Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

08:31 | 26/02/2013

1,410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh là vinh dự và trách nhiệm của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Tối 25/2, tại Nhà Thái học, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới.

Tới dự buổi lễ có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Trưởng văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marine, cùng một số đại sứ, tham tán các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử... và đông đảo nhân dân Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn của nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Trong những năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa chỉ tham quan, tìm hiểu, học tập của nhân dân trong nước và du khách quốc tế cùng nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Di tích làm rạng rỡ văn hóa, lịch sử sâu rộng của dân tộc Việt Nam; tôn vinh nền văn hóa, nền giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, quý đức, quý tài của dân tộc Việt Nam. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng của mỗi quốc gia. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng trường tồn, vĩnh cửu của tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh là vinh dự và trách nhiệm của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo Thủ đô, ngành văn hóa, giáo dục Thủ đô, mỗi gia đình và người dân Thủ đô sẽ có sáng kiến và cách làm riêng của mình để con cháu và thế hệ thanh niên hiểu sâu sắc hơn, tự hào hơn về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về truyền thống hiếu học để giữ nước và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng vào thời nhà Lý (thế kỷ XI) với cấu trúc nhiều hạng mục: Khu vực nhập đạo; Khu thành đạt – nơi có công trình Khuê Văn Các biểu tượng của Thủ đô Hà Nội: Khu nhà bia Tiến sĩ – nơi lưu giữ 82 tấm bia đá Di sản tư liệu thế giới; Khu Điện Đại Thành – nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền Nho học; Khu Thái học là nơi tôn vinh Hoàng đế Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và các bậc danh nhân.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chức năng là nơi thờ Khổng Tử - nhà tư tưởng, người xây nền móng cho Nho học với những nghi lễ trang trọng được tổ chức hàng năm, cũng là nơi đào tạo bồi dưỡng tri thức của Nhà nước phong kiến.

Những người được bổ nhiệm đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều là những đại khoa, nhà khoa bảng lớn, có tâm và tầm để đóng góp vào sự phát triển của dân tộc. Vì vậy Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một cơ quan rất quan trọng của triều đình thời bấy giờ.

Trưởng văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marine trao Bằng công nhân Di sản Tư liệu Thế giới cho 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Phát biểu tại Lễ trao bằng Di sản tư liệu thế giới đối với 82 tấm bia đá Tiến Sĩ tại Văn Miếu – Quốc tử Giám, TS. Katherine Muller – Marin Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cái nôi trí tuệ Việt Nam; Bản thân Văn Miếu chính là một kho tàng tri thức và ước vọng đạt tới trình độ giáo dục uyên bác nhất”.

Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo hàng ngàn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước, là trung tâm giáo dục lớn nhất nước ta thời xưa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là nơi hun đúc nên biết bao truyền thống văn hóa quý báu, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc. Chính vì thế, trong các thế hệ người Việt Nam đều luôn tôn vinh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, coi đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

82 tấm bia Tiến sĩ lưu giữ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng cho 82 khoa thi trải gần 300 năm (từ 1442 -1779), là những hiện vật quý giá, chứng tích cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chứa đựng sử liệu liên quan đến 1306 nhà trí thức, khoa bảng hàng đầu của đất nước.

Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của khoa thi Tiến sĩ. Những tư tưởng về triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài luôn được khắc rõ trên những bài văn bia ở đây.

Tính độc đáo và duy nhất của các tấm bia được lưu giữ, bảo tồn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là sự khẳng định truyền thống giáo dục, yêu nước, thương dân của các bậc hiền nhân, đồng thời thể hiện tính nghệ thuật độc đáo trong mỗi bài kí khắc họa trên bia. Tất cả đều là một áng văn chương mẫu mực, là nguyên lí thể hiện truyền thống trọng dụng nhân tài – nguyên khí của quốc gia.

Với những giá trị đó, đầu tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. 

Tháng 5/2012, khu di tích quan trọng này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.