Sài Gòn xưa trong đạo diễn Lê Quốc Nam

13:00 | 02/05/2015

3,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ký ức về Sài Gòn năm 1975 trong Lê Quốc Nam chỉ là những vật dụng trong gia đình anh thời đó. Tuy nhiên, chính từ ký ức ít ỏi đó đã nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt của anh với thành phố này cho đến bây giờ.

Đạo diễn Lê Quốc Nam (SN 1968) cho biết, anh là người Sài Gòn "chính hiệu", anh sinh ra và lớn lên trên thành phố (TP) này từ trước ngày TP giải phóng. Vì thế, khi chứng kiến cuộc "thay da đổi thịt" của TP sau 40 năm, đạo diễn Lê Quốc Nam không khỏi bồi hồi bởi quá nhiều kỷ niệm.

Anh nói, ngày TP giải phóng, anh còn nhỏ tuổi nên không có nhiều điều đọng lại trong anh về móc son lịch sử vẻ vang này. Tuy nhiên, những ký ức về người thân và đặc biệt là những vật dụng trong nhà anh thời đó thì in đậm trong ký ức của anh cho đến bây giờ. Đó là chiếc tivi cũ, máy đánh chữ, bi đông, chiếc máy may mà mẹ anh dùng may đồ hằng ngày… "Tất cả trở nên rất thân thương với tôi từ đó cho đến bây giờ, dẫu lâu nay chúng chỉ là trong ký ức".

Đạo diễn Quốc Nam

Thế rồi vào một ngày cách đây khoảng 7 năm, đạo diễn Lê Quốc Nam quyết tâm tìm lại tất cả những vật dụng thân thương ngày trước từ ký ức còn sót lại của mình. Không những thế, anh còn cất công sưu tầm cả những gì đặc trưng của giai đoạn Sài Gòn 1970 - 1980.

"Khoảng 7 năm trước, tôi có ý định mở quán cà phê mà không gian trong đó tái hiện lại cuộc sống ở Sài Gòn từ những năm 1970 - 1980. Tôi đã mất khoảng thời gian gần 4 năm ngược xuôi Bắc - Nam để tìm lại những vật dụng đặc trưng thời đó. Sở dĩ lâu như vậy vì có những món đồ tìm lại rất khó, hoặc tìm ra, nhưng chủ nhân của nó không đồng ý nhượng lại cho mình. Kế đến, tiêu chí của tôi là tìm những đồ vật tuy là cổ, nhưng vẫn chưa hư hỏng, phải còn sử dụng được. Tất cả những gì tôi trưng bày trong Sài Gòn - 1975 hôm nay đều là những vật còn sử dụng tốt. Và đó là những món đồ vô giá với tôi", đạo diễn Quốc Nam chia sẻ.

Sau nhiều công tác chuẩn bị, quán cà phê đặc biệt nhất của Lê Quốc Nam mang tên móc son lịch sử của TP HCM đã ra đời đầu năm nay, quán Sài Gòn - 1975. Không gian trưng bày của quán chia ra nhiều chủ đề. "Phòng Dân sự" thì anh trưng bày những vật dụng của các gia đình với mong muốn tái hiện lại cuộc sống người Sài Gòn trước giải phóng và trong thời bao cấp sau giải phóng. Còn "Phòng quân sự" thì phòng trưng bày những đồ dùng quân sự trong cuộc chiến năm 1975. Sân thượng là không gian mở, tái hiện lại hình ảnh Sài Gòn những ngày cuối cùng trước giải phóng 30/4/1975.

Một góc trưng bày trong quán của ĐD Lê Quốc Nam

Ở quầy bar, đạo diễn Lê Quốc Nam dùng mô hình chiếc xe tăng mà theo anh thì đó chính là hình ảnh tái hiện lại chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cổng Dinh Độc lập. Trong quán còn có 2 chiếc đồng hồ để giờ chết. Một chiếc chỉ 10 giờ, một chiếc chỉ 11 giờ 30. Đó cũng chính là mốc thời gian tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng và giờ chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập.

"Mục đích của tôi khi tái hiện không gian Sài Gòn những năm tháng ấy không phải là để nhắc lại những đau thương, mất mát trong thời chiến mà là nhắc nhở mọi người, nhất là những người trẻ sau này nhớ về một giai đoạn lịch sử của TP. Chúng ta không được phép quên những gì mà cha ông ta đã phải trải qua để hôm nay chúng ta đã được tự do, hòa bình", đạo diễn tâm sự.

Anh kể, cho đến trước khi khai trương quán, mẹ anh vẫn không hề biết anh làm việc này. Ngày khai trương, anh đưa bà đến, nhìn thấy những gì trưng bày trong quán mà bà bật khóc. Bà khóc vì hạnh phúc khi nhìn thấy lại những đồ vật quen thuộc ngày xưa của gia đình; đặc biệt là chiếc máy may mà đạo diễn Lê Quốc Nam đã cất công tìm kiếm sao cho giống hệt như chiếc máy may của bà ngày xưa! "Đó cũng chính là một món quà tinh thần của tôi dành cho bà, cũng như những người thân trong gia đình", đạo diễn Lê Quốc Nam nói.

Anh chia sẻ, những ngày vừa qua, thấy người TP tưng bừng chuẩn bị cho đại lễ 30/04 mà lòng anh cảm xúc khó tả. Anh nói: "Mới đó mà đã 40 năm trôi qua, TP ngày nay đã có quá nhiều thay đổi, phát triển. Là một người con của TP, tôi tự hào về tất cả những gì mà TP đã đạt được. Tôi vẫn đang miệt mài lao động nghệ thuật với mong muốn góp một phần bé nhỏ nào đó vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trên quê hương này".

Lê Quốc Nam trên sân khấu

Được biết, đạo diễn Lê Quốc Nam hiện đang công tác tại sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân với 3 chức danh tác giả, đạo diễn và diễn viên. Hiện tại, anh đang tiến hành thực hiện 2 vở kịch mới.

Đặc biệt, khi nhắc đến đạo diễn Lê Quốc Nam, người trong giới bảo anh là người nghệ sĩ có tài… làm người khác nổi tiếng, nhưng riêng bản thân anh thì không! Mặc dù, Lê Quốc Nam đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật, là đồng nghiệp của rất nhiều ngôi sao trong làng sân khấu kịch Sài Gòn như: Thanh Bạch, Xuân Hương, Ngọc Giàu, Hoài Linh...

Ngoài ra, những diễn viên trong các nhóm hài do anh thành lập, như Hoàng Tùng, Anh Vũ, Minh Béo, Hữu Thạch... giờ đây đều là những diễn viên có tiếng của sân khấu kịch phía Nam. Còn trước khi đến với anh, họ đều ở vạch xuất phát là số 0. Trong khi đó thì đến bây giờ, nhắc đến Lê Quốc Nam, hẳn nhiều người vẫn sẽ lắc đầu vì không biết, hoặc chỉ quen quen chứ không nhớ là ai! Chính anh cũng không biết lý giải vì sao, ngoài hai chữ "nhân duyên"!

Trúc Vân (Năng lượng Mới)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.