Phim của đạo diễn trẻ:

Đi xa có khó?

10:50 | 24/09/2014

742 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành công của điện ảnh Việt Nam hiện tại đều đến từ các nhà làm phim trẻ và đa phần các phim được vinh danh ở những liên hoan phim quốc tế đều là phim đầu tay.Nếu so với 30 năm trước, thành công của “Đập cánh giữa không trung”, “Bi, đừng sợ”, “Chơi vơi”... thậm chí chưa thể so sánh với “Bao giờ cho đến tháng Mười” của Đặng Nhật Minh, nhưng nếu bảo, họ không thể mang điện ảnh Việt đi xa, rất có thể sẽ là bảo thủ.

Năng lượng Mới số 359

Có góp thành cơn gió?

Mới đây, “Đập cánh giữa không trung”, một phim mới của đạo diễn trẻ sinh năm 1982 Nguyễn Hoàng Điệp được vinh danh ở bên lề Liên hoan phim Venice 2014 với giải thưởng phim hay nhất tại tuần lễ phê bình phim quốc tế lần thứ 29. Một giải thưởng nhỏ nhưng gây xúc động lớn trong giới làm phim Việt Nam nói riêng và giới yêu nghệ thuật điện ảnh nói chung.

Bộ phim của Hoàng Điệp được Hiệp hội Các nhà phê bình phim Ý (SNCCI) - đơn vị tổ chức tuần lễ phê bình phim quốc tế Venice dành cho những lời bình luận đầy khích lệ: “Đây là bộ phim gây sốc trong toàn bộ các phim được chọn, đồng thời là sự khám phá nhất định về một tài năng đạo diễn, mà nhờ đó dự án này đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính từ nhiều tổ chức quốc tế khác nhau”.

Trước đó, “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng từng giành giải thưởng của Hội phê bình Điện ảnh Thế giới tại Liên hoan phim Venice 2010. Giải thưởng: Hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 53, giải thưởng ở hạng mục về điện ảnh đương đại Orizzonti tại Liên hoan phim Venice 2009, giải Taiga đồng tại Liên hoan phim Spirit of Fire (Nga).

Đi xa có khó?

Cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”

Bộ phim không có cốt truyện: “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di, một dự án chung với Nguyễn Hoàng Điệp cũng từng sở hữu một bộ sưu tập các giải thưởng: Giải thưởng Dự án châu Á nổi bật tại Liên hoan phim Pusan 2007, giải ACID/CCAS của Hiệp hội Các nhà phát hành phim độc lập, SACD cho biên kịch xuất sắc nhất trong hạng mục tuần lễ các nhà phê bình của Liên hoan phim Cannes lần thứ 63, phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Stockholm (Thụy Điển), phim hay nhất dành cho các đạo diễn có phim đầu tay lại Liên hoan phim châu Á 2010.

Tại Mỹ, “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di còn được chọn chiếu khai mạc trong tuần phim “New voices from Vietnam” (Tiếng nói mới từ Việt Nam) do Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ tổ chức 2010. Tại Pháp, bộ phim này đã được chiếu trên 100 rạp của toàn nước Pháp. Đây hẳn là một vinh dự mà không phải bộ phim Việt Nam nào cũng có được. “Áo lụa Hà Đông” của Lưu Huỳnh đạt giải phim hay nhất do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Busan - Hàn Quốc, Top 10 phim hay nhất và phim hay nhất do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Fukuoka - Nhật Bản, phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Kê - Trung Quốc.

Ngoài các giải thưởng của những liên hoan phim lớn, danh giá nhất thế giới (Liên hoan phim Cannes, LHP Venice, LHP Busan), “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng mang tới cho Hồng Ánh giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Dubai, “Chuyện của Pao” (Nguyễn Quang Hải) đạt giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51 tại Đài Bắc.

Tới đây, tại Liên hoan phim Busan, một phim mới của đạo diễn “mới toanh” cũng đang hé lộ nhiều khả năng được trình chiếu. Quyết định cuối cùng chưa có, nhưng dân mê phim cũng được một lần mừng rỡ với liên tiếp các tin vui.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây bắt đầu “lấy le” trở lại so với thời kỳ chìm nghỉm trước đó. Số lượng phim ra rạp ngày một nhiều và những giải thưởng, dù vẫn là bên lề các liên hoan phim quốc tế lớn đã liên tục có những tin vui. Sự khởi sắc ấy liệu có góp thành cơn gió mát lành cho nền điện ảnh Việt Nam, vẫn còn là một câu hỏi đối với những người yêu nghệ thuật.

Đi xa có khó?

Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”

Vẫn còn tụt hậu

Tuy nhiên, nếu so sánh với thành công về điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam những năm tháng “khốn khó”, chủ yếu trước cải cách thì có thể thấy, những thành công hiện tại của điện ảnh Việt vẫn còn “bao giờ cho đến ngày xưa”. 

Có thể điểm lại một số phim Việt từng gây tiếng vang lớn đối với quốc tế như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (Hải Ninh năm 1972), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (Đặng Nhật Minh), “Cánh đồng hoang” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh sản xuất năm 1983, từng đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 1989, bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình tại Liên hoan phim Moskva năm 1985, giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii 1985. Đặc biệt, bộ phim này năm 2008 còn được CNN bầu chọn trở thành 1 trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Đây là sự vinh danh cao nhất mà một phim Việt Nam tới thời điểm này có được.

Khi cơ chế thị trường tràn đến Việt Nam, phim Việt “trỗi dậy” để mong kiếm lại thị phần. Và khi ấy, nhiều nhà sản xuất, nhiều đạo diễn lao vào làm những bộ phim ăn khách. Thành công của những cái tên như Lê Hoàng đã ít nhiều góp sức vào công cuộc “đưa khán giả trở lại rạp” xem phim Việt. Tuy nhiên, cũng từ đó hình thành một lứa đạo diễn “ăn liền”. Thậm chí, có những người mới bắt tay vào làm phim đã có định kiến với phim “nghệ thuật” đi dự liên hoan phim quốc tế. Họ cho rằng, những bộ phim này không dành cho số đông. Hai dòng phim: thị trường và nghệ thuật lặng lẽ tách thành hai con đường. Thậm chí, dòng này “miệt thị” dòng kia. Đó là lý do, sau một thời gian oanh tạc phòng vé, nhiều cái tên tưởng chừng là triển vọng của điện ảnh Việt rơi vào lối mòn.

Cũng may, trong cơn lốc “kiếm tiền” đó của những đạo diễn “không màng liên hoan phim” vẫn còn những trái tim làm nghề nung nấu một giấc mơ, bao giờ nước ngoài biết đến một Việt Nam qua phim ảnh. Và đó là con đường các nhà làm phim độc lập tìm và đi. Những cái tên như Nguyễn Hoàng Điệp mới đây, Phan Đăng Di đã cõng trên lưng mình những niềm khao khát ấy.

Có thể, họ không thành công, có thể giải thưởng mà họ mang về từ các liên hoan phim danh giá, một lúc nào đó với nền điện ảnh Việt Nam ở thì tương lai sẽ là những thành công. Nhưng nếu không có từng cơn gió làm sao góp thành bão. Nếu không gieo những hạt mầm đầu tiên, biết bao giờ sẽ có cánh rừng.

Dẫu biết, nếu so sánh khoảng thời gian 30 năm cho một lần vinh danh tiếp theo của điện ảnh Việt như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, đến nay vẫn chưa xảy ra một lần nào nữa đối với nền điện ảnh của chúng ta. Người làm nghệ thuật thứ 7 vẫn phải “tự hào” nhờ vào một đạo diễn gốc Việt thành danh như Trần Anh Hùng. Nhưng chắc chắn không vì thế mà những tin vui bên lề các liên hoan phim Cannes, Vinece, Busan, Toronto vọng về không khiến những người yêu nghệ thuật thôi xúc động. Và dù “Bao giờ cho đến tháng Mười” vẫn là một câu hỏi, nhưng chẳng vì thế chúng ta không có quyền hy vọng vào những con người cặm cụi đi như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên và cả những gương mặt mới Nguyễn Hoàng Điệp bây giờ.

Linh Chi