“Khai đao chém Ỉn”: Tiếp tục hay dừng?

10:37 | 14/02/2015

1,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc ứng xử với những tập tục truyền thống như lễ hội Chém lợn sao cho phù hợp với xã hội hiện đại trở thành vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.

Dư luận xã hội và ngay cả những nhà nghiên cứu Văn hóa cũng đang có những ý kiến trái chiều xung quanh việc giữ hay bỏ lễ hội Chém lợn (diễn ra ngày 6, tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh).

Bên nào cũng đưa ra những lý lẽ của mình. Bên nhất quyết muốn giữ lại nguyên hình thức của lễ hội thì cho rằng đây là nét văn hóa truyền thống, là di sản của cha ông với nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa lẫn tinh thần. Phía ý kiến kêu gọi thay đổi hoặc bỏ lễ hội này thì cho rằng những nghi lễ mang tính giết chóc động vật không còn phù hợp với xã hội văn minh.

Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng

Phía Bộ VH-TT&DL cũng đã đưa ra quan điểm không khuyến khích những lệ hội “man rợ” như lễ hội Chém lợn. Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh thì đề nghị dân làng Ném Thượng đổi tên lễ hội “Chém lợn” thành “Rước lợn” và chuyển việc mổ lợn ra phía sau sân đình.

Tuy nhiên mới đây, các bô lão làng Ném Thượng đã thống nhất ý kiến không đồng tình đề nghị của Sở VH-TT&DL, họ mong muốn giữ lại nguyên trạng lễ hội, nhất là nghi lễ chém lợn.

Câu hỏi đặt ra là, có nhất thiết phải khư khư giữ nghi lễ “khai đao chém Ỉn” hay không? Và nên nhìn nhận lễ hội này, cũng như những lễ hội có tính giết chóc khác như “Đâm trâu” ở Tây Nguyên như thế nào cho phù hợp với xã hội hiện đại?

Chia sẻ với PV PetroTimes về vấn đề này, TS Văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng, di sản – các lễ hội truyền thống không phải là cái khuôn định sẵn, nếu áp dụng một cách cực đoan, cứng nhắc thì nó sẽ giống như một tảng đá nặng kìm hãm sự tiến bộ của văn hóa dân tộc; có thể khiến người khác nhìn vào sẽ thấy một khuôn mặt méo mó của tập tục, lễ hội.

Với những lễ hội có hình thức giết chóc như lễ hội chém lợn thì cần đặc biệt xem xét đến yếu tố diễn ngôn, tức những yếu tố được trình ra và hệ quả của nó thông qua truyền thông, hình ảnh lưu truyền.

TS Nguyễn Ngọc Thơ

Trong thời buổi công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh như hiện tại thì hình ảnh lan truyền nhanh gấp trăm ngàn lần so với lời nói, và nó tiếp cận với mọi người trước tiên. Đôi khi người ta không cần biết ý nghĩa của lễ hội đó là gì, câu chuyện đằng sau nó ra sao, mà chỉ thấy hình ảnh những người đàn ông mặc đồ truyền thống rất đẹp, không khí lễ hội vui tươi nhưng lại cầm dao hăm hở chém lìa đầu một con lợn. “Những hình ảnh như vậy được lan truyền khắp thế giới thì người ta nghĩ gì về lễ hội của đất nước? Người ta nghĩ gì về con người Việt Nam?”, TS Thơ bày tỏ quan ngại.

Điển hình là giờ đây, theo tìm hiểu của TS Thơ thì đồng bào Tây Nguyên cũng đã suy nghĩ và chuyển sang hình thức biểu trưng, không còn đâm trâu trong lễ hội Đâm trâu như trước nữa. Hoặc nếu còn thì dư luận cũng không chấp nhận hay hài lòng với việc đó. “Miền núi đã như vậy, thì dân tộc ở đồng bằng phải đi trước làm gương!”, TS Thơ nói.Hơn nữa, CNTT cũng đã xóa nhòa khoảng cách giữa thành thị – nông thôn, giữa miền ngược – miền xuôi. Theo chiều tiến hóa của văn hóa, những cộng đồng, đặc biệt là ở miền xuôi, gần đô thị hơn sẽ tiến hóa nhanh hơn do đó phải làm gương cho những vùng miền khác.

TS dẫn chứng, người xưa có câu “Tu thân, tề gia, hóa hương, trị quốc”, có nghĩa là việc hướng tới một cuộc sống văn minh, phù hợp và nhân văn hơn đã được xác định từ ngày xưa. Bây giờ, đất nước đang chủ trương xây dựng một nếp sống văn minh, hiện đại nên mọi người càng cần thiết phải quan tâm đến yếu tố phong hóa những tập tục của làng quê. Phải làm sao để những tập tục, lễ hội đó thành di sản sống và thở cùng hơi thở với thời đại.

Lễ hội ở Tây Nguyên

“Văn hóa vốn mang tính biểu trưng. Nếu chúng ta chuyển tải nội dung chống giặc ngoại xâm để răn dạy những bài học lịch sử cho con cháu mai sau thì có nhiều cách khác nhau để biểu trưng, không nhất thiết phải có máu đổ, đầu rơi, mặc dù đó chỉ là những sinh vật”.

Theo đó, TS Thơ đề xuất hai phương án với lễ hội Chém lợn rằng: mang cúng món lợn đã được giết thịt trước đó như những lễ hội khác, hoặc bỏ đi yếu tố chém, thay bằng những động tác mang ý nghĩa biểu trưng, như một vở kịch chẳng hạn.

TS Thơ nhấn mạnh: hãy xem tập tục, di sản như là một quá trình sống tham gia vào quá trình kinh tế - xã hội, nó chỉ được phép làm giàu thêm và có lợi cho việc thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Dù lễ hội chém lợn, đâm trâu… chỉ là hội làng, nhưng đó cũng chính là diện mạo của đất nước. Nếu đóng khung di sản theo kiểu trăm năm trước sao thì giờ cũng phải vậy thì có thể đó sẽ là một tảng đá đè lên chân, một bóng đen đè lên hiện tại và tương lai!

PGS.TS Nhân học Phan An

Trong cuộc sống hiện đại khi vấn đề nhân văn giữa con người với thiên nhiên được nhận thức ngày càng rõ thì những việc giết trâu, chém lợn trong các lễ hội truyền thống trở thành hành vi phản cảm. Vì vậy, chúng ta cũng cần xem xét lại một số các tập tục văn hóa không phù hợp, như nghi lễ chém lợn ở Ném Thượng.

Trong thực tế xã hội đã có rất nhiều tập tục truyền thống không phù hợp bị bỏ đi, đó là điều tất yếu. Như chuyện “miếng trầu là đầu câu chuyện” của ngày xưa đến nay không còn áp dụng nữa vì không còn ai ăn trầu. Cũng vậy, những hình thức hiến tế, giết chóc động vật trong các lễ hội cũng cần được thay đổi để phù hợp với thời đại văn minh, hòa nhập.

Cá nhân tôi cho rằng nên bỏ nghi lễ chém lợn trong lễ hội Chém lợn đi, bởi không phải cứ là truyền thống thì phải nhất định giữ nguyên mãi, mà truyền thống là luôn biến đổi để phù hợp với sự phát triển xã hội, văn hóa.

PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Ở những địa phương tổ chức lễ hội mang màu sắc văn hóa đích thực, việc chú trọng đến tính nhân văn trở thành tiêu chí căn bản.

Việc đâm trâu, chém trâu hay mổ bò, giết lợn đua... đã không còn được ủng hộ. Một phần vì tính văn hóa - nhân văn như đã đề cập. Phần nữa vì tính cộng động của con người. Người ta cần con người chú ý đến giá trị nhân bản, tinh thần hơn là giá trị vật chất hay sự hào hùng ở bên ngoài...

Phần nữa, dù muốn dù không thì những hình ảnh đâm, chém, lấy máu con vật tế thần, mổ xẻ con vật cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của con người về cuộc sống, về nhân bản và cung cách ứng xử với nhau cũng như ứng xử với tự nhiên... Đó cũng chính là định hướng quan trọng mà mỗi người cần được quan tâm và giáo dục sớm.

Vân Trúc (Tổng hợp)