Cần nói với trẻ 9, 10 tuổi các vấn đề về giới và sức khỏe sinh sản

21:57 | 27/04/2014

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ, thầy cô không nói đến các vấn đề giới, sức khỏe sinh sản thì trẻ vị thành niên vẫn tiếp xúc và biết đến điều này qua các kênh thông tin. Việc tự tìm hiểu ấy dễ dẫn đến nhiều cái hại hơn cái lợi. Do đó buổi tọa đàm được tổ chức để giúp học sinh có được một đời sống tinh thần lành mạnh, an toàn.

Bác sỹ Phạm Vũ Thiên chia sẻ với phụ huynh, thầy cô và học sinh trong buổi tọa đàm.

 

Ngày 27/4, Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số phối hợp với THCS Lê Lợi và THCS Lý Thường Kiệt, bảo tàng Dân tộc học Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm  “Cùng trò chuyện với vị thành niên về giới và sức khỏe sinh sản” tại tòa nhà Đông Nam Á thuộc bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội. Tại đây, học sinh được giao lưu, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc của bản thân với bác sỹ, thầy cô và phụ huynh về vấn đề giới và sức khỏe sinh sản. Bởi ở Việt Nam, vấn đề này không dễ được nói ra đối với trẻ vị thành niên, không nên biết khi còn nhỏ tuổi…  

Thật buồn vì trước giờ diễn ra tọa đàm, khi tham quan triển lãm “Chuyện của người đang lớn”, đi qua khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật nói đến vấn đề “tình dục an toàn” trẻ vị thành niên quay mặt đi vì xấu hổ. Nhìn qua các “con mắt” bên trong chứa những hình ảnh nói về các bệnh lây lan qua đường tình dục, các em học sinh trung học kêu “eo ơi, kinh quá”, mặt đỏ bừng chạy đi chỗ khác. Hoặc đi qua ô hình chiếc váy và dương vật được làm bằng những chiếc bao cao su, các em chỉ lướt nhanh không dám đứng lại tìm hiểu vì ngượng ngùng, sợ thầy cô, bạn bè biết sẽ để ý, trêu trọc… trong khi đó ở lứa tuổi này, các em phải được học, được chia sẻ ừ lâu rồi.  

Theo chia sẻ của bác sỹ Phạm Vũ Thiên (Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số) thời điểm để nói với trẻ các vấn đề về giới và sức khỏe trước khi sự kiện dậy thì diễn ra tức trẻ 9, 10 tuổi đã phải nói rồi. Ở độ tuổi này, cha mẹ, thầy cô không nên nói một lần tất cả các vấn đề mà phải nói nhiều lần theo từng giai đoạn.

Ví dụ trong giai đoạn dậy thì, cha mẹ, thầy cô chia sẻ với trẻ các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý trong độ tuổi dậy thì cũng như cách vệ sinh và bảo vệ bản thân mình khỏi bị xâm hại tình dục.

“Nếu con khoảng 12, 13 tuổi có hỏi làm thế nào để phòng tránh có thai một cách an toàn, bậc phụ huynh cũng như thầy cô đừng mắng trẻ hoặc nói con chưa đến tuổi để biết rồi nghĩ ngay đến chuyện con mình đang có vấn đề gì đây… Bởi đây là điều rất bình thường khi trẻ vô tình gặp thì hỏi. Theo đó, bậc phụ huynh, thầy cô hãy bảo với trẻ cách tránh thai an toàn ở độ tuổi của con chính là không để cho những người khác giới có cơ hội đến gần, tiếp xúc với bộ phận sinh dục của con. Khi nào trẻ lớn hơn thì giải thích chi tiết hơn…”.

Khi trẻ 15, 16 tuổi, cần nói với trẻ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là vấn đề tình dục an toàn… Có như thế trẻ vị thành niên mới biết cách bảo vệ bản thân, hướng đến cuộc sống lành mạnh.  

Tuy nhiên, để làm được những điều trên, cha mẹ, thầy cô cần phải mở rộng vòng tay đón nhận những thắc mắc của trẻ. “Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để hươu tự chạy sai” bởi vấn đề giới tính, tình dục không có lỗi. Và khi chia sẻ, cần thẳng thắn trao đổi, nghiêm túc trong mọi vấn đề, đừng bao giờ mang trải nghiệm của bản thân để áp đặt vào những tình huống trẻ gặp phải trong cuộc sống…    

Ngọc Diệp