Cấm bán rượu bia sau 22 giờ: Thành phố lớn thí điểm trước?

20:23 | 23/07/2014

1,013 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo Luật phòng chống tác hại bia rượu những ngày qua đang là tâm điểm dư luận với nhiều quy định được cho là không khả thi. Trong buổi gặp mặt báo chí chiều 23/7, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã giải trình những bất cập trong dự thảo mới và đưa ra đề xuất các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… sẽ là nơi thí điểm trước. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng trên toàn quốc.

Khẳng định Dự thảo Luật mới chỉ đang trong thời gian “trưng cầu dân ý” để đi đến quyết định cuối cùng có tính khả thi nhất, bà Trần Thị Trang đưa ra 3 phương án:

Thứ nhất: Sẽ cấm bán rượu bia từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhưng chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định theo danh mục và có lộ trình cụ thể. Lộ trình này sẽ theo quy định của Chính phủ để phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Nếu những tuyến phố kinh doanh điển hình như khu phố Tây Tạ Hiện (Hà Nội) và Bùi Viện (TP HCM) là nơi khách du lịch đến nhiều thì có thể sẽ được cấp phép bán sau 22 giờ.

Thứ hai: Thời gian và địa điểm cấm sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành quy định. Một số địa phương như TP HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa… là những thành phố lớn có tác động từ bia rượu đến đời sống an ninh, trật tự xã hội nhiều hơn cả. Các thành phố này sẽ triển khai trước, khi hiệu quả sẽ nhân rộng toàn quốc.

Thứ ba: Chỉ hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong dự thảo Luật.

Phố bia hơi Tạ Hiện (Hà Nội)

Cả ba phương án này được đưa ra khi đã tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Hiện có 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN quy định thời gian cấm bán rượu bia. Đa số các nước có quy định cấm là từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ hoặc 8 giờ sáng ngày hôm sau và có hiệu quả. Lý giải về việc cấm bán rượu bia cho thanh niên dưới 18 tuổi, bà Trang cho rằng chỉ “kế thừa” từ những quy định trước đây. Cụ thể tại các điều luật về Bảo vệ sức khỏe vị thành niên đều cấm bia rượu đối với người chưa đủ 18 tuổi.

Sau khi đưa ra 3 phương án được đề xuất trong Dự thảo Luật cũng có ý kiến đồng thuận cho rằng việc “khoanh vùng” thực hiện ở những thành phố lớn là hợp lý. Tuy nhiên về mặt cơ quan quản lý, lực lượng giám sát ra sao thì vẫn còn nhiều e ngại. Bởi lâu nay việc thực thi Luật ở Việt Nam còn quá yếu kém với nhiều lý do liên quan đến lực lượng mỏng và yếu. Hơn nữa, việc phân biệt đâu là khách hàng chưa đủ 18 tuổi, bà mẹ mang thai, đang cho con bú… là khó khăn.

Để Luật được thực thi bà Trần Thị Trang khẳng định: “Bộ Y tế sẽ ưu tiên việc tuyên truyền giáo dục, và truyền thông là biện pháp hàng đầu. Nội dung tuyên truyền về pháp luật đánh vào trách nhiệm nghĩa vụ của người thực hiện, đồng thời tiến hành vận động người kinh doanh cũng như người dân được hiểu biết hơn về quy định. Từ đó sẽ có sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi”. Như vậy là ý thức người dân vẫn là vấn đề cốt lõi để Luật phòng chống tác hại bia rượu được đi vào đời sống.

Hiện tại dự thảo này mới đang trong quá trình soạn thảo, Bộ Y tế chưa ban hành hay trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội vào năm 2015. Nếu được đồng thuận, nghị định sẽ ban hành vào năm 2016.

Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc