồng ra đồng vào, lo cho các con ăn học.

Niềm vui tràn ngập cùng sự tự hào của gia đình, lời chúc mừng của họ hàng, bà con làng xóm dành cho hai anh em sinh đôi. Nhưng đằng sau niềm vui, hạnh phúc ấy là nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, nỗi trăn trở mưu sinh của người cha nghèo nuôi mẹ già tuổi cao và 4 người con học đại học trên thành phố.

N.Hoan - H. Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc