Những giai điệu thân thương của ngày 20-11

11:55 | 20/11/2013

3,658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày hội lớn của ngành giáo dục, khắp nơi trên cả nước lại vang lên những bài hát mừng các thầy các cô.

Bài ca người giáo viên nhân dân

“Trên khắp nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa luôn đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”, đó là lời bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” của Hoàng Vân. Đây là bài hát nổi tiếng nhất viết về đề tài sư phạm từ trước đến nay.

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể về sự ra đời của bài hát: Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hình ảnh các thầy cô giáo, mái trường trong suy nghĩ của mọi người luôn rất đẹp. Các thầy cô luôn hết lòng vì học sinh. Hầu như nhà trường không có những vụ việc tiêu cực. Cũng chính vì thế mà trở thành giáo viên là ước mơ của nhiều học sinh.

Với “Bài ca người giáo viên nhân dân”, tác giả không có ý muốn miêu tả công việc cùng những nghĩ suy, trăn trở của giáo viên nói chung mà chỉ muốn khắc họa đôi nét, chủ yếu là cảm xúc, trạng thái vui tươi, yêu đời của một đối tượng cụ thể: những cô giáo trẻ. Bởi vậy, ta không thấy nét trầm mặc, sâu lặng của giai điệu mà thay vào đó là sự hồn nhiên, trong sáng của một điệu trưởng với tiết tấu hơi nhanh (allegretto) rất phù hợp với nội dung văn học biểu hiện trong lời ca.

Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng cho biết, ông hoàn thành bài hát khá nhanh, viết một mạch chỉ trong vòng một vài giờ. Sau đó cũng không phải chỉnh sửa nhiều, không phải bài hát nào của ông cũng ra đời như thế.

Người đầu tiên hát bài này rất thành công này là ca sĩ Mỹ Bình. Từ đó, bài hát trở nên rất phổ biến. Trong những hội diễn, liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, “Bài ca người giáo viên nhân dân” có khi được tới dăm, bảy diễn viên cùng hát trên sân khấu.

Bụi phấn

Mỗi năm cứ đến dịp 20/11, “Bụi phấn” lại thêm một lần khẳng định giá trị thiêng liêng của nó trường tồn cùng thời gian. Những giai điệu mượt mà, da diết ấy vẫn luôn đem tới một cảm giác bình yên, thân thương như một dòng suối trong lành của quá khứ tuôn chảy tới thực tại, đem theo bao kỷ niệm của tuổi còn thơ.

Được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc, “Bụi phấn” nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Hiếm ai còn nhớ bài hát này ra đời vào thời gian nào, trong hoàn cảnh ra sao, chỉ biết rằng ai từng trải qua thời cắp sách đến trường cũng đều từng nghe và thuộc lòng Bụi phấn.

Giống như một bản nhạc thơ, “Bụi phấn” có lời ca ngắn với những âm điệu nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Mỗi khi những câu hát ấy vang lên, người nghe như sống trong khoảnh khắc của những ký ức xưa cũ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, là một học sinh vô tư, hồn nhiên.

“Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi

Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng

Có hạt bụi nào, vương trên tóc thầy…”

Ngày đầu tiên đi học

Có bao nhiêu người khóc òa trong ngày đầu tiên mẹ dẫn đến trường mẫu giáo? Ca khúc Ngày đầu tiên đi học của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện với lời ca nhẹ nhàng sâu lắng: “Ngày đầu như thế đó/ Cô giáo như mẹ hiền/ Em bây giờ cứ ngỡ , cô giáo là cô tiên…”.

 

Khi tóc thầy bạc

Bài hát với lời ca giản dị, sâu lắng: “Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh/ Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi… Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang…”, là sáng tác của NSƯT Trung Đức - “cha đẻ” của chương trình Những bông hoa nhỏ nổi tiếng một thời.

Bài hát được sáng tác vào những năm tác giả cùng gia đình tản cư vào vùn Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Người thầy đáng kính của NSƯT Trung Đức là thầy Nguyễn Đăng Ninh, người có tầm định hướng và hiểu biết uyên thâm. Thầy cũng là người đã khuyến khích tác giả rất nhiều, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho ông phát huy khả năng…

“Khi tóc thầy bạc” lọt top “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”.

 

Đi học

Từ lúc còn bé tí ti, ai trong chúng ta cũng đều thuộc bài hát có ca từ và giai điệu vô cùng đáng yêu này: “Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp… Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì”…
 
Dựa trên lời thơ của Hoàng Minh Chính, nhạc sỹ Bùi Đình Thảo đã thổi những nốt nhạc làm bài hát trở nên vô cùng dễ thương, hồn nhiên, gần gũi với rất nhiều thế hệ.
 
Nhà thơ Hoàng Minh Chính sáng tác bài thơ này để tặng cho mối tình đầu của mình là một cô giáo. Sau khi nhà thơ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mối tình đầu của ông vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Cô giáo ấy sau này tham gia giảng dạy ở trường PTTH Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), đã hát bài “Đi học” cho học sinh của mình nghe với nhiều xúc động…

Linh Chi (t/h)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.