Cảnh giác đặc biệt với bệnh viêm màng não mủ

06:50 | 19/08/2014

2,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Viêm màng não mủ đang là nỗi kinh hoàng không chỉ của bệnh nhân mà còn cả các y, bác sĩ khi trở thành bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh dễ bị các di chứng nặng nề như: Ðiếc, liệt, chậm phát triển về hệ thần kinh… và rất có thể phải sống thực vật suốt cuộc đời.

Năng lượng Mới số 347

Triệu chứng thông thường

Ðược đưa vào Khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong tình trạng sốt cao, hôn mê và co giật, bé Nguyễn Phú Hoàng (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) đã phải nằm viện cả tuần nay. Theo phụ huynh của bé Hoàng thì ban đầu bé chỉ bị ho, sốt nhẹ, mũi dãi nhiều và hay quấy khóc, tưởng con mọc răng bị sốt là bình thường nên phụ huynh an tâm rằng cho bé uống thuốc hạ sốt thì sẽ khỏi. Không ngờ đến ngày thứ 3 bé Hoàng sốt cao, không thể hạ sốt, gia đình mới vội vàng đưa bé vào viện cấp cứu. Thấy bé Hoàng có những biểu hiện của hội chứng viêm màng não mủ, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bé Hoàng bị viêm màng não mủ do vi khuẩn.

Rất may là bé Hoàng đã được đưa đến bệnh viện kịp thời nên sau một tuần điều trị bé đã dần bình phục. Biểu hiện bệnh của bé Hoàng là điển hình của rất nhiều bệnh nhân bị viêm màng não mủ. Những triệu chứng này không quá khác biệt so với biểu hiện của bệnh cảm sốt thông thường, hay thấy ở trẻ nên rất nhiều bậc phụ huynh đã chủ quan, chỉ khi trẻ có biểu hiện nặng mới cuống cuồng đưa con tới các cơ sở y tế để khám. Trong khi đó, viêm màng não mủ lại là một bệnh cấp tính, khi để lâu trẻ sẽ dễ gặp biến chứng nặng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai thì: “Trường hợp trẻ được điều trị bệnh sớm trong 3 ngày đầu tiên của chu kỳ thì khả năng khỏi hẳn sẽ cao, còn càng để lâu thì bệnh càng khó chữa, dễ gặp biến chứng đáng tiếc, thậm chí dẫn tới tử vong nhanh”.

Dẫn lời PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng kể trong quá trình công tác, ông đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị biến chứng do gia đình chủ quan đưa trẻ đến chữa trị quá muộn. Ðiển hình trường hợp của bé P.T.T (Phúc Thọ, Hà Nội) khi được đưa đến bệnh viện thì bé bị co giật liên hồi, không nhận thức được mọi thứ xung quanh, cũng không tự nhai nuốt được thức ăn nên các bác sĩ phải đặt ống thông từ mũi vào dạ dày cho bé… Nguyên nhân gia đình cứ lần lữa không đưa trẻ sớm đến các cơ sở y tế là bởi nghĩ bé chỉ bị cảm nắng thông thường mà tự uống thuốc hạ sốt, nhưng rồi bệnh tình không những không thuyên giảm mà bé còn sốt cao và có hiện tượng co giật mạnh. Ðến khi đưa đến viện đã trong tình trạng nguy kịch, cộng thêm sức đề kháng của bé quá yếu dẫn đến việc điều trị vất vả hơn. Thời gian sau điều trị bé vẫn bị di chứng về hệ thần kinh, luôn trong trạng thái lờ đờ, phản ứng chậm với các tình huống gặp phải.

Cảnh giác đặc biệt với bệnh viêm màng não mủ

Bệnh nhi điều trị viêm màng não mủ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì biến chứng ở bé P.T.T là còn nhẹ, bởi tỷ lệ tử vong trong trường hợp không được chữa trị kịp thời là rất cao. Với những bệnh nhân để lâu thì tỷ lệ tử vong chiếm đến 70%. Những biến chứng gần nhất khi bị mắc bệnh viêm màng não mủ thường là bị sốc do nhiễm khuẩn, liệt thần kinh khu trú, suy hô hấp, phù não, hạ đường máu, tràn dịch rồi đến viêm não, áp-xe não… Nặng nề hơn đối với trẻ nhỏ bị mắc bệnh này thì có 9% biến chứng liên quan đến vấn đề về nhân cách, 28% giảm hoặc mất thính lực dẫn đến mù lòa, rối loạn hành vi hoạt động hay chậm phát triển trí não… Như vậy là vô cùng nguy hiểm.

“Thuốc ngừa” từ…môi trường sống

Bệnh viêm màng não mủ dễ dàng bùng phát ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng những năm gần đây thì xuất hiện nhiều ở mùa hè. Hiện tại, chỉ tính riêng Khoa Nhi, BV Bạch Mai thì mỗi tuần tiếp nhận 1-2 bệnh nhân bị viêm màng não mủ. Còn ở BV Nhi Trung ương thì trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5-6 bệnh nhân. Theo đánh giá thì con số này không quá vượt trội so với mọi năm nhưng mức độ lây nhiễm và xuất hiện biến chứng từ bệnh khác gây viêm màng não mủ khiến các y, bác sĩ phải lo lắng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì bệnh viêm màng não là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây tổn thương chủ yếu ở màng não, đặc biệt hay gặp ở trẻ sơ sinh và đang còn bú. Với những đối tượng này sức đề kháng còn quá yếu nên bệnh đang là mối lo ngại không chỉ cho người dân mà còn cả các y, bác sĩ. Bởi biểu hiện của bệnh khó mà phân biệt với những bệnh thường gặp khác ở trẻ. Tùy từng độ tuổi, trẻ có những biểu hiện khác nhau nhưng khởi bệnh bằng các hiện tượng như sốt cao, nôn trớ, quấy khóc, viêm đường hô hấp… là thường gặp. Chỉ khi để lâu thì mới xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác như chân tay tê cứng, thị giác kém với ánh nhìn vô cảm… thì đã chuyển sang giai đoạn nặng. Trong khi đó, viêm màng não mủ thời gian gần đây đã có hiện tượng phát bệnh do biến chứng từ những bệnh khác.

Ðiển hình, Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân nhiễm viêm màng não mủ do biến chứng từ viêm tai mãn tính. Thêm nữa, lại có những hiện tượng nhầm lẫn giữa viêm màng não do virus và viêm màng não mủ do vi khuẩn. Bệnh viên màng não mủ do vi khuẩn điều trị gặp nhiều áp lực hơn, nếu chậm thì biến chứng để lại cho bệnh nhân là rất nặng nề. Hiện tại, hai phương pháp xác minh rõ ràng giữa hai loại bệnh này nhanh nhất đó là tiến hành chọc dịch não tủy. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến trẻ nên không đồng ý làm theo phương pháp này, dẫn đến việc phát hiện bệnh cho trẻ bị chậm. Thực tế thì, hiện tại chọc tủy là phương pháp xét nghiệm cần thiết, là yếu tố căn bản quyết định đến định hướng điều trị cho bệnh nhân.

Theo nghiên cứu thì phần lớn bệnh viêm màng não mủ do virus Haemophilus influenzae, não mô cầu (Neisseria meningitis) và phế cầu gây ra. Nên biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccine ngừa viêm màng não mủ (Hib) cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Thêm nữa, viêm màng não mủ cũng là căn bệnh có mức lây nhiễm nguy hiểm, có thể lây nhanh qua đường hô hấp, đường máu, bệnh ngoài da… Vậy nên, ngoài việc tiêm phòng bằng vaccine thì việc phòng ngừa từ môi trường sống cũng là cần thiết. Ðây đang được xem là yếu tố tiên quyết, quyết định dịch viêm màng não mủ có bùng phát hay không. Ðiều này đã được PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Viêm màng não mủ là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có những biến chứng vô cùng phức tạp. Còn việc phòng tránh tốt nhất vẫn phải là từ môi trường môi trường sống. Xây dựng một môi trường vệ sinh chung trong sạch, lành mạnh là điều vô cùng cần thiết”.

“Viêm màng não mủ là một bệnh nặng, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho con em mình bằng các biện pháp sau đây: Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp như sổ mũi, hắt hơi, ho, viêm họng... cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, tập thói quen đánh răng ngày 3 lần, buổi sáng sau khi thức dậy, sau bữa ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi trẻ mắc bệnh về đường hô hấp thì cần cho trẻ điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ.

Ðối với các địa phương đang có dịch viêm màng não mủ hoặc có trẻ nghi mắc bệnh viêm màng não mủ thì cần cách ly bệnh nhi, tránh cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Phải sử dụng khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất vẫn là dùng vaccine phòng bệnh” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo.

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.