Olympic London 2012: Áp dụng công nghệ mới phát hiện doping

15:36 | 25/04/2012

801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những vận động viên tham dự thế vận hội mùa hè tại London năm nay sẽ phải đối mặt với hoạt động chống doping tinh vi nhất trong lịch sử những lần tổ chức thế vận hội.

Thế vận hội Olympic mùa hè 2012 sắp được tổ chức tại London. Các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện này đã được nước chủ nhà Anh và Ủy ban Olympic Thế giới thực hiện gần như hoàn tất. Vấn đề chống doping cũng được đặt lên hàng đầu nhằm tạo ra một kì Olympic công bằng nhất từ trước tới nay.

Một số vận động viên sẵn sàng làm mọi thứ để được chạm vào tấm huy chương vàng (HCV) Olympic. Cựu nữ hoàng điền kinh thế giới, Marion Jones và cựu chuyên gia ở cự ly chạy 200m, Michael Johnson đã phải đau đớn trả lại những tấm HCV quý giá vì liên quan đến chất kích thích.

Tuy nhiên những vận động viên tham dự thế vận hội mùa hè tại London năm nay sẽ phải đối mặt với hoạt động chống doping tinh vi nhất trong lịch sử những lần tổ chức thế vận hội. Hơn 6.250 mẫu máu và nước tiểu sẽ được kiểm tra trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic. 4 năm trước tại Bắc Kinh, con số này là khoảng 4.500 cùng với khoảng 150 nhà khoa học làm nhiệm vụ phân tích mẫu.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, một nhà tài trợ dược phẩm khổng lồ GlaxoSmithKline (GSK) sẽ được trợ giúp, cung cấp cơ sở vật chất cho các nhà khoa học để thực hiện công việc của họ. Một phòng thí nghiệm trị giá 30 triệu USD đã được dựng lên tại Harlow, Essex, khá gần với công viên Olympic ở phía đông London dưới sự đồng ý của Cơ quan chống doping thế giới(WADA)

Giáo sư David Cowan (bên phải), người đứng đầu phòng thí nghiệm của Olympic London 2012 cho Bộ trưởng Bộ thể thao Anh-Hugh Robertson thấy mẫu xét nghiệm

Giáo sư David Cowan, Giám đốc Trung tâm kiểm soát thuốc King College London và là nhà khoa học chính cho Thế vận hội, rất vui mừng với sự giúp đỡ của GSK. Với sự hỗ trợ của GSK, Cowan và các đồng nghiệp của ông đã có thể phát triển "công nghệ xét nghiệm siêu nhanh, siêu nhạy” có khả năng phát hiện chất cấm. "Với các dụng cụ được trang bị tại phòng thí nghiệm, chúng tôi nghĩ chúng ta có thể nhận những điều thậm chí không thể nghĩ đến,” Cowan cho biết.

Phòng thí nghiệm thuộc sở hữu của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline, 1 trong những nhà tài trợ London 2012

Ông cũng cho hay: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm thoát khỏi những ngày mà các loại chất kích thích có thể đánh lừa các nhà phân tích. Nếu các vận động viên không bị phát hiện ngay bây giờ, thì họ có thể bị phát hiện trong vòng 8 năm tới bởi vì mẫu có thể được tái phân tích”.

David Howman – Giám đốc Cơ quan chống doping thế giới cho biết danh sách các chất bị cấm dài đến 10-15 trang, với hàng trăm các loại thuốc hiện đang bị cấm.

Marion Jones về đích đầu tiên trong trận chung kết 100m tại Olympic 2000. Đó là một trong 3 HCV của VĐV chạy nước rút người Mỹ giành được tại Sydney. Trong năm 2007, Jones đã thừa nhận dùng chất bị cấm và đã bị tước huy chương

Cuộc chiến chống doping vẫn tiếp tục trên cả hai mặt trận. Một điều dễ nhận thấy rằng các vận động viên và các chuyên gia tư vấn cho họ ngày càng tinh vi hơn so với 10 năm trước đây. 80-90 vận động viên đã không được đến Bắc Kinh bởi vì không vượt qua được cuộc kiểm tra trước Thế vận hội 2008 và cũng có một số vận động viên như thế trong kì Thế vận hội năm nay.

Thế vận hội mùa hè tại London 2012 sẽ được kiểm tra gắt gao bằng những công nghệ phát hiện chất kích thích tiên tiến nhất hiện nay, nhằm tạo sự công bằng, chính xác cho tất cả các vận động viên tham dự.

Thông điệp đến từ Olympic London 2012 "Yes we can, and we will” tạm dịch là: "Chúng tôi có thể, và chúng tôi sẽ làm được”.

Xuân Tiến (Theo CNN)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.