Văn nghệ sĩ - kỳ vọng và đề xuất

07:00 | 31/08/2014

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ vừa thể hiện những lo lắng, cảnh báo trước bức tranh đạo đức xã hội đang có chỗ rệu rã. Những kiến nghị, đề xuất được đưa ra, nhưng những hành động để cải thiện xã hội bằng văn học nghệ thuật lại chờ đợi chính các văn nghệ sĩ trên con đường sáng tác của họ.

Năng lượng Mới số 352+353

Loang lổ bức tranh đạo đức

Hội thảo khoa học “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của văn học nghệ thuật” vừa được Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, VHNT, văn nghệ sĩ. Những vấn đề được nêu lên, trình bày tại hội thảo, cho thấy mối quan tâm của giới văn nghệ đối với sự phát triển, giáo dục của xã hội hôm nay, đặc biệt là những bức xúc, lo lắng trước sự xuống cấp về đạo đức, nhân phẩm, sự lũng đoạn của những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực trong cuộc sống.

Khi bàn về vấn đề văn học và đạo đức, nhìn từ lịch sử văn chương nước nhà, GS Phong Lê liên hệ đến hiện tại: Thực trạng vẫn là sự xen cài giữa thiện - ác, tốt - xấu, thực - giả. Nhưng những mặt tích cực gần như bị chèn lấp, bên cái tiêu cực gần như lộ diện ở khắp nơi, gồm cả đời sống công quyền, từ thấp lên cao, kể cả những khu vực lẽ ra là rất thiêng liêng, rất cao quý. Cũng không tránh né hiện trạng xã hội với nhiều tiêu cực, biến chất, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Ðức “lướt” lại các thông tin trên báo chí: Chưa bao giờ như những ngày tháng hiện nay, mỗi một ngày trôi qua, chúng ta phải chịu đựng quá nhiều những thông tin cướp giật, chém giết rùng rợn đến mức không thể tin nổi. Người ta giết chết nhau chỉ vì vài ba trăm ngàn, vài ba triệu đồng, hoặc con giết cha mẹ, cha ruột lại giết con, chồng giết vợ rồi vợ lại giết chồng.

Văn nghệ sĩ -  kỳ vọng và đề xuất

Một cảnh trong phim truyền hình “Vô cảm” được Đài THVN phát sóng

Nhà văn Chu Lai bao quát những vấn nạn nảy sinh trong đời sống hòa bình: Biết bao những ngóc ngách đời thường ùa về, trong đó có sự tha hóa của đạo đức. Con người bỗng trở nên vị kỷ, vô cảm, chỉ quẩn quanh trong giới hạn của cá nhân mình. Con người dần đánh mất lòng trung thực, trẻ em đánh mất tính hồn nhiên, tuổi trẻ đánh mất năng lực yêu đương và tệ hại hơn là hầu như tất cả đánh tuột lòng tin vào cuộc sống, vào xã hội ra phía sau.

Thực trạng cũng đi liền với nguyên nhân. Trong phân tích của nhiều đại biểu tại hội thảo, ngoài những nguyên nhân đã được dẫn ra quá nhiều như tác động xấu của cơ chế thị trường, sự du nhập và lên ngôi của những trào lưu ngoại lai không phù hợp với bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì những hạn chế, chậm tiến trong giáo dục ở nhà trường, gia đình, trong xã hội cũng là một lý do khiến cho đạo đức không được củng cố, vun đắp kịp thời. Cùng với đó, sự tác động hời hợt, hình thức, hô hào của nhiều giải pháp xã hội, sự yếu kém, chậm chạp và có khi thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức… cũng không đạt hiệu quả trong vấn đề giáo dục đạo đức xã hội. Và đương nhiên, trong đó có cả những hạn chế của tác phẩm VHNT và giới văn nghệ.

Bước chậm với thời cuộc

Một mặt nêu ra sự kết nối chặt chẽ: Xã hội càng có nhiều tấm gương đạo đức, cũng như xã hội càng xuống cấp đạo đức, càng kích thích lương tri và trách nhiệm của văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, VHNT đang thiếu một sự khái quát của những điển hình nghệ thuật mang ý nghĩa tiêu biểu, những hình tượng mang tính biểu trưng để tác động mạnh mẽ vào nhận thức của công chúng. Cũng gần tương đồng về nhận định, theo nhà văn Ðỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, cái thiếu vắng trong tác phẩm VHNT những năm qua không phải ở số lượng tác phẩm mà ở bề mặt hiện thực đời sống xã hội và hình bóng con người đang quẫy đạp, vượt lên chính mình và hoàn cảnh của cuộc sống tưởng như bình yên nhưng đầy xáo động trong môi trường xã hội cụ thể.

Thậm chí có những trường hợp, nghệ thuật còn thỏa hiệp, dung túng sự xuống cấp đạo đức và được xây dựng một cách dễ dãi, chiều lòng thị hiếu tầm thường. Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha phản ánh về thực tế nhạc thị trường rất cần thứ âm nhạc thị trường để bán hàng. Khi đã chấp nhận làm nhạc theo thị trường, dĩ nhiên sáng tạo chỉ vừa thôi để đáp ứng. Nguy hiểm hơn khi đã thỏa hiệp như thế, nhân cách sáng tạo về những con người tử tế đang rất cô đơn giữa thời đại cũng kém đi. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng không ngần ngại phản ánh: Những nơi mà lẽ ra cần đến tiếng nói của các nhà chuyên môn thì lại gần như hoàn toàn chỉ phụ thuộc quyền tung quyền tác của những người ngoài ngành. Các chương trình âm nhạc quá lệ thuộc vào nhà tài trợ, chất lượng nghệ thuật đương nhiên thường chịu lép vế trước mục tiêu giải trí và thương mại.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khi phê phán những tác động trái chiều, tác động xấu của sự bùng nổ mạng xã hội, thông tin trên mạng, cũng cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa ý thức được đầy đủ những nguy cơ, những tác động xấu từ đó và chưa dành quan tâm thích đáng cho sự phát triển của mạng xã hội. Mọi ứng xử vẫn mang giải pháp tình thế.

Văn nghệ sĩ -  kỳ vọng và đề xuất

Một cảnh trong vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ

Ðừng để mất vai trò

Ðã có những vở kịch, bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, những cuốn tiểu thuyết phê phán, lên án nạn tham nhũng, cửa quyền, kéo bè kết đảng ở các bộ máy công quyền, sự thoái hóa và những tiêu cực mới trong đời sống ở nông thôn, đô thị, rồi những thói tật nhỏ nhen, tầm thường, vô cảm, ích kỷ… đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội. Ðã có những bài ca thể hiện nỗi buồn, sự lo lắng trước cuộc sống nhiều biến đổi đi xuống. Nhưng như đòi hỏi của chính các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, sức tác động của VHNT đối với xã hội phải mạnh mẽ hơn nữa, vị trí của VHNT trong sự đón đợi và kỳ vọng của công chúng phải được nâng lên để thực sự trở thành những phương thuốc cho tâm hồn cuộc đời nhiều khi đang nghèo nàn, khô cằn và méo mó. 

Và đương nhiên, một yêu cầu muôn thuở, muốn trừ bỏ cái ác, cái xấu, phải có cái thiện, cái đẹp để con người ta tin tưởng, đi theo. Tác phẩm VHNT, ngoài việc phanh phui những tăm tối của đời sống, bày ra những rác rưởi xã hội và lý giải sự sa sút nhân phẩm, đạo đức, không thể nào không xây dựng và cổ vũ cho những giá trị đẹp đẽ, nhân bản để dẫn dắt công chúng. Nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định: “Một cuốn sách viết để chống cái ác, không thể không xây dựng được hình tượng cao đẹp của nhân vật tích cực. Hiển nhiên rồi, để chống lại cái ác phải nhân danh cái cao thượng, cái đẹp thì mới có hy vọng chiến thắng nó. Một khi đã sắc sảo trong miêu tả cái ác thì hình tượng phía đối trọng tức người mang sứ mệnh chống trả cái ác lại càng phải rực rỡ huy hoàng”. Nhà thơ Trần Nhuận Minh, ngoài một số đề xuất giải pháp mang tính xã hội, về VHNT, ông đề nghị phát động sáng tác các thể loại, nhất là thơ, văn và ca khúc về truyền thống đạo đức Việt Nam, về phẩm chất nhân nghĩa cao đẹp chứ không phải chỉ có anh hùng của con người Việt Nam từ xưa đến nay và chọn những cuốn sách có sức thuyết phục nhất phát động cho toàn xã hội đọc.

Có thể thấy được nhiều bức xúc, bầu nhiệt huyết, nhiều kỳ vọng, mong mỏi to lớn của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu qua cuộc hội thảo vừa tổ chức. Ðể những kỳ vọng, đề xuất không trôi vào những khoảng trống xa vời, thì chính các văn nghệ sĩ, các tổ chức hội VHNT, cần bắt tay vào kiến tạo những gì mà mình mong mỏi. Chắc chắn không ai làm thay được các văn nghệ sĩ trong việc tạo ra các tác phẩm VHNT có thể góp phần thanh lọc xã hội.

Xuyên Sơn