Bạo lực học đường: Vì giáo dục thiếu và yếu

07:00 | 23/12/2014

1,185 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học và tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam vừa công bố: Có khoảng 80% học sinh đã từng bị bạo lực học đường ít nhất một lần ngay tại trường; 71% học sinh bị bạo lực trong 6 tháng qua sau khi khảo sát hơn 3 nghìn học sinh tại 30 trường THCS, THPT trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Đây thực sự là những con số đáng lo ngại về tình trạng bạo lực mà trong những năm qua trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong môi trường được coi là an toàn, thân thiện như trường học. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 383

PV: Thưa ông, định nghĩa của UNESCO so sánh với quan niệm “bạo lực học đường” truyền thống của chúng ta có gì khác?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Nói đến “bạo lực” là chúng ta thường nghĩ ngay đến chuyện xô xát, đánh đấm nhau, dẫn đến tổn thương không chỉ về thân thể mà về cả tinh thần và đó là quan niệm truyền thống về bạo lực. Thế nhưng theo định nghĩa của UNESCO mà tổ chức Plan đã áp dụng khi khảo sát thì bạo lực rộng hơn nhiều, gồm sự xâm hại về thân thể, quấy rối, xâm hại tình dục, bạo lực tinh thần, bắt nạt.

Cụ thể đối với bạo lực thân thể bên cạnh chuyện đánh đập còn là giật tóc, ném đá, xô đẩy nhau, đe dọa bằng dao hoặc vũ khí… Quấy rối và xâm hại tình dục: Không chỉ là ép buộc tình dục mà còn cả bình luận về hoạt động, hành vi tình dục, thực hiện những hành vi tục tĩu, lan truyền tin đồn tình dục và cố tình cũng như ép buộc sờ chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người khác giới. Bạo lực tinh thần thì rộng hơn rất nhiều so với quan niệm truyền thống khi bao gồm cả tẩy chay, loại trừ, bắt nạt người khác, đe dọa bằng lời nói hoặc văn bản, sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm. Thậm chí đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, điều kiện gia đình hay gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh… cũng là bạo lực.

TS Nguyễn Tùng Lâm

PV: Với quan niệm rộng hơn như vậy, ông đánh giá như thế nào về định nghĩa bạo lực học đường của UNESCO?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi được biết, định nghĩa này của UNESCO được đưa ra vào năm ngoái và khi áp dụng nó để thực hiện cuộc khảo sát bạo lực học đường tại 30 trường trên địa bàn Hà Nội mới có con số đáng ngại như vậy. Còn nếu theo quan niệm truyền thống của chúng ta về bạo lực mà có con số ấy thì khủng khiếp quá, xã hội phải đặt trong tình huống bất an ngay. Tuy nhiên, dẫu ở hình thức nào, tất cả những hình thức làm tổn thương con người kể trên cũng đều phải lên án, đồng thời tìm ra giải pháp ngăn chặn, chấm dứt.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo lực học đường như vậy, thậm chí cả khi chưa áp dụng định nghĩa mới của UNESCO?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi có 2 nguyên nhân: Một là, tâm lý lứa tuổi, như chúng ta đã thấy trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, bạo lực học đường diễn ra chủ yếu ở 2 cấp học: Trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ở lứa tuổi này, học sinh đang chuyển từ giai đoạn nhỏ sang lớn, thiếu niên sang thanh niên… cho nên có rất nhiều biến động trong tâm lý. Biến động ấy là: Dễ bị kích động, tổn thương, nhạy cảm, chưa nhận thức được đầy đủ nhưng lại muốn khẳng định mình vì vậy dễ sinh ra hành động bộc phát mang tính bạo lực.

Đối với những học sinh hiếu động, hành vi này còn thể hiện rõ hơn nữa. Có em coi việc đánh bạn, bắt nạt bạn là “sở thích”, là “đùa vui” chứ không hiểu được đó là bạo lực. Thậm chí có học sinh mà tôi biết còn lấy việc đánh bạn, trấn áp bạn là “thói quen”, là hình thức thể hiện “sức mạnh” của mình… Nói chung những điều đó xảy ra là do tâm lý.

Thứ hai là, phương thức giáo dục của bố mẹ và nhà trường. Người ta có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” tuy nhiên không hẳn vậy. Bởi mỗi đứa trẻ, môi trường quyết định rất lớn tính cách của chúng. Nếu sinh ra và lớn lên trong môi trường đầy tình yêu thương, sự tôn trọng được thể hiện rõ rệt giữa những người thân của đứa trẻ với nhau thì đứa trẻ sẽ thừa hưởng tất cả những tính cách ấy.

Cộng thêm sự giáo dục chu đáo thì nhân cách của trẻ sẽ trở nên đầy đặn và ý thức rõ những gì được cho là bạo lực. Nhưng ngược lại, sinh ra trong một gia đình lấy bạo lực là phương thức giáo dục chính (cả bạo lực thể xác lẫn tinh thần) thì đứa trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tính cách này, thậm chí coi đó là việc… bình thường và sẽ ứng xử với người khác hệt vậy. Hoặc cha mẹ không quan tâm tới con cái, chỉ lo mưu sinh kiếm tiền cũng dễ khiến trẻ trở nên bạo lực do tiếp nhận, “bắt chước” từ ngoài xã hội.

PV: Nguyên nhân từ hình thức giáo dục của nhà trường thì sao, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Một điểm yếu và thiếu của giáo dục hiện nay là chỉ thiên về giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục nhân cách, đạo đức của con người. Tôi chỉ lấy ví dụ như này: Đối với THPT, giáo dục đạo đức hiện chỉ trông vào giờ giáo dục công dân và sinh hoạt lớp - khoảng 90 phút/tuần (mỗi tiết 45 phút) trong khi còn lại là kín đặc các tiết dạy kiến thức. Giờ học quân sự, trước đây học sinh tập trung học 1 tuần vào đầu năm học thì nay học như một tiết chính thức với số lượng 2 tiết/tuần.

Một cảnh bạo lực giữa học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cả biên chế cho giáo viên quân sự tại các trường. Nhưng với giáo viên dạy tâm lý, kỹ năng sống thì Bộ không cho biên chế. Điều đó chứng tỏ giáo dục nhân cách của học sinh hiện nay bị xem nhẹ hơn việc giáo dục kiến thức như thế nào. Đã vậy, hình thức giáo dục ở mỗi tiết đạo đức lại nặng về hình thức, mang tính rao giảng mà không thiết thực, thiên về trừng phạt hơn là giải thích, phân tích kỹ lưỡng cho học sinh hiểu mỗi khi các em mắc sai lầm.

Một điểm dễ thấy là như thế này, nếu người thầy đánh mắng học sinh, thậm chỉ sỉ nhục học sinh và trừng phạt học sinh thì đó chính là cách giáo viên đã “giáo dục” cho học sinh trong việc ứng xử với người khác. Mà hiện tượng này hiện không hiếm trong học đường. Cùng với đó là không cho các em một sự trải nghiệm trong khi sự trải nghiệm này rất quan trọng, cụ thể như: Phải biết nói lời yêu thương như thế nào, kèm theo đó phải hành động ra sao để thể hiện tình yêu thương… Cho nên tất cả những điều đó đã làm cho tình trạng bạo lực học đường thay vì giảm xuống thì càng tăng lên rõ rệt do phương thức giáo dục đã không đủ “ngấm” vào các em và cũng chưa đến nơi đến chốn. 

PV: Để giải quyết tình trạng trên, theo ông phải làm như thế nào?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Phải đẩy mạnh giáo dục nhân cách bằng cách tăng cường giờ học đạo đức, thay đổi phương thức giảng dạy từ nặng về lý thuyết sang bài học thực tế, tức là phân tích trên từng trường hợp thực tế xảy ra trong học đường, trong gia đình hoặc qua ứng xử giữa thầy - trò, giữa học sinh với học sinh… Bên cạnh đó, là giáo dục cho học sinh hiểu rõ 12 giá trị sống gồm giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, giá trị khoan dung, giá trị trách nhiệm… Và một phần không thể thiếu là giáo dục pháp luật cho học sinh đặc biệt là những điều luật gần gũi với đời sống của học sinh…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc