NSƯT Tự Long: Tôn trọng nghề chính là tôn trọng bản thân mình

08:47 | 20/07/2014

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Năng lượng Mới, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tự Long khẳng định, nghệ sĩ thực sự không có mấy ai bán mình. Những câu chuyện vui buồn trong giới nghệ thuật lâu nay chủ yếu liên quan đến những người mang danh nghệ sĩ.

Năng lượng Mới số 340

Học thoại 1 tiếng chứ hát văn 10 năm cũng chịu

PV: Là diễn viên chèo nhưng bao lâu nay khán giả thường chỉ biết đến anh với những vai hài kịch. Anh có thấy chạnh lòng vì điều này? 

NSƯT Tự Long: Mọi người không biết thôi chứ tôi là NSƯT của làng chèo chứ không phải của làng hài. Tôi là một trong số ít những diễn viên của đoàn  có nhiều huy chương nhất về chèo. Đến bây giờ tôi có khoảng 8 huy chương, 5 vàng, 3 bạc của toàn quốc trong suốt chiều dài 13 năm làm chèo. Thành quả đó không phải tự dưng có được mà nó phải là sự cống hiến của mình với nghề.

Việc không mấy ai biết được nghề của tôi là vì các phương tiện thông tin đại chúng chỉ khai thác ở khía cạnh khác. Bản thân nghệ thuật chèo cũng không phải loại hình nhiều người biết đến mà trong xã hội hiện đại như bây giờ giới trẻ đâu có mặn mà với chèo. Đó cũng là lý do vì sao trong các vai diễn kịch hoặc hài kịch tôi thường hay lồng hát chèo vào đó. Tôi hát bù lại để thông qua đó người ta biết mình là nghệ sĩ về nghệ thuật dân tộc.

NSƯT Tự Long: Tôn trọng nghề chính là tôn trọng bản thân mình

PV: Quả thực, các nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói ít được công chúng biết tên, biết  mặt, điều đó cũng khiến cho cuộc sống của họ thường vất vả hơn so với các loại hình nghệ thuật khác?

NSƯT Tự Long:  Điểm mặt xem bao nhiêu nghệ sĩ làm nghề chèo bây giờ được biết đến, ít lắm! Những nghệ sĩ làm nghệ thuật dân tộc nổi tiếng giờ đã lớn tuổi. Khi các phương tiện thông tin đại chúng ít ngó ngàng đến nên công chúng càng ít  chú ý đến các loại hình nghệ thuật đó.  Đó là một nỗi buồn chung chứ không riêng gì chèo cả.  Diễn viên sân khấu kịch còn nhận đóng vai phụ, hát không giỏi có thể đi hát lót nhưng riêng với những người làm sân khấu dân tộc thiệt thòi là tính quảng bá của loại hình này không cao, thị hiếu của người dân với nghệ thuật dân tộc không phải bao giờ cũng ăn khách. Bình thường không phải lúc nào cũng mang mấy ông ấy ra rồi i ỉ được nên có cái khó của những nghệ sĩ nghệ thuật dân tộc. Họ sống bằng nghề là ít lắm. Có mấy người bảo hát chèo để sống đâu. Nhiều người cho rằng, bây giờ dân chèo chuyển sang đi hát văn nhưng không phải ai cũng hát được cái đó đâu vì nói hơi duy tâm một chút là người phải có căn số.

Bây giờ cho học  thoại tôi chỉ học một lúc là thuộc nhưng cho đi học hát mấy ông hoàng bà chúa tôi chịu, có học 10 năm tôi cũng không hát được.

Trong giới cũng có nhiều người đi hát. Bởi đó là nhu cầu mưu sinh “đói thì đầu gối cũng phải bò”.  Điều kiện để tiếp cận với cuộc sống bây giờ của các nghệ sĩ nghệ thuật dân tộc là khó, thậm chí những người làm trong nghệ thuật quân đội còn khó hơn nữa vì môi trường.

NSƯT Tự Long: Tôn trọng nghề chính là tôn trọng bản thân mình

Tự Long trong vai chèo “Sáng trong như ngọc một con người” hóa thân thành Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

PV: Lương tháng của một diễn viên  đang trong chế độ thử việc là bao nhiêu, thưa anh?

NSƯT Tự Long: Thấp lắm, có người chỉ hơn một triệu. Lương mỗi tháng như thế mà còn đóng tiền nhà 2,3 triệu một tháng thì làm sao đảm bảo cuộc sống làm nghề được. Có phải ai cũng có mối quan hệ, điều kiện được đâu. Con người ta sống và làm nghề còn liên quan đến chí tiến thủ nữa, đâu phải muốn là làm được hay điều kiện bắc cầu ai cũng có, nó liên quan đến nhiều thứ lắm. Nhiều người muốn làm nhưng trình độ của họ kém lại ngại va chạm. Hầu hết các nghệ sĩ nghệ thuật dân tộc không làm các chuyên ngành khác được vì họ ít học hỏi hay môi trường của họ làm họ không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống.

PV: Cuộc sống là luôn luôn phải vận động. Nhưng tiếp xúc nhiều với các nghệ sĩ tôi thấy họ chậm lắm. Điều đáng buồn là họ chấp nhận sống cuộc sống như vậy một cách rất thản nhiên?

NSƯT Tự Long: Đúng rồi, chết ở chỗ bản thân họ không chịu thay đổi cách nghĩ. Làm nghệ sĩ nhưng bảo ông đánh máy tính hay đọc ngoại ngữ cũng không làm được thì sao vào mạng gửi mail. Vấn đề là có muốn mở đầu óc, mở lòng mình ra để đón nhận cái mới. Cuộc sống phải học hỏi liên tục. Nếu bây giờ tôi vẫn chấp nhận cuộc sống như ngày xưa, ở một đoàn chèo như thế và sống như thế thì bao giờ mới có một Tự Long như ngày hôm nay, phải lao vào làm chứ, vừa làm vừa học hỏi, vừa trau dồi mất 10 năm đấy.

Vào một môi trường mới, điều kiện khác mình phải học tập, phải vươn lên và luôn tìm tòi sáng tạo. Phải vất vả lắm, ngay cả đi làm truyền hình có tiền mấy đâu. Chỉ khoảng 1-2 triệu một show. Tất nhiên, chúng tôi thường mặc định khi đã làm với Đài không bao giờ mình tính toán đến chuyện tiền nong vì những chương trình trên Đài tính cộng đồng cao, sóng đi đến vùng sâu vùng xa. Vì thế mình đặt yếu tố làm cho khán giả nhiều hơn và để giữ thương hiệu cho khán giả không quên mình. Đó là thứ mà mình có tốn tiền cũng không mua được. Và khi đi diễn ở ngoài bầu show họ trả khác, nó là hai mặt của một vấn đề.   

PV: Nhưng nghệ sĩ trẻ bây giờ hầu như không say nghề, không có niềm đam mê như những thế hệ trước? Liệu có chuyện  nghệ sĩ bây giờ cũng muốn kiếm một công việc để làm ở chỗ ngồi cho ổn định không, thưa anh?

NSƯT Tự Long: Không có. Trước đây họ đến với nghệ thuật chủ yếu bằng lòng yêu thích nhưng bây giờ nhiều lúc họ đến vì tính hiếu kỳ, để thử khả năng và cũng vì danh vọng, nhờ đó ngày hôm nay nó mang đến cho họ sự nổi tiếng, phát triển một cách nhanh chóng hơn niềm đam mê, yêu thích mà họ dành cho nó. Thời nào cũng vẫn có những người yêu nghề, sống vì nghề nhưng trong cuộc sống của thế hệ ngày nay đặc biệt là thế hệ trẻ, nhiều khi họ không thích hoặc không làm được và họ ra đi một cách vui vẻ chứ không đau đáu như ngày xưa. Ngày xưa đi thi không làm được, họ thi năm này qua năm khác, có những người vào trường sân khấu phải thi 4 lần, hay có người thi không đỗ về họ không ăn không ngủ được chứ như bây giờ không đỗ họ chuyển sang ngành nghề khác. Nói thật, bây giờ nhiều thứ không thiêng là vì vậy.

Thường những người xuất chúng yêu nghề họ sẽ tìm cách làm nghề bằng mọi thứ để cống hiến nhưng giới trẻ trong nghề bây giờ họ không chủ động tìm tòi, sáng tạo và say sưa. Bây giờ là phải giục, chứ mình ngày xưa có khi phải đến nhà cô này, chú kia học hát, học vai. Các em bây giờ thụ động, lười.  Chuyên môn chính thì chậm, mấy bài ba lăng nhăng bên ngoài lại nhanh, bảo lên sân khấu cầm micro hát thì run như cầy sấy nhưng bảo đi hát salon, hát tiệc lại rất dạn dĩ. Đó là thứ thuộc về nhận thức của chính những người trong cuộc, không đầu tư vào nó, không say sưa thì sống thế nào? Có người lúc ở trường học bình thường nhưng ra trường họ yêu, say nghề và làm nghề rất giỏi, nhưng ngược lại có người ở trường học tốt, loại giỏi nhưng về cứ mải mê kiếm tiền bươn trải, tự dưng làm nghề nhanh mai một.

Tự trọng là biết diễn cho ai, diễn vì cái gì

PV: Trước đây, diễn viên hài sống ổn một phần nhờ vào các show diễn, đặc biệt là diễn ở tỉnh. Bây giờ thì sao, thưa anh?

NSƯT Tự Long: Cách đây 10 năm thì ổn còn bây giờ giảm nhiều rồi. Vì hiện nay những người làm bầu show, từ đó nhiều người do chạy theo lợi nhuận, họ làm nhanh, làm ẩu nên làm không uy tín. Họ thường “treo đầu dê bán thịt chó” hoặc làm theo kiểu “đem con bỏ chợ”, làm ăn không thật, đêm biểu diễn không chất lượng và gần như lừa khán giả nên anh em nghệ sĩ cũng không “bán mạng”, “bán máu” cho họ nữa rồi. Nghệ sĩ như chúng tôi có đi cũng phải đi với những người uy tín chứ những người làm chụp giật, hỏng cả hình ảnh của mình.

NSƯT Tự Long: Tôn trọng nghề chính là tôn trọng bản thân mình

Tự Long đóng vai Táo Giao thông trong “Gặp nhau cuối năm 2013”

PV: Rõ ràng không ít khán giả ngồi nhà xem tivi rất thích chuyên mục hài kịch nhưng khi diễn ở sân khấu sao lại khó bán vé vậy?

NSƯT Tự Long: Thực ra, những chương trình chúng tôi hội tụ lại làm những gala hay gặp nhau hài cuối năm tổ chức bán vé vẫn đông khách. Còn những chương trình bình thường thì có nhiều lý do lắm. Các chương trình gameshow, giải trí trên truyền hình ồ ạt khiến nhiều người có thể ngồi nhà xem truyền hình hay họ có thể trực tiếp tham dự các gameshow… Quan trọng nhất là nhu cầu cuộc sống, khi người ta khát tiếng cười thì những sân khấu nhỏ hoặc hài kịch dễ sống còn khi người ta không thích nữa thì những chương trình đó chìm đi là chuyện bình thường. Đừng bắt khán giả bây giờ phải quay lại thời kỳ của 5, 7 năm về trước, vì nhận thức đã khác rồi.

PV: Có nghĩa là sân khấu hài “chết” là do yếu tố khách quan chứ không phải do nghệ sĩ? Nhưng tôi thì thấy khoảng 10 năm trở lại đây, hài kịch dường như không xuất hiện gương mặt mới?

NSƯT Tự Long: Bây giờ có những người chẳng biết có phải diễn viên hay không cũng lên sân khấu để cù khán giả. Ngày xưa khác, nó là sự chắt lọc của cuộc sống và những gương mặt ấy đều được khẳng định cả. Có thể nói, nhiều chương trình ngày nay, cách họ sử dụng diễn viên rất ẩu, không thực sự mang ý nghĩa dùng tài năng là chính mà đôi khi có thể do nhu cầu kinh tế có hạn hay trình độ không có nên các chương trình cũng bị nhảm đi. Ngoài yếu tố khách quan thì người trong cuộc cũng có những vấn đề như thế.

Tuy nhiên, những gì là chuẩn mực vẫn sẽ còn tồn tại vì hài là cái không dạy được, mà đó là cái duyên trời cho, sự khổ luyện cũng có nhưng chỉ là yếu tố phụ, vô duyên  là khán giả chỉ xem 1 lần rồi sau đấy sẽ tự bị đào thải. Nó là quy luật, không phải đơn giản mà bắt người ta đến được mà phải tự mỗi con người, khán giả cảm nhận nó trở thành món ăn tinh thần của họ. Cái gì rồi cũng sẽ được trả về đúng đẳng cấp và vị trí của nó. Không việc gì phải buồn hay lăn tăn, vì cái gốc của nó nếu đã hay thì cuối cùng vẫn là hay, còn đã dở anh có cố khoác cho nó cái áo mới hay vị trí thế nào thì nó vẫn cứ dở. Có nhiều nghệ sĩ thậm chí ca sĩ được tung hê trong các chương trình giỏi lắm nhưng có hát được đâu.

PV: Nghệ sĩ hài hình như không mấy quan tâm đến showbiz đúng không?

NSƯT Tự Long: Không phải không quan tâm mà có lẽ là tránh nhau thì đúng hơn. Ví như tránh bàn luận, đánh giá về nhau. Mỗi người có một sân chơi, tuy tất cả đều cùng là người trong nhà, cùng một giới nhưng ở mỗi lĩnh vực khác nhau họ đều có tính độc lập riêng và có những cánh cửa, khoảng trời riêng mình nên tôn trọng. Điều cuối cùng vẫn là khán giả, công chúng là người ăn những món đó, dù có là showbiz, điện ảnh hay cái gì đi chăng nữa cũng là sản phẩm để phục vụ chính con người mà thôi.  Những sản phẩm đó bao giờ cũng có sự thanh lọc, có cái hay cái dở, tính thời đại trong đó. Âu cũng là quy luật của sự đào thải, cái gì tốt sẽ vẫn còn. Chuyện về showbiz ở đây cũng có phần lỗi của truyền thông, đất nước có nhiều sự kiện, con người họ lại chẳng đưa tin mà đi đưa những trường hợp rất buồn cười trong cuộc sống rồi giật tít cho mọi người xem. Đó cũng là mặt trái của báo giới, giống như nghệ sĩ cũng có những mặt trái của họ. Nó giống như khuyết điểm thôi, chúng ta cứ đào bới khuyết điểm đó từ nhỏ biến thành to, nâng quan điểm tự dưng làm con người ta không phát triển được mà đẩy họ vào đường cùng. Cái gì cũng có hai mặt.

PV: Nhiều người nói nghệ sĩ trẻ hiện nay đang đánh mất lòng tự trọng? Anh nghĩ gì về nhận xét này?

NSƯT Tự Long: Nói thế hơi chung chung, nghệ sĩ có mấy ai bán mình đâu mà nói đến đánh mất lòng tự trọng. Trước khi nói đến điều này phải hiểu lại cho rõ về hai từ nghệ sĩ.

Thế nào gọi là nghệ sĩ và nghệ sĩ chân chính? Có những người tự nhận là nghệ sĩ nhưng có ai công nhận đâu. Đầy người vỗ ngực là ca sĩ nhưng thử hỏi khi đi hát có bao nhiêu người chấp nhận họ là ca sĩ. Người ta bảo “con sâu làm rầu nồi canh”, có nghệ sĩ làm cho cả làng showbiz hay làng nghệ sĩ phải thế nọ thế kia nhưng đầy người không biết cô ấy, anh ấy là nghệ sĩ thậm chí nhiều người chẳng học hành gì lên hát hoặc lên phim vẫn trở thành nghệ sĩ còn những người học hành nghiêm chỉnh ra đường không ai biết họ là nghệ sĩ hay những người là NSUT, NSND được tôn vinh. Vậy thế nào mới là nghệ sĩ đây?

Tự trọng thì ở đâu cũng có, nghề nào cũng có. Có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ ví dụ như chúng tôi không đi diễn ở đám cưới, có những nơi mời bảo bao nhiêu tiền cũng được nhưng mình không diễn được vì không hợp. Tự trọng của nghệ sĩ chính là chỗ này, trước khi diễn mình phải tự xem có hợp không, diễn cho ai, diễn thế nào. Có người đi diễn mà phải nói với nhau là diễn trước khi ăn tiệc để mọi người còn tập trung mà xem, diễn hài kịch mọi người không xem, không phản ứng là chết rồi. Có những kịch bản chạy theo thị hiếu tiếng cười nhưng cũng có kịch bản lúc xem phải yêu cầu đi vào từng tình huống mới thành công. Tự trọng là người nghệ sĩ biết diễn cho ai, diễn vì cái gì. Cũng không tránh được có người vì đồng tiền vẫn chấp nhận tất cả, đó không phải họ không có tự trọng mà vì cuộc sống chứ, tại sao không nhỉ, có ai chê tiền đâu? Cứ ngồi đó mà cao giọng, tôi không diễn chỗ này đâu, sân khấu phải hoành tráng, đèn đóm phải đầy đủ, khán giả tập trung vậy cứ ngồi nhà mà xem con đói không có tiền mua sữa thì tự trọng để làm gì?

PV: Quả thật cuộc sống tất cả mọi thứ phải hài hòa, có những nghệ sĩ không có tự trọng nhưng cũng có những người bất chấp mọi thứ miễn sao đảm bảo cuộc sống có đồng tiền, việc ấy không tránh khỏi?

 NSƯT Tự Long: Ở đâu chả có mặt trái, chỗ nào cũng có người tốt người xấu, có phải cuộc sống này đầy rẫy người xấu đâu, vẫn còn rất nhiều người tốt chứ. Đầy nghệ sĩ chân chính kìa, quanh năm chả làm việc đâu cả chỉ đi diễn cho nhà hát thôi, họ chấp nhận nghèo để được làm một cái nghề đó quanh năm. Một là họ không thích đi làm nghề khác, hai là có cho họ cũng không làm được, họ phải chấp nhận thôi. Tự trọng hay không, nghèo hay giàu, điều quan trọng vẫn phải tôn trọng nghề của mình chính là tôn trọng bản thân mình, không rẻ rúng, quăng quật nó hay dùng nó vào những lúc không đúng lúc đúng chỗ, đó là tự trọng thôi. Tự trọng là tự trọng nghề nghiệp, tư cách là tư cách đạo đức con người làm nghề, yêu nó sống hết mình với nó và đặt nó đúng lúc đúng chỗ. Chứ không phải tự trọng là tôi chỉ diễn những sân khấu lộng lẫy, hoành tráng để đến mức độ đói đến nghề cũng chả làm được.

PV: Xin cảm ơn anh!

Thái Linh - Thanh Huyền (thực hiện)