Cấm xe giường nằm 2 tầng: Muốn nhanh cũng phải... từ từ!

19:01 | 18/09/2014

2,204 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm 2013 đến nay, 90% các vụ xe khách gặp tai nạn là xe giường nằm. Trước tình trạng đáng báo động này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các ban ngành, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý với loại hình xe khách giường nằm. Đặc biệt, sau vụ xe khách giường nằm lao xuống vực làm 14 người chết xảy ra tại Lào Cai, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ yêu cầu loại phương tiện này không được hoạt động trên đường đèo dốc, miền núi.

Bên cạnh đó, ngày 18/9, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị tạm ngừng sản xuất xe giường nằm hai tầng cho đến khi có quy chuẩn về an toàn phương tiện.

Ngoài việc kiến nghị ngừng sản xuất, văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nêu rõ, đối với các xe đang hoạt động, cần có biện pháp hoán cải như bỏ giường nằm dãy giữa xe, tạo lối đi lại thông thoáng và dễ thoát hiểm. Đồng thời cần làm thêm một cửa giữa xe và bố trí nhà vệ sinh phục vụ hành khách.

Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định cấm xe giường nằm theo lộ trình, để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng xe giường nằm đã hoán cải, như thử tải ở đường đồng bằng, đèo núi bằng phương pháp khoa học và đo đạc độ lắc bằng thiết bị máy móc hiện đại.

Hình ảnh bên trong một chiếc xe khách giường nằm.

Liên quan đến kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về quy định xe khách giường nằm hai tầng không được hoạt động trên đường đèo dốc hay miền núi, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất xe giường nằm bày tỏ quan điểm, cần xem xét một cách toàn diện từ tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn của xe trong đăng kiểm, cũng như các vấn đề người điều khiển phương tiện.

Còn theo ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe khách giường nằm hiện có hơn 4.500 chiếc. Theo quy định hiện hành đều được thẩm định, kiểm tra theo tiêu chuẩn, sự an toàn của xe không chỉ  do chất lượng phương tiện mà còn phụ thuộc vào cung đường, người lái. Trong hai năm 2012 và 2013, cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe khách giường nằm. Trong đó có 19 trong số 22 vụ xảy ra từ 21h tối đến 7h sáng và 30% số vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo núi.

Trước kiến nghị ngừng sản xuất hay không được hoạt động tại các cung đường đèo dốc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách và nhà sản xuất xe giường nằm hai tầng phản ứng và cho rằng, loại phương tiện này bảo đảm chất lượng, an toàn khi lưu thông, có kích thước phù hợp với đường sá và địa hình Việt Nam.

Cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu và ban hành quy chuẩn về loại hình vận tải hành khách này, cũng như địa hình hoạt động đảm bảo an toàn. Sau đó hậu kiểm về chất lượng, cũng như mức độ an toàn khi lưu thông trên đường. Không nên cấm sản xuất hay không cho lưu hành một cách đột ngột. 

Dẫn chứng về việc này, đại diện Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải cho hay, từ năm 2006 đến nay, đơn vị này đã bán ra thị trường 2.665 xe giường nằm. Trong đó có nhiều xe chạy trên địa hình đồi núi ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và trên các tuyến đường có địa hình đèo dốc. Hiện, công ty chưa nhận được phản hồi nào về sự cố tai nạn do lỗi kỹ thuật. 

Như vậy, chỉ tính riêng nhà sản xuất ô tô Trường Hải thì toàn quốc đã có gần 3 nghìn chiếc xe khách giường nằm đang hoạt động. Nếu lệnh cấm loại xe này được ban hành, những phương tiện này sẽ dùng để làm gì? Bao nhiêu doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải hành khách này sẽ phá sản?

Thiết nghĩ, thay vì cấm, các cơ quan chức năng liên quan nên tổng kiểm tra loại phương tiện vận tải hành khách này. Từ kết quả thanh kiểm tra này, sẽ là căn cứ để ban hành quy chuẩn chất lượng và địa hình hoạt động phù hợp nhất.

Đó mới là lời giải cho bài toán "xe giường nằm"!

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc