Văn hóa đọc đang bị đầu độc?

07:00 | 05/05/2013

1,522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những cuốn sách có nội dung tục tĩu, khiêu dâm đang xuất hiện ngày càng nhiều từ một số đơn vị làm sách tư nhân, chúng đang “góp phần” đầu độc văn hóa đọc của người Việt.

Chuyện một cuốn sách chứa những câu tục tĩu bị dư luận phản ứng cũng là chuyện hết sức bình thường bởi lẽ văn hóa người Việt không thể chấp nhận những câu văng tục nặng nề huống hồ là văn chương, dù đó có là phù hợp văn cảnh. Với người Việt, văn chương luôn được xem là cái đẹp, là văn hóa nên dù viết về cái xấu cũng không nên quá thô tục.

Hơn nữa, dịch là một quá trình sáng tạo mới dựa trên nguyên tác nhưng phải làm sao đảm bảo được sự chính xác, truyền cảm nhất và đặc biệt là phải phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa người đọc ở nền văn hóa đó.

Đó là chưa bàn đến những câu tục tĩu ấy trong “Những thứ họ mang” có là những câu quyết định tính chất sống còn của tác phẩm này hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Tương tự, nhiều người cho rằng, không nên né tránh những sự thật trần tục, thô ráp nếu nó phù hợp với nội dung câu chuyện. Điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn chính xác, bởi dù không tránh né nhưng cũng nên nhìn nhận sự trần tục ấy theo một cách văn chương và đặt vào văn hóa người đọc thì hơn!

Rồi trước đó, cũng là những cuốn sách do Nhã Nam phối hợp phát hành như “Sát thủ đầu mưng mủ”, cuốn sách tập hợp những thành ngữ cải biên với tranh minh họa của Thanh Phong; ngay sau khi ra mắt năm 2011, cuốn sách này bị dư luận phản ứng vì không phù hợp thuần phong mỹ tục, đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ và sau đó cuốn sách bị thu hồi. Thế nhưng mới đây, cuốn sách ấy được chỉnh sửa đôi chút và đổi tên thành “Phê như con tê tê”.

Nhiều người cho rằng, những thành ngữ cải biên này là sự độc hại của ngôn ngữ, nó đang góp phần làm méo mó tiếng Việt, ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ. Đành rằng các thành ngữ tuổi “teen” này là một phần đời sống của giới trẻ hiện tại, chúng ta có muốn hay không thì chúng vẫn cứ tồn tại. Thế nhưng, ngay cả khi những câu nói này dẫu đã phổ biến trong đời sống giới trẻ, trên đường phố, nhưng việc nó được xuất bản thành sách sẽ góp phần gây ngộ nhận cho giới trẻ rằng, đây là chuẩn mực… Đó là điều thật sự nguy hiểm!

Không chỉ những cuốn sách dành cho người lớn mà ngay từ những quyển truyện tranh dành cho thiếu nhi và ngay cả những nhà xuất bản danh tiếng như Nhà xuất bản Kim Đồng cũng không tránh nổi “sạn”. Trước đây, trong bộ truyện tranh “Tý quậy” do  nhà xuất bản (NXB) này phát hành đã thu hút nhiều độc giả nhỏ.

Tuy nhiên, cách miêu tả quá chi tiết các trò bịp và một số ngôn từ thô tục trong bộ truyện tranh này đã gây phản ứng gay gắt trên các diễn đàn của các bậc phụ huynh. Việc những từ ngữ như “bỏ mẹ, mẹ kiếp...”, các bạn nhỏ đi học xưng hô “mày - tao” với nhau hay gọi thầy giáo là “ông ấy”… thiết nghĩ, không nên xuất hiện trong truyện dành cho thiếu nhi bởi nó rất dễ ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ.

Cuốn sách "Những thứ họ mang" đang gây xôn xao dư luận

Yếu tố sex cũng không từ trẻ nhỏ khi rất nhiều truyện dành cho thiếu nhi nhưng có nội dung, hình ảnh nhan nhản về sex xuất hiện. Điển hình như bộ truyện tranh rất “hot”: “Shin - cậu bé bút chì” cũng của NXB Kim Đồng phát hành. Truyện xoay quanh cậu bé 5 tuổi đang học mẫu giáo và bạn bè, gia đình, cô giáo của cậu. Trong quyển này có những đoạn thoại với cách nói ẩn dụ, ám chỉ đến sex cùng những hình ảnh nhạy cảm không hợp với trẻ. Quyển sách này đã buộc phải cắt xén, hiệu chỉnh cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Văn hóa đọc đang xuống cấp trước thời đại Internet đã đành, lại thêm chuyện càng nhiều sách truyện đầu độc văn hóa đọc bằng những nội dung, ngôn từ, hình ảnh không phù hợp; nhiều quyển nếu không mang tính khiêu dâm thì là tục tĩu, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục người Việt. Nhưng, lỗi tại ai?

Tác giả có lỗi khi đặt bút viết, dịch ra những trang sách như thế. Song, lỗi lớn hơn ở các NXB, họ là người đã quyết định cho những trang sách ấy được phổ biến đến người đọc với nhiều lý do. Và có lẽ lý do lớn nhất đó chính là lợi nhuận, bởi những yếu tố tục tĩu, sex, sốc… là những thứ có thể tạo ra dư luận để dễ bán. Và điều này thường thấy ở các đơn vị làm sách tư nhân.

Tuy nhiên, cũng có một điều cần nói rằng, chức năng, trách nhiệm của NXB còn là việc cho ra đời những ấn phẩm để phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh, để chuyển tải, giáo dục, định hướng thẩm mỹ văn hóa tới cộng đồng. Do đó, việc phát hành ra một cuốn sách rất cần phải xem xét nhiều yếu tố, ngoài lợi nhuận! Dư luận đang muốn hỏi “trách nhiệm” của các NXB ở đâu khi để “lọt” những cuốn sách như vậy.

P.V