Èo uột đào tạo sáng tác âm nhạc!

07:05 | 15/10/2014

1,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đằng sau sự tưng bừng, hào nhoáng của các hoạt động âm nhạc vẫn thường trực dấu lặng đơn lặng kép về chất lượng tác phẩm âm nhạc mới và sâu xa hơn, là chất lượng đào tạo sáng tác tại các học viện, nhạc viện. Còn quá nhiều lỗ hổng, nhiều thiếu hụt trong đào tạo sáng tác âm nhạc vốn lâu nay đã bộc lộ sự cũ kỹ, chậm chạp cả về tri thức, tài liệu, phương pháp lẫn con người.

Năng lượng Mới số 365

Đầu vào quá dễ dàng

Kém ngay từ đầu vào, đó là đánh giá của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người đã có 15 năm giảng dạy, về một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên ngành sáng tác âm nhạc. Nhạc sĩ ví von, có lẽ ở trên thế giới, chẳng đâu lại có nhiều học sinh và sinh viên học sáng tác âm nhạc mà lại hạn chế về năng khếu bẩm sinh, tay đàn và kiến thức âm nhạc như ở nước ta hiện nay, liệu có phải là có một số đông những bạn không thể đàn hát được thì sẽ tìm đến với sáng tác? Phải chăng thi vào học sáng tác âm nhạc ở Việt Nam dễ dàng quá?

Có thể có những quan điểm khác, không đến mức “nặng đô” như vậy về thực trạng đào tạo sáng tác âm nhạc. Nhưng chính trong Festival âm nhạc mới Á - Âu vừa qua tại Hà Nội, trong hội thảo thuộc khuôn khổ festival vừa diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia trong hai ngày 8 và 9-10 - “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay”, nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, trong đó không ít người trực tiếp tham gia giảng dạy, đã gần như “đồng lòng” trưng ra rất nhiều bất cập. Nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng “tiết lộ”: Sinh viên hiện nay còn nhiều bất cập khi tiếp cận môn sáng tác. Về giáo trình học tập chưa được tiếp cận như về tổng phổ, tư duy cách viết, diễn tấu âm nhạc đương đại, còn rụt rè trong cách sáng tạo âm nhạc. Về giáo trình hiện tại, chưa có nhiều các tác phẩm với ngôn ngữ âm nhạc mới cho học sinh tham khảo. Đó là lúc học, còn khi sáng tác thì theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, vốn đã gian khổ, lại còn khó có cơ hội biểu diễn vì dàn nhạc phức tạp và rất tốn kém. Ngay cả nếu có dịp biểu diễn thì khán giả cũng không đông, nhọc công sáng tạo, dàn dựng và trình diễn cũng chỉ được một lần, xong cất tổng phổ vào ngăn kéo có khi mãi mãi…

Èo uột đào tạo sáng tác âm nhạc!

Hội thảo đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay

Giáo trình cũ kỹ hàng chục năm nay, phương pháp đào tạo cũng không đổi mới, việc đánh giá, kiểm tra với sinh viên còn dễ dãi, “giơ cao đánh khẽ”. Bản thân những người làm công tác quản lý, giảng dạy cũng lười đổi mới nên có những môn học mới mẻ, cần thiết như chuyển soạn, công nghệ âm nhạc, soạn tổng phổ trên máy tính… vẫn chưa được áp dụng trong đào tạo sáng tác. Các chuyên gia còn chỉ ra bất cập trong việc chậm khai thác tinh hoa âm nhạc truyền thống. Theo PGS.TS Nguyễn Thụy Loan, vấn đề này chưa bao giờ được quan tâm để trở thành một chủ trương chính thức trong công tác đào tạo sáng tác ở nước ta.

Mô hình nào - Sản phẩm ấy

Những điều kiện từ tri thức, giảng viên, giáo trình, chương trình, kinh phí… đều hạn chế ngay từ những “lò” đào tạo, thì rõ ràng, những sản phẩm được đưa ra xã hội sẽ khó lòng cáng đáng, phát triển ngành, nghề một cách khỏe khoắn. Điều này như nhiều ý kiến đã chỉ ra, là một chuỗi những thiếu hụt, trì trệ của cả hệ thống. Nhạc sĩ - NSND Trần Quý cho biết, gần 20 năm qua, khi làm giám khảo các cuộc thi, liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, khi báo cáo tổng kết, ông thấy rất ít những sáng tác mới, các thí sinh đều chọn những tác phẩm cũ, sáng tác 20-30 năm trước để dự thi. Còn chất lượng của những sáng tác mới cũng ở mức trung bình, chưa có những tìm tòi, sáng tạo đáng kể.

Còn phải nói thêm, cùng với việc kéo chậm lại khả năng trau dồi tri thức, kỹ năng, phát huy năng lực sáng tác ngay từ trong nhà trường, thì cơ chế chính sách cho hoạt động sáng tác, các cá nhân hành nghề sáng tác cũng thiếu sự quan tâm, khuyến khích. Theo nhận xét của nhạc sĩ Cát Vận thì đa số người học sáng tác khi ra trường đều phải chấp nhận “trái ngành, trái nghề”, đương nhiên điều đó đồng nghĩa với sự “thui chột” khả năng sáng tạo và cả kiến thức đã học. Nhạc sĩ chia sẻ một thực tế lạ lùng đã trở nên quá bình thường. Đó là trong biên chế của nhà nước hiện nay không có bậc lương cho ngạch bậc sáng tác nên từ nhiều năm nay, các nhạc sĩ vẫn phải âm thầm núp dưới danh nghĩa một công việc nào đó để lĩnh lương như một công việc làm “chui”. Điều này, thậm chí có ở ngay cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Hệ quả này kéo theo hậu quả khác. Những bất cập, tồn đọng do đó mà kéo theo nhau cùng kìm hãm sự phát triển lành mạnh của sáng tác âm nhạc. Như TS - nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức thì những điều đó đều có liên quan đến tình trạng “thảm họa” tình ca và “rối loạn” thẩm mỹ âm nhạc hiện nay, tình trạng “đạo nhạc”, “nhái nhạc” trở nên nhức nhối, có nguy cơ xa rời những chuẩn mực đạo đức truyền thống, gây ảnh hưởng đến việc góp phần xây dựng nhân cách thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, một thực trạng buồn khác dễ thấy là bên cạnh địa hạt sáng tác ca khúc đang có nhiều biểu hiện nhiễu loạn, thì phần sáng tác khí nhạc lại bị bỏ lửng quá nhiều. Theo nhiều đánh giá, nhiều sinh viên ra trường thậm chí còn rất hạn chế về khí nhạc hoặc ước mơ sáng tác khí nhạc dần bị lụi tàn theo sự thiếu thốn về điều kiện dàn dựng, biểu diễn và những khó khăn của đời sống.

Đợi chờ đổi mới

Quan sát, chứng kiến và ở quá lâu trong những bất cập của đào tạo sáng tác âm nhạc, đương nhiên các nhạc sĩ, giảng viên cũng là những người sôi sục với những đề xuất đổi mới, cải tiến. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân từng đề đạt mở thêm môn công nghệ âm nhạc từ nhiều năm trước nhưng điều đó chưa thành hiện thực. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan nhìn lại cả một quá trình mong đợi người ta hiểu hơn, “biết học hơn” từ cha ông nhưng đó vẫn chỉ là những cố gắng tự phát. TS Loan cho rằng, đã đến lúc đột phá trong việc đúc kết các thủ pháp sáng tác, các lối cấu trúc và hòa tấu cổ truyền để chúng có chỗ đứng chính thức trong chương trình đào tạo bên cạnh các thủ pháp, hình thức tiếp thu của phương Tây. Đề cập đến tình trạng lời ca thiếu tính văn học, thậm chí rất phản cảm trong nhiều bài hát gần đây, nhất là của các ca sĩ tự làm tự hát, PGS nhạc sĩ Vĩnh Cát cho rằng, phải học kỹ ngay ở bậc trung học cách phổ thơ cho bài hát của ông cha ta trong các loại dân ca và trong ca khúc của một số nhạc sĩ Việt Nam cũng như quốc tế. Nhạc sĩ - NSND Trần Quý đề xuất, Học viện Âm nhạc Quốc gia nên lập một thư viện âm nhạc như cách của các nhạc viện quốc tế, có đủ mọi tư liệu về nhạc cụ dân tộc chủ yếu cùng với những tác phẩm dân tộc đương đại chất lượng cao. Thư viện đó sẽ giúp cho rất nhiều sinh viên tham khảo mỗi khi sáng tác.

Yêu cầu sinh viên tăng cường đi thực tế, tiếp cận cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau chứ không “trốn” trong tháp ngà của giảng đường, của những sinh hoạt nội bộ hay phụ thuộc quá vào thế giới âm nhạc trên mạng; Chọn lọc tài năng ngay từ cấp mẫu giáo, từ các cơ sở trở đi để có hướng đầu tư phát triển tài năng; đồng thời, phát triển rộng rãi đào tạo âm nhạc cho đại chúng, mở các lớp học sáng tác âm nhạc ngắn hạn ở địa phương, nhưng cũng không tham lam trong việc đào tạo chuyên sâu lên thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ chắt lọc những đối tượng tài năng; tăng cường mời các nhà văn hóa, các nhạc sĩ, nghệ nhân có uy tín trong và ngoài nước đến trao đổi nghề nghiệp với đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp tương lai… Đó là những ý tưởng, gợi mở, đề đạt trong giới nghề hướng đến các trung tâm, cơ sở đào tạo âm nhạc, sáng tác âm nhạc, hướng đến lãnh đạo ngành văn hóa và các địa phương. Chờ đợi những đổi mới sẽ bắt đầu ngay từ chính các trường đào tạo âm nhạc, nơi vừa tồn đọng nhiều bất cập vừa có những tâm huyết muốn cải thiện tình hình.

Dương Xuân