NSUT Chí Trung:

“Nghệ sĩ nghèo tiền, giàu trải nghiệm”

19:42 | 13/05/2015

2,914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nói, chưa bao giờ các giá trị văn hóa trong xã hội, đặc biệt là các giá trị truyền thống, đang “hỗn loạn” và mất cân bằng. Chính sự “hỗn loạn” này đã cho ra đời nhiều “nghệ sĩ showbiz” ít tài nhiều tật và khiến công chúng có cái nhìn lệch lạc về những nghệ sĩ chân chính.

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với NSUT Chí Trung – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ về những mặt tối của showbiz và cách những người nghệ sĩ đứng đắn giữ nghề.

NSƯT Chí Trung – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

- Anh quan niệm thế nào về nghệ sĩ và danh xưng nghệ sĩ, thưa anh?

Trước tiên chúng ta phải bàn lại về danh xưng nghệ sĩ, tiêu chuẩn của một người nghệ sĩ là phải được học. Còn những người liên quan đến showbiz, vì họ không được đào tạo bài bản về các chuyên ngành nghệ thuật nên không được gọi là nghệ sĩ, đó chỉ là những người có công việc liên quan đến nghệ thuật. Còn khi đã được gọi là nghệ sĩ, nghĩa là họ phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn và có hiểu biết sâu về ngành nghệ thuật mà họ gắn bó.

Hiện nay chúng ta đang dùng từ nghệ sĩ một cách chung chung, lung tung và vô tội vạ quá. Nhiều người tự xưng là nghệ sĩ, cũng đóng vài bộ phim, diễn vài show thời trang, cũng ca hát nhảy nhót trên sân khấu nhưng đó chỉ là do khả năng thiên bẩm của họ, do may mắn và do công nghệ lăng xê đẩy họ lên được. Thế nhưng nếu đã là danh xưng nghệ sĩ thì phải có học hành tử tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, nền văn hóa nước ta đang rất “hỗn loạn”. Quan điểm của anh về thực trạng văn hóa hiện nay ra sao?

Tôi chỉ hoạt động trong một lĩnh vực nhỏ của nghệ thuật, nếu nói nhận định thì dễ rơi vào tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”, vì thế thật khó để đánh giá về thực trạng. Vì để nhìn nhận đúng đắn về thực trạng văn hóa hiện nay, cần những nhà văn hóa, học giả - nhưng họ không có thực tế; còn những “ranh con” – không phải là danh nhân – thì lại không có được bề dày kiến thức và hiểu biết. Vì thế để đánh giá về một thực trạng văn hóa hiện nay rất khó.

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn thường có một xu thế và mình phải chấp nhận sống theo nó, chúng ta không thể áp đặt cho văn hóa “phải thế này” hay “phải thế kia”. Nhiều khi suy nghĩ của chung tôi áp đặt cho giới trẻ cũng bị coi là ông già khốtabit, còn suy nghĩ của giới trẻ trong mắt nhiều người lớn tuổi lại trở thành “dở hơi”, “điên cuồng”. Đơn cử như trường hợp “fan cuồng Kpop” mà báo chí và dư luận đã phản ánh liên tục trong thời gian vừa qua. Trong một show ca nhạc, nhiều bạn trẻ chỉ nhìn được mặt thần tượng đã khóc lóc, lăn ra ngất. Chúng tôi diễn kịch đã 37 năm nhưng chưa từng có khán giả nào khóc lóc hay ngất khi nhìn thấy chúng tôi cả.

Nhìn một cách khách quan, sức hút của những nhóm nhạc và làn sóng Kpop tốt hơn hẳn những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, bởi họ đã chạm đến cảm xúc mãnh liệt của khán giả. Nhưng ngược lại, với bộ môn nghệ thuật truyền thống, chúng tôi cũng có những tiêu chí khác để đánh giá về sự tác động, ảnh hưởng đổi với khán giả. Nghệ sĩ như chúng tôi – đặc biệt là ở sân khấu kịch – có nhiệm vụ xây cho khán giả những giấc mơ. Trong đó, có những giấc mơ về hạnh phúc, có những người muốn nếm trải sự khổ đau, có những người muốn giải trí … nhưng về bản chất, chúng tôi xây cho khán giả những giấc mơ từ đầu đến cuối trong 2 tiếng buổi tối để họ chiêm nghiệm, họ cảm nhận. Chính sự chân thực, giao hòa giữa khán giả và diễn viên đã tạo nên sức hút cho sân khấu kịch.

NSƯT Chí Trung trong vai Táo Giao thông

Mỗi nghề nghiệp, đặc biệt là những người nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chức phận của chúng tôi là xây giấc mơ cho khán giả, đưa đến những ý nghĩa, bài học về chân – thiện – mỹ, đồng thời đưa tính dự báo cho khán giả. Vì thế, nghề  nghiệp này buộc chúng tôi phải rất nghiêm túc trong công việc.

Trong khi đó, những người hoạt động trong giới showbiz không nằm trong phương diện điều chỉnh đó. Những người hoạt động trong giới showbiz, họ dùng khán giả xây giấc mơ cho họ.

 Họ cũng cần phải làm cái gì đó để tồn tại, phát triển và bản thân họ được khẳng định. So sánh vui, như trên Facebook, nhiều ngôi sao showbiz chỉ ho 1 tiếng đã có cả nghìn like, trong khi nghệ sĩ chúng tôi diễn, khóc như bố chết mẹ chết mà cũng chỉ được 5 like. Điều này nói lên sức hút của mỗi ngành nghề trong nghệ thuật đối với khán giả là hoàn toàn khác nhau.

Còn tất nhiên, trong showbiz cũng có một số người bằng mọi cách “túm tóc” người ta lôi lên và đặt mình lên vai người khác, thế nhưng đó chỉ là số rất ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Về cơ bản, đó không phải là hiện tượng chung trong giới nghệ sĩ. Nghệ sĩ nói chung vẫn rất cần cù, đầu tư bài bản MV, tập luyện … Điển hình trên các gameshow trên truyền hình, nhiều nghệ sĩ đầu tư, tập luyện rất kinh khủng để phục vụ khán giả. Tôi tạm lấy ví dụ về Angela Phương Trinh và Ninh Dương Lan Ngọc trong “Bước nhảy hoàn vũ 2015”. Với những nỗ lực và cố gắng như thế, chúng ta không thể nói đó là chiêu trò hay câu khách chụp giật, vì thế chúng tôi rất trân trọng và đồng cảm với những giọt nước mắt của riêng Angela Phương Trinh trong đêm chung kết cuộc thi. Sự thất bại của Angela Phương Trinh không phải do khả năng mà chính là hậu quả của tai tiếng. Chúng ta đều phải trả giá cho những gì chúng ta đã làm, cả những điều tưởng chừng không liên quan đến nghệ thuật.

Showbiz cũng thế, tất cả những gì bạn dùng pháo thăng thiên để tự nâng mình lên, thì ngay khi hết lượng thuốc pháo đó thì bạn sẽ rơi xuống đất. Trong khi những người nghệ sĩ chân chính như Hồng Nhung, Mỹ Linh… đã có sự lao động nghệ thuật bền bỉ, họ được bắn lên bầu trời showbiz bằng chính tài năng và tấm lòng của triệu triệu khán giả. Những người dùng “thuốc nổ” sớm muộn cũng sẽ chìm nghỉm trong một bầu trời đầy sao, còn những người nghệ sĩ chân chính sẽ có vị trí trong lòng, trong tim công chúng và được công chúng tôn vinh.

Gia đình NSƯT Chí Trung -  Ngọc Huyền

Là một người đang sống bằng nghề, cống hiến cho nghề, anh thấy cuộc sống của anh và những nghệ sĩ chân chính ra sao?

-  “Khi đã lựa chọn con đường nghệ thuật, bạn phải bằng lòng với những gì nghệ thuật tạm dành cho bạn” – đây là câu slogan của riêng tôi, và cũng là điều tôi chia sẻ với nhiều bạn trẻ khi lựa chọn nghệ thuật là con đường đi cho mình. Trong mấy mục “dành” ấy, cái nghèo là cái “dành” lớn nhất. Nhưng ngược lại, người nghệ sĩ lại có một gia tài mà ít có ngành nghề nào có được, đó là sống với xúc cảm của hàng triệu trái tim và được trải nghiệm rất nhiều nhân vật.

Ông trời thì không cho không ai cái gì, được hạnh phúc của gia đình thì không thể có nhiều người tình; ngược lại nếu muốn có nhiều người tình thì khó có được người vợ hiền hậu, âu yếm. Nghệ sĩ đúng nghĩa phải lựa chọn, và chúng tôi chọn sống với niềm vui của mọi người, sống với niềm vui của chính mình. Và hình như trong thời kỳ khốn khó, vất vả nhất của đất nước, cũng như từng cá nhân, thì những nghệ sĩ lại sáng tạo được những tác phẩm đau đáu, những tác phẩm để đời. Tôi thấy cứ lúc đói, nghệ sĩ chúng tôi lại sáng tạo kinh khủng, lại cho ra những tác phẩm hay hơn lúc no.

Nghệ sĩ chúng tôi chấp nhận cái nghèo của nghề nghiệp mình, bởi chúng tôi giàu ở nhiều khía cạnh khác, đó chính là sự trải nghiệm. Thế nên chúng tôi cũng không đau đáu về sự giàu – nghèo, bởi khái niệm này chỉ mang tính mơ hồ và khó xác định với từng người.

Nghệ sĩ nói chung là nghèo, bởi nghề nghiệp chúng tôi không có cơ hội để làm giàu. Như các ca sĩ, đừng chỉ nhìn vào việc họ khoe tiền tỷ, làm MV, khoe xe… nhưng đó chỉ là những ảo ảnh, không phải phản ánh thực chất đời sống của làng nhạc hiện nay. Còn một ca sĩ làm đúng nghĩa, ra MV, thuê vũ đoàn, trang phục biểu diễn … thì khó có thể giàu có được.

Thực chất cái “giàu” mà người nghệ sĩ có được chính là cái giàu trong tâm hồn, là cái họ cống hiến cho cuộc đời, là những sản phẩm nghệ thuật họ làm ra có ích cho nước nhà. Bản thân tôi cũng không xác định, không đau đáu với sự giàu – nghèo.

Xin cám ơn anh!

Vương Tâm (thực hiện)